Ra mắt linh vật hiến máu tình nguyện của Việt Nam
Trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết 10 năm tổ chức Hành trình Đỏ diễn ra chiều 30/7/2022, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã công bố và cho ra mắt Linh vật của phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) Việt Nam.
Ban tổ chức hi vọng và mong muốn hi vọng linh vật sẽ góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa hoạt động hiến máu tới đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Buổi công bố linh vật hiến máu tình nguyện được tổ chức ngày 30/7 vừa qua.
Linh vật hiến máu tình nguyện với biểu tượng gà trống kỳ vọng chính là cầu nối, mang đến sức khỏe cũng như những điều tốt đẹp nhất đến với người hiến máu và người nhận máu. Trong tín ngưỡng dân gian, gà trống là biểu tượng cho sức khỏe, cho Đức – Trí – Dũng và đem lại nhiều may mắn, giữ được thế vững vàng, chủ động trong cuộc sống, trong công việc.
Linh vật chính thức cho phong trào hiến máu tình nguyện tại Việt Nam.
Chia sẻ về ý tưởng cho tác phẩm được Ban tổ chức lựa chọn là linh vật hiến máu của Việt Nam, tác giả Nguyễn Ngọc Ánh (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Với những đức tính tốt đẹp của gà trống theo quan niệm dân gian, tác phẩm này được tạo hình với thân và mào dưới của gà trống chính là hình giọt máu căng tràn, thể hiện cho những đơn vị máu được hiến tặng luôn đầy ắp, dồi dào. Mào của gà trống được cách điệu thành hình trái tim màu đỏ, thể hiện tấm lòng nhân ái, tình yêu thương đồng loại luôn được đặt lên hàng đầu”.
Bên cạnh đó, chân gà trống cũng mang đôi giày tạo hình giọt máu, với ngụ ý những giọt máu hiến tặng đã, đang và sẽ đi khắp mọi miền để đến với những người bệnh cần máu.
Clip về ý nghĩa của linh vật hiến máu tình nguyện của Việt Nam.
Trước đó, từ tháng 12/2021, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai Cuộc thi Thiết kế linh vật về hoạt động HMTN. Sau 2 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng, từ các nhà thiết kế, hoạ sĩ chuyên nghiệp, không chuyên trên cả nước. Đã có gần 200 tác phẩm của 175 thí sinh đến từ 12 tỉnh/thành phố gửi dự thi; trong đó, có nhiều tác phẩm chất lượng, sáng tạo, độc đáo và được các chuyên gia đánh giá cao.
Tại lễ ra mắt linh vật HMTN, Ban tổ chức cũng đã trao giải Nhất, Nhì, Ba cho các tác giả. Giải Nhất được trao cho tác phẩm “Gà trống” của tác giả Nguyễn Ngọc Ánh (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội), đây cũng là tác phẩm đã được lựa chọn là Linh vật HMTN của Việt Nam. Tác giả nhận được bằng khen của TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, giấy chứng nhận của Ban tổ chức, 01 bút vẽ kỹ thuật số và phần thưởng trị giá 30 triệu đồng.
Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và ông Phạm Hùng Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp trao giải Nhất cho tác giả Nguyễn Ngọc Ánh.
02 giải Nhì được trao cho tác giả Lê Phạm Lan Anh (xã Thanh Xuân, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá) và tác giả Trịnh Thuỷ Tiên (xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang).
02 giải Ba được trao cho tác giả Vũ Thị Thu Thuỷ (xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá) và tác giả Bùi Ngọc Đại Dương (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội).
Phong trào hiến máu tình nguyện nước ta đã chính thức được khởi động từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Năm 1994, cả nước mới tiếp nhận được 138.000 đơn vị máu; chỉ 15% trong số đó là từ người hiến máu tình nguyện. Đến năm 2000, số lượng máu tiếp nhận của toàn quốc là 236.740 đơn vị máu, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 30,8%, gần 90% người hiến máu là học sinh, sinh viên. Ngày 7/4/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về việc Vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện, đồng thời lấy ngày 07/4 hằng năm là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện. Đây trở thành bước ngoặt quan trọng cho phong trào hiến máu tình nguyện, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động đối với các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, lượng máu tiếp nhận và tỷ lệ người hiến máu tình nguyện tăng nhanh hàng năm. Đến năm 2018, cả nước đã tiếp nhận hơn 1,3 triệu đơn vị máu, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 98%, đối tượng và cơ cấu người hiến máu được mở rộng. Hơn 2 năm qua, mặc dù dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và lan rộng, hoạt động hiến máu tình nguyện vẫn được duy trì đều đặn, an toàn, hiệu quả với những biện pháp tổ chức rất linh hoạt, sáng tạo. Năm 2021, cả nước đã vận động và tiếp nhận được 1.304.191 đơn vị máu, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 99%, tỷ lệ người dân tham gia hiến máu là 1,4% dân số. |
Thảo Nguyên, ảnh: Công Thắng
Bài viết liên quan
Kết quả Cuộc thi Thiết kế linh vật hiến máu tình nguyện
25 Tháng Năm, 2022Tháng 12/2021, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai Cuộc thi Thiết kế linh vật về hoạt…
Hành trình Đỏ – Một thập kỷ Kết nối dòng máu Việt
31 Tháng Bảy, 2022Một thập kỷ bền bỉ với 58 tỉnh/thành phố tham gia, 700.000 đơn vị máu được tiếp nhận, Hành trình Đỏ đã vượt xa giới hạn của một chương trình…