Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Cảm xúc của những chiến binh trở về từ tâm dịch

Sau gần 50 ngày xung phong nơi tuyến đầu, hỗ trợ cho miền Nam thân yêu trong việc điều trị người bệnh COVID-19, 60 y bác sĩ thuộc đoàn số 1 của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã được trở về Hà Nội. Chuyến công tác đặc biệt này đã để lại vô vàn cung bậc cảm xúc và những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm nghề y của những “chiến binh” dũng cảm.

Dù cùng công tác tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) nhưng vì chia ca kíp làm việc, mà từ ngày lên đường đến khi trở lại Hà Nội, 60 thành viên của đoàn mới được “hội ngộ” đông đủ.

PGS. TS. Nguyễn Hà Thanh, Phó Viện trưởng có mặt tại sân bay động viên các chiến binh trở về Hà Nội sau chuyến công tác đặc biệt.

Ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19, người bệnh dù ở độ tuổi nào cũng đều có điểm chung là sự cô độc khi không có người thân, gia đình bên cạnh. Những người thầy thuốc lúc này không chỉ phải điều trị về sức khỏe, mà còn là chỗ dựa tinh thần cho người bệnh, mặc dù chính bản thân bác sĩ cũng phải chịu nỗi cô đơn khi xa gia đình.

Điều dưỡng Lê Thị Thủy Tiên, khoa Ghép tế bào gốc chia sẻ: “Hình ảnh người bệnh phải cố gắng giành giật sự sống đã làm chúng tôi ám ảnh. Khi gặp ánh mắt cầu cứu của người bệnh, tôi tự hỏi mơ ước về một cuộc sống tại sao lại khó đến như vậy? Và những nỗi lo chồng chất về gia đình, về sức khỏe của bản thân và đồng nghiệp khiến tôi có những giây phút sợ hãi. Nhưng chúng tôi đều vượt qua cơn khủng hoảng đó rất nhanh, vì trách nhiệm của một người làm nghề y luôn thôi thúc. Tôi có những người bạn mới, những người luôn động viên và cùng nhau quyết tâm chiến thắng dịch bệnh để trở về với gia đình.”

“Đồng đội” khoa Ghép tế bào gốc trong phút đoàn viên tại Hà Nội.

Đồng nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đã viết thư trước giờ tạm biệt gửi tới các đồng nghiệp Viện Máu và hẹn ngày găp lại khi hết dịch.

Thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố hiện đại, trù phú và tươi đẹp. Nhưng với các y bác sĩ của Viện khi vào Nam chống dịch, đó lại là một Sài Gòn thật khác….

“Sài Gòn đón chúng tôi bằng màu vàng của những ngày nắng, âm u xám xịt của những ngày mưa. Ngắm phố phường qua những ô cửa kính từ tầng cao của nơi ở sau giờ làm việc, hoặc gần hơn 1 chút qua cửa kính xe buýt khi đi làm… Đó là chiến trường thực sự, nơi hội tụ của bao nhiêu lần của anh em Bắc – Trung – Nam, tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì Thành phố mang tên Bác kính yêu”, bác sĩ Phạm Thị Dương, khoa Bệnh máu lành tính tâm sự về đợt công tác dài ngày vừa qua.

BS. Phạm Thị Dương đã được trở về Hà Nội cách ly, nhưng trước đó vài ngày, chồng chị là BS. Trần Thanh Tùng (khoa Bệnh máu trẻ em) lại vừa lên đường tới TP. Hồ Chí Minh thay chị tiếp tục nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19.

Trời Sài Gòn xanh… từ tầng thượng của Bệnh viện Hồi sức COVID-19.

Đổi ca làm việc giữa đêm mưa của các chiến binh Viện Máu.

Điều trị cho người bệnh COVID-19 là một trải nghiệm mà ngay cả các y bác sĩ – những người hàng ngày vẫn tiếp xúc với người bệnh, đã chứng kiến nhiều người bệnh ra đi – cũng vẫn bị choáng ngợp và ám ảnh. Một trong số đó là cảm giác bất lực khi rất nhiều người bệnh vốn khỏe mạnh, không hề có bệnh nền những vẫn chuyển biến xấu dần đi từng ngày mặc dù bác sĩ đã cố gắng mọi cách có thể.

Đối với bác sĩ Nguyễn Ngọc Ban, khoa Điều trị hóa chất, mỗi khi phải chứng kiến người bệnh của mình cố gắng níu giữ từng hơi thở, anh lại cảm thấy thương xót trước sự sống mong manh của người bệnh trong đại dịch. Nhưng không vì thế mà bác sĩ Ban và các đồng nghiệp nản lòng, mà ngược lại, tình người ấm áp nơi mảnh đất Sài Gòn chính là động lực để họ càng thêm quyết tâm chiến đấu hơn.

Được trở về nhà, BS. Nguyễn Ngọc Ban (bên phải) vừa vui vừa buồn. Buồn vì công việc còn dang dở, anh và đồng nghiệp vẫn đang phải san sẻ công việc trong Nam – ngoài Bắc. Vui khi nghĩ đến những bệnh nhân bệnh máu ở khoa cũng đang rất mong mỏi các nhân viên y tế trở về.

“Đó là những người đồng đội đã chiến đấu từ trước, luôn rất tận tình chỉ bảo cho chúng tôi kinh nghiệm điều trị căn bệnh, hướng dẫn cho chúng tôi chăm sóc, điều trị, làm thủ thuật,… Đó là những bữa cơm từ thiện ngon lành, những lời động viên rất ngắn gọn từ những mẩu giấy ở căng tin nơi chúng tôi ăn nhẹ sau nhiều tiếng mặc đồ bảo hộ. Và có khi là những lời hỏi thăm của các bác tài xế hằng ngày đưa đón chúng tôi đi làm việc…”

Những lời động viên dễ thương được bác sĩ Ban và đồng nghiệp lưu lại kỷ niệm.

Với cương vị trưởng đoàn, nhận trọng trách với áp lực chưa từng có, TS. BS. Vũ Đức Bình – Phó Bí thư Đảng ủy Viện, Trưởng khoa Bệnh máu tổng hợp có những trăn trở và suy nghĩ ngay cả khi đã cùng đoàn trở về Hà Nội.

TS. Vũ Đức Bình ngày ngày cùng đồng nghiệp nỗ lực giành lại sự sống cho nhiều bệnh nhân COVID-19.

TS. Bình tâm sự: “Trách nhiệm lần đầu này khác xa với nhiệm vụ thường ngày ở Viện là làm lãnh đạo một khoa lâm sàng bệnh máu. Lần đầu nhận nhiệm vụ vào thời điểm “đỉnh dịch” của TP. Hồ Chí Minh nên tôi càng lo, lo cho tâm lý và nguy cơ lây nhiễm của từng thành viên trong đoàn”.

Ngày cả khi được trở về Hà Nội, trong niềm vui và hạnh phúc ngập tràn, TS. Vũ Đức Bình (áo xanh) vẫn canh cánh nỗi lo khi 115 y bác sĩ của Viện vẫn đang tiếp tục nhiệm vụ: “Rồi ngày đó sẽ đến, các bạn hãy cố gắng nhé, Sài Gòn hết dịch rồi, chúng tôi sẽ chờ đón các bạn!”.

Tất cả đều chung quyết tâm, chung hy vọng Sài Gòn và cả nước sớm chiến thắng đại dịch.

Ai cũng nghĩ rằng các y bác sĩ khi chiến đấu từng ngày trong tâm dịch là rất gian khổ. Nhưng thực ra đối với họ, việc phải cách ly khi về đến Hà Nội và không được làm việc, trong khi đồng nghiệp vẫn đang “chiến đấu” mới là khó khăn nhất.

TS. Vũ Đức Bình tâm sự: “Thời gian cách ly hiện tại cảm giác cũng rất khác, vì chỉ có thể ở trong căn phòng kín với 4 bức tường. Thời gian trôi chậm quá, còn chậm hơn lúc ở Sài Gòn. Đồng đội và người thân dù ở rất gần rồi, mà chỉ có thể liên lạc qua điện thoại. Chúng tôi chỉ mong được vất vả làm việc, còn thích hơn thế này, trong khi đồng đội công việc đang quá tải.”

Trở về khi tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, tâm lý các y bác sĩ vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì được gặp lại gia đình và người thân sau hơn gần 2 tháng xa cách, lo vì vẫn còn nhiều người bệnh nguy kịch mà mình lại rút về. Đối với bác sĩ Nguyễn Ngọc Ban thì đây là cảm giác “mặc cảm và tự ti, giống như người lính rút lui sớm khi cuộc chiến vẫn còn đang dang dở”.

Nhưng rồi tất cả đã động viên nhau khi nghĩ đến những bệnh nhân bệnh máu vẫn ngày ngày chờ đợi các bác sĩ trở về điều trị. Dù ở bất cứ đâu, những “chiến sĩ áo trắng” vẫn kiên cường chiến đấu, cùng chung mục đích bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Thùy Trang, Thanh Hằng

Ảnh: NVCC, Công Thắng

Thiết kế: Công Thắng, Mỹ Hạnh

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan