Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Tế bào gốc tạo máu là gì?

Ghép tế bào gốc tạo máu được coi là một “cuộc cách mạng” trong điều trị các bệnh máu và cơ quan tạo máu. Vậy tế bào gốc tạo máu là gì và có ở đâu trong cơ thể? Mời các bạn tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

tế bào gốc tạo máu

Thế nào là tế bào gốc tạo máu?

Tế bào gốc là tế bào nguyên thủy nhất của cơ thể, có thể biến đổi thành nhiều tế bào của các cơ quan khác nhau.

Tế bào gốc tạo máu là loại tế bào có thể biến đổi thành các tế bào máu mang chức năng khác nhau như:

  • Hồng cầu để vận chuyển oxy;
  • Tiểu cầu để chống chảy máu;
  • Bạch cầu để tạo miễn dịch bảo vệ cơ thể.

Các nguồn tế bào gốc tạo máu

Ở người lớn, tế bào gốc tạo máu chủ yếu ở tủy xương. Ngoài ra có thể ở máu ngoại vi, tuy nhiên, số lượng rất ít. Ở trẻ sơ sinh, tế bào gốc tạo máu có thể ở trong máu dây rốn của trẻ. Như vậy, có 3 nguồn tế bào gốc gồm: từ tế bào máu ngoại vi, từ tuỷ xương và từ máu dây rốn.

Tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi

Nguồn tế bào gốc này có tỷ lệ rất thấp. Các tế bào gốc được tạo ra từ tủy xương sẽ lưu thông ra hệ tuần hoàn rồi sau đó trở về tồ chức tủy xương.

Do tế bào gốc ở máu ngoại vi có số lượng thấp, nên khi cần thu thập ở người bệnh hoặc người hiến sẽ phải dùng thuốc để huy động, làm tăng tỷ lệ tế bào gốc trong máu ngoại vi.

Thu thập tế bào gốc máu ngoại vi: Người hiến/ người được gạn tách nằm trên giường, kết nối với hệ thống gạn tách qua đường tĩnh mạch. Máu đi ra khỏi cơ thể từ một đường. Sau đó, máy sẽ lọc tế bào gốc vào túi riêng và trả các thành phần còn lại về cơ thể qua một đường khác.

Kỹ thuật này rất ít ảnh hưởng đến sức khỏe của người được gạn tách/ người hiến, chỉ biểu hiện đau mỏi do nằm 3-5 giờ, hạ canxi máu, đau nhức xương do tiêm thuốc huy động…

Tế bào gốc từ tuỷ xương

Tủy xương là nơi trú ẩn chính của các tế bào gốc tạo máu. Tại đây, nguồn tế bào gốc rất dồi dào. Người bệnh/người hiến sẽ được đưa vào phòng phẫu thuật, được gây mê và chọc hút tế bào gốc tại tủy xương ở vùng xương chậu (phía trên vùng mông).

Thể tích dịch tủy cần lấy có thể từ 500 – 1000ml tùy từng trường hợp. Nhiều trường hợp người bệnh/người hiến sẽ cần truyền bù máu để bù đắp lại lượng dịch đã lấy. Những ảnh hưởng chính của kỹ thuật này bao gồm đau tại vùng chọc tủy, ảnh hưởng của thuốc gây mê, giảm thể tích tuần hoàn…

Tế bào gốc từ máu dây rốn (còn gọi là tế bào gốc dây rốn)

Tế bào gốc dây rốn được lấy từ tĩnh mạch của dây rốn và cũng rất dồi dào tế bào gốc. Thời điểm lấy tế bào gốc dây rốn tốt nhất là ở đoạn giữa của quá trình sinh nở, sau khi trẻ đã ra đời và cắt, kẹp dây rốn nhưng bánh rau vẫn còn nằm trong cơ thể mẹ. Dùng kim chọc vào tĩnh mạch của dây rốn để máu đi vào túi có chất chống đông và cố gắng lấy được toàn bộ số máu trong dây rốn. Trong trường hợp cần thiết có thể lấy thêm máu từ bánh rau sau khi đẻ rau. Kỹ thuật này không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ sơ sinh và người mẹ.

tế bào gốc tạo máu

Kỹ thuật viên đang thu thập máu dây rốn 

Tế bào gốc máu dây rốn có ưu điểm khác với các tế bào gốc được tạo ra từ tủy xương là những tế bào gốc này chưa bị hư hại do bệnh tật và đột biến. Chính vì vậy, so với các nguồn tế bào gốc khác thì đây là nguồn tế bào gốc có sẵn và đã có kết quả xét nghiệm HLA sẵn trong ngân hàng lưu trữ cộng đồng nên thời gian chờ ghép sẽ được rút ngắn một cách đáng kể. Nhờ có nguồn tế bào gốc có sẵn trong ngân hàng lưu trữ nên có thể tận dụng được thời điểm vàng trong điều trị cho người bệnh. Vì vậy, ghép tế bào gốc từ máu dây rốn vẫn đang được ứng dụng trên thế giới.

tế bào gốc máu dây rốn tế bào gốc máu dây rốn

ĐỊA CHỈ LƯU TRỮ TẾ BÀO GỐC MÁU DÂY RỐN:

Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà T, Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

Điện thoại: (024) 37824267, 0963892551

Email: nihbtscc@gmail.com

NIHBT

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan