Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Gia đình có 2 con bệnh máu oằn mình trong cơn bão Covid-19

“Máu hiến tặng có đến được với người nghèo?” Đó là câu hỏi, là nỗi hoài nghi mà bạn có thể bắt gặp ở đâu đó. Còn ở Viện Huyết học -Truyền máu TW, nơi phần lớn người bệnh phải điều trị lâu dài, thậm chí là suốt đời, bạn có thể dễ dàng chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện cảm động về những người bệnh ở trong hoàn cảnh rất khó khăn đang giành lại sự sống nhờ nguồn máu hiến của cộng đồng. Mời các bạn theo dõi những câu chuyện ấy qua loạt bài “Máu hiến tặng có đến được với người nghèo?”, đặc biệt là những cảnh đời đang oằn mình trong cơn bão Covid-19, trong tình trạng nguồn máu hiến tặng đang sụt giảm nghiêm trọng.

HÃY HIẾN MÁU để giành lại sự sống cho người bệnh!!!

Câu chuyện số 3:

Gia đình có 2 con bệnh máu oằn mình trong cơn bão Covid-19

Gần 2 tháng qua, Bắc Ninh đã trải qua những ngày khó khăn vì dịch bệnh. Đó cũng là lúc gia đình chị Phan Hoài Thu và anh Nguyễn Văn Quê (sống tại TP. Bắc Ninh) oằn mình trong cơn bão Covid-19 với những nỗi lo chồng chất: “không có thu nhập” và “con không được điều trị”.

Nỗi lo chồng chất trong dịch Covid-19

Trong suốt thời gian ấy, chị Thu không thể đi bán nước được nữa. Khi nguồn sống duy nhất của gia đình anh chị, một gia đình có 2 con bị bệnh máu và người chồng chịu nhiều di chứng từ một tai nạn chấn thương sọ não bị cắt đứt, chị Thu quay cuồng trong hết khoản vay này đến khoản nợ khác.

Anh chị có 3 con nhưng chỉ có con gái đầu khỏe mạnh còn cả hai con trai từ khi sinh ra đã bị một căn bệnh rối loạn đông máu hiếm gặp (bất thường chức năng tiểu cầu). Dòng máu từ mũi, từ miệng con chỉ có thể ngừng chảy khi con được điều trị, được truyền tiểu cầu.

Khan hiếm máu do dịch Covid-19

Cứ 1-2 tuần, con trai lớn của anh chị, cháu Nguyễn Gia Bảo lại phải vào điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu TW. Có lúc con đang nằm mà máu mũi chảy lên mắt, chảy cả xuống miệng, xuống tai. Dịch bệnh ập đến, anh chị chỉ biết cầm cự bằng cách cho con uống thuốc cầm máu tại nhà. Nhưng rồi con đi tiểu ra máu, tình trạng ngày càng nặng hơn, ngay trong đêm chị Thu phải đi xe máy chở chồng và con đến viện, còn mình sau đó lại quay về Bắc Ninh chăm con.

Khi dịch Covid-19 ở Bắc Ninh dần lắng xuống thì Hà Nội lại giãn cách trên diện rộng, chặng đường níu lấy sự sống cho con của anh chị lại càng gian nan hơn. Hai con thay nhau chảy máu, anh chị chỉ ước con được truyền một bịch tiểu cầu, một bịch máu, nhưng đường về Hà Nội quá xa… Anh chị lại nghe tin máu dự trữ đang dần cạn kiệt, dù cho con có vượt dịch đến Viện Huyết học – Truyền máu TW thì liệu có máu, có tiểu cầu hay không?

Khan hiếm máu do dịch Covid-19

Nhiều lúc trong túi không còn đồng nào, con lại bị chảy máu, mất máu nhiều, chị Thu không biết cuộc sống của gia đình ngày mai sẽ ra sao? Những ngày sống không dám nghĩ đến ngày mai trong dịch Covid-19 khiến chị lại nhớ lại thời điểm đen tối nhất trong cuộc đời chị cách đây 4 năm.

Nỗi đau nối tiếp… nỗi đau

Khi đó, chị Thu vừa mới sinh con trai thứ 2 – Nguyễn Phúc Lâm được vài ngày thì con bị xuất huyết ngoài da, toàn thân xuất hiện nhiều vết bầm tím và phải nhập viện gấp. Ở bệnh viện, chị Thu chết lặng khi nghe hung tin Phúc Lâm cũng bị căn bệnh rối loạn đông máu như anh trai.

Chưa kịp chấp nhận nỗi đau 2 con cùng bị bệnh hiểm nghèo, chị Thu lại nhận thêm một cú sốc nữa. Trong những ngày tất tả chạy đi, chạy lại giữa bệnh viện ở Hà Nội và Bắc Ninh để lo cho vợ con, anh Quê đã gặp một tai nạn khủng khiếp dẫn đến bị chấn thương sọ não. Anh bị mất đi một mảng xương sọ khiến da đầu lõm sâu, nằm liệt giường suốt nhiều tháng ròng.

Ôm trong lòng hai đứa con nhỏ rồi đây sẽ phải sống gắn với bệnh viện suốt đời, chồng có thể bị liệt nửa người, nước mắt chị Thu cứ chảy dài. Chị thấy mình như lâm vào đường cùng, không biết làm thế nào để thoát ra khỏi những nỗi bất hạnh liên tiếp ấy.

Sau rất nhiều đợt nằm viện, phẫu thuật tốn kém hàng trăm triệu đồng, anh Quê được ghép sọ nhưng di chứng của tai nạn chấn thương sọ não vẫn còn. Anh hay bị đau đầu, trí nhớ giảm sút, đi lại khó khăn.

Đến nay, anh Quê chỉ có thể quanh quẩn ở nhà giúp vợ trông con, làm việc nhà và bước những bước đi tập tễnh đưa con vào viện. Cả gia đình 5 người chỉ còn lại một mình chị Thu gánh vác bằng đồng lương công nhân. Lương thấp, lại không có thời gian chăm con nhỏ, chị Thu đành nghỉ việc và kiếm sống bằng nghề bán nước vỉa hè.

Khi việc bán nước buộc phải tạm dừng, chị Thu lại xoay sang đi dọn nhà thuê, đi ship hàng. Chị còn tập tành học cách tư vấn và bán bảo hiểm. Nhưng trong dịch bệnh, đồng tiền kiếm được chẳng đủ chi tiêu trong gia đình, càng không đủ cho con đi viện.

Nỗi lo về kinh tế có thể được san sẻ nhờ sự hỗ trợ từ Phòng Công tác xã hội của Viện và các nhà hảo tâm, từ nỗ lực của chính chị Thu. Còn nỗi lo “không có máu”, “không được điều trị” chỉ có thể đẩy lùi nhờ những tấm lòng nhân ái, không quản ngại dịch bệnh đi hiến máu vì người bệnh. Mong sao khi vợ chồng anh chị đưa các con đến Viện, con sẽ không phải nằm chờ tiểu câu khi máu đang chảy mãi không cầm.

Xêm thêm: Máu hiến tặng có đến được với người nghèo?

Câu chuyện số 1: Hành trình giành lại con của người mẹ đơn thân

Câu chuyện số 2: Cô bé mồ côi cha lớn lên nhờ nguồn máu hiến

Trương Hằng, ảnh: Công Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan