“Hiến tiểu cầu không phải để được ca ngợi, mà vì sức khoẻ người bệnh”
Ngày 29/10/2022, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức chương trình Tôn vinh người hiến tiểu cầu thường xuyên năm 2022 với thông điệp “Hiến giọt máu vàng – Trao ngàn hy vọng”.
Đây là lần thứ 3 chương trình được tổ chức nhằm tri ân, tôn vinh những đóng góp quý báu, những hành động cao đẹp của người hiến tiểu cầu đối với ngành y tế và sự sống của người bệnh.
Chương trình có sự đồng hành, hỗ trợ của Công ty Fresenius Kabi – một trong những đơn vị cung cấp thiết bị gạn tách tiểu cầu.
Trong số hơn 250 đại biểu tham dự, nhiều người đã hiến máu và hiến tiểu cầu 70, 80, 90, thậm chí hơn 100 lần; trong đó riêng hiến tiểu cầu tình nguyện trong năm 2022, có người đã hiến 13 lần; lại có những người mới tham gia hiến tiểu cầu; có những người hiến ngắt quãng, đan xen hiến tiểu cầu và hiến máu toàn phần…
TS. BS. Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Tỷ lệ người hiến tiểu cầu thường xuyên đã tăng lên rất nhiều và có xu hướng tăng đều đặn hàng năm; có những người đã hiến hơn 100 lần, nhờ đó đã giúp Viện đảm bảo được nguồn tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị của các bệnh viện khu vực phía Bắc. Chúng tôi thật sự cảm kích tấm lòng của những người hiến tiểu cầu”.
TS. BS. Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia ghi nhận vai trò của những người hiến tiểu cầu thường xuyên.
Dù tiêu chuẩn đòi hỏi khắt khe hơn, thời gian hiến tiểu cầu cũng lâu hơn nhiều so với hiến máu toàn phần (từ 45 – 120 phút với hiến tiểu cầu, thay vì 5 phút khi hiến máu), nhưng hàng ngàn người vẫn bền bỉ, đều đặn trao đi sự sống. Điều đáng trân trọng nhất là một năm có 12 tháng nhưng có những người hiến tiểu cầu tới 13 – 14 lần trong năm mỗi khi đến lịch, mà không cần chờ điện thoại nhắc lịch của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.
Vợ chồng anh Trường (Xuân La, Tây Hồ, HN) cũng như nhiều đại biểu khác đều tranh thủ hiến tiểu cầu trước khi sự kiện bắt đầu.
Gia đình anh Nguyên và chị Ly nên duyên nhờ hiến máu.
Gạn tách tiểu cầu là kỹ thuật mà hiện chỉ một số Trung tâm máu lớn mới thực hiện được. Do vậy, nhiều người từ Nam Định, Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh, thậm chí Cao Bằng, Lạng Sơn… cũng sẵn sàng di chuyển xa về Hà Nội để hiến tiểu cầu thường xuyên. Họ không chỉ dành tâm huyết trao đi nguồn sống – những “giọt vàng” hi vọng tới người bệnh, mà còn hi sinh cả thời gian, công sức.
Điểm mới của chương trình năm nay là bên cạnh việc tôn vinh những người hiến tiểu cầu tình nguyện nhiều lần, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương còn gặp mặt, biểu dương những người mới tham gia hiến tiểu cầu nhằm mở rộng nguồn người hiến tiểu cầu thường xuyên.
Ông Jenwit Khaotawee – Trưởng Ngành hàng MedTech Fresenius Kabi Đông Nam Á, đại diện đơn vị tài trợ đã gửi những lời cảm ơn chân thành đến với cộng đồng người hiến tiểu cầu: “Tôi xin cảm ơn tất cả các bạn đã có mặt tại chương trình hôm nay cũng như đã có những đóng góp to lớn trong việc hiến tiểu cầu. Các bạn là những người anh hùng đã cứu sống những người bệnh. Chúng tôi hy vọng các bạn có thể tiếp tục thực hiện công việc này và chúng tôi cam kết sẽ cung cấp những thiết bị, dịch vụ tốt nhất để phục vụ cho việc điều trị và hiến tiểu cầu”.
Mỗi lần được nhắc tên, cả hội trường đều những dành những tràng vỗ tay thán phục Nguyễn Văn Thanh (Mê Linh, Hà Nội) – một người đã khá “quen mặt” với mạng xã hội qua hình ảnh anh lái xe công nghệ tình nguyện điều tiết giao thông, cũng là người có 107 lần hiến máu, hiến tiểu cầu.
Nguyễn Văn Thanh chia sẻ về động lực cho 107 lần hiến máu, hiến tiểu cầu vừa qua.
Thanh chia sẻ: “Khi tôi làm những điều mà mọi người đang khen ngợi, thực ra đó không phải là mục đích của tôi. Bản thân tôi đi hiến máu không phải để đếm xem mình hiến được bao nhiêu lần hay để được lên báo, được ca ngợi,… mà chỉ nghĩ đơn giản đó là việc mình nên làm.
Điều làm tôi vui nhất khi được biết đến đó là có thể lan toả hành động của mình đến với nhiều người. Khi tôi hiến 99 lần trước đó thì vẫn còn ít người biết, hầu như chỉ có gia đình, bạn bè. Nhưng khi tôi hiến đến lần thứ 100 thì câu chuyện của tôi được nhiều người biết đến hơn, nhiều người từ những bài báo, bài chia sẻ về tôi mà đi hiến tiểu cầu, điều này làm tôi rất vui và hạnh phúc”.
Hiến tiểu cầu đã thành thói quen nên Thanh cũng luôn đặt ra cho mình một số nguyên tắc trong cuộc sống. Trước ngày dự định hiến tiểu cầu, anh thường sẽ có chế độ ăn thanh đạm, ít dầu mỡ, đặc biệt là không uống rượu bia để sức khỏe luôn đủ tiêu chuẩn.
Vừa tròn 60 tuổi vào ngày 10/10 vừa qua, cô Đoàn Kim Duyên tỏ ra tiếc nuối vì theo quy định hiện tại, cô không còn đủ tuổi để tiếp tục hiến tiểu cầu. Đặt mục tiêu và cô đã hoàn thành lần hiến thứ 62 – trùng với năm sinh 1962 của mình.
Bản thân là bác sĩ nên cô Duyên rất hiểu tầm quan trọng của việc truyền máu kịp thời để cứu sống người bệnh.
Cô chia sẻ: “Máu là một chế phẩm đặc biệt, dù hiến máu không to tát như hiến tạng, nhưng máu cũng là tế bào sống mà đến nay chưa có máy móc hay công nghệ nào tạo ra được, chỉ có cơ thể con người với một cơ chế kỳ diệu là làm được điều đó mà thôi. Những tế bào máu trong cơ thể chúng ta cũng sẽ chết đi và được thay mới liên tục nên không có lý do gì mà chúng ta không hiến máu cả. Năm nay là năm cuối cùng tôi có thể hiến máu, tôi chỉ có một mong ước nhỏ nhoi đó là có thể tăng độ tuổi hiến máu lên để tôi được tiếp tục đóng góp”.
Đều đặn mỗi tháng đều dành một ngày nghỉ để đi quãng đường 30km từ xã Hoà Thạch, Quốc Oai, Hà Nội đến hiến tiểu cầu, cô gái Đỗ Thị Rỏi vẫn luôn mang hy vọng mình có thể đóng góp được nhiều hơn nữa giúp những người bệnh có cơ hội điều trị, có được niềm tin trong cuộc sống.
“Đối với mình thì việc đi xa hay việc hiến tiểu cầu chỉ là việc nhỏ thôi, còn với người bệnh thì đơn vị tiểu cầu của mình lại có giá trị rất lớn. Vì vậy đối với mình thì không có gì là khó khăn khi làm những việc này cả. Mình cũng mong các cô chú, anh chị, các bạn ở đây sẽ tiếp tục gắn bó với công việc hiến máu, hiến tiểu cầu và bản thân mình cũng sẽ cố gắng để làm được nhiều việc có ích hơn nữa”, Rỏi tâm sự.
Các đại biểu đến với chương trình từ nhiều địa phương khác nhau, cả Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Nam Định… nhưng chị Chalermkwan Chaiworasin còn đặc biệt hơn bởi quốc tịch Thái Lan của mình. Đến Việt Nam được 9 năm, từ năm 2018 đến nay, chị đã đều đặn hiến máu, hiến tiểu cầu gần 50 lần. Trước đó, tại Thái Lan, chị cũng đã hiến máu, hiến tiểu cầu 39 lần.
Chia sẻ về những điều thú vị khi hiến tiểu cầu tại Việt Nam, chị Chalemkwan Chaiworasin cho biết: “Tại Thái Lan, điều kiện để hiến được tiểu cầu với phái nữ rất khó, rất ít người phụ nữ có thể hiến tiểu cầu. Hơn nữa, ở Việt Nam tôi thấy người hiến máu được chăm sóc tốt hơn, và vui nhất là được nhiều quà hơn. Những người nước ngoài như chúng tôi khi tham gia hiến máu tại Việt Nam cũng gặp ít nhiều khó khăn về ngôn ngữ. Tuy nhiên, tôi thấy đó không phải trở ngại lớn vì các bác sĩ ở đây rất tốt bụng và luôn tìm cách để hỗ trợ chúng tôi”.
TS. Trần Ngọc Quế tặng giấy khen của Viện cho những người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2022.
Ban tổ chức chụp ảnh với những người hiến tiểu cầu tiêu biểu.
Trưởng phòng Quan hệ công chúng Nguyễn Phương Thảo tặng quà cho những người đã giành phần thưởng trong minigame Chia sẻ kỷ niệm hiến tiểu cầu trên fanpage.
Cuối chương trình, phần đố vui nhỏ được tổ chức để dành tặng thêm những phần quà tới người tham dự. Tại đây, có thể thấy những người hiến tiểu cầu không chỉ có tấm lòng nhân ái mà còn có nền tảng kiến thức rất vững chắc về truyền máu, các đặc điểm của tiểu cầu hay những lưu ý cần thiết khi tham gia hiến tiểu cầu,…
Hy vọng rằng, những hành động đẹp sẽ không ngừng lan toả và vươn xa. Mỗi người hiến tiểu cầu sẽ là một nguồn năng lượng tích cực để làm cho cuộc sống thêm ấm áp và tươi đẹp hơn.
Viện Huyết học – Truyền máu TW đã triển khai việc gạn tách tiểu cầu từ một người hiến bắt đầu từ năm 2000. Những năm đầu, Viện chỉ tiếp nhận được vài chục đơn vị tiểu cầu, dần dần lên con số vài nghìn. Giai đoạn năm 2000 – 2010, Viện chỉ tiếp nhận được 11.337 đơn vị khối tiểu cầu gạn tách, nhưng con số này ở giai đoạn 2011 – 2020 là 222.187 đơn vị (tăng 20 lần so với 10 năm trước). Năm 2021, con số này là 33.314 đơn vị tiểu cầu. Năm 2022, tính đến 28/10, Viện đã tiếp nhận được 24.920 đơn vị tiểu cầu từ 8.198 người hiến (trung bình mỗi người hiến 3 lần). |
Nội dung: Thảo Nguyên – Thùy Trang
Ảnh: Gia Thắng, clip: Lâm Tùng
Bài viết liên quan
Những “giọt vàng” quý giá mang tên tiểu cầu
28 Tháng Mười, 2022Có mặt ở buồng bệnh, chứng kiến những ánh mắt chờ đợi tiểu cầu mỗi khi đến giờ tiêm truyền mới thấy sự cho đi dù nhỏ bé nhưng là…
Cộng đồng mạng hào hứng chia sẻ câu chuyện hiến tiểu cầu của bản thân
28 Tháng Mười, 2022Rất nhiều câu chuyện, kỉ niệm đẹp đã được người hiến tiểu cầu kể lại thông qua thử thách “Kỉ niệm hiến tiểu cầu của bạn.” Ngày 23/10, trên trang…
“Tôi rất vui vì đã truyền cảm hứng hiến tiểu cầu đến nhiều người”
15 Tháng Một, 2022Tham dự chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2021 do Viện Huyết học – Truyền máu TW tổ chức sáng 15/1, chị Phạm Thị Ánh…