Sản phụ băng huyết nguy kịch được phẫu thuật cấp cứu và truyền 28 đơn vị máu
Cuối tháng 3/2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã phẫu thuật cấp cứu và truyền 28 đơn vị chế phẩm máu, cứu sống một sản phụ rất nguy kịch do đờ tử cung, băng huyết nặng sau mổ lấy thai tại một cơ sở y tế.
Bệnh nhân là sản phụ Đ.T.M.T (25 tuổi, cư trú tại Vĩnh Phúc, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) sinh mổ lần 2 tại một cơ sở y tế. Sau sinh, sản phụ xuất hiện chảy máu âm đạo liên tục, ồ ạt với khối lượng nhiều (khoảng 3.000 ml máu đỏ tươi).
Bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá trong tình trạng rất nguy kịch, hôn mê, có các biểu hiện của sốc giảm thể tích, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, da xanh tái, niêm mạc nhợt nhạt, vết mổ máu thấm băng, vận mạch dùng liều rất cao, thở bóp bóng qua nội khí quản. Kíp trực đã nhanh chóng chỉ định dùng thuốc tăng co, cầm máu, tuy nhiên không đáp ứng.
Đây là một tai biến sản khoa nguy hiểm, bệnh nhân diễn biến nhanh, phức tạp và có thể tử vong ngay lập tức nếu không được phẫu thuật cầm máu và truyền máu kịp thời. Bệnh nhân được chuyển ngay tới phòng mổ cấp cứu của khoa Gây mê hồi sức. Các bác sĩ thuộc khoa Cấp cứu, Ngoại ổ bụng, Gây mê hồi sức, Huyết học – Truyền máu khẩn trương được mời tham gia hội chẩn phẫu thuật. Ekip phẫu thuật vừa tiến hành cắt toàn bộ tử cung, khâu cầm máu, đồng thời thực hiện các kỹ thuật hồi sức cấp cứu, truyền máu và các chế phẩm máu cho bệnh nhân để nhanh chóng bù lại khối lượng máu đã mất.
BS. Hoàng Mạnh Hồng – Trưởng khoa Gây mê hồi sức, BS. Nguyễn Văn Tuấn – khoa Gây mê hồi sức, những người trực tiếp tham gia gây mê phẫu thuật, điều trị và hồi sức tích cực sau mổ cho bệnh nhân cho biết: “Bệnh nhân bị băng huyết rất nặng, mất gần 2/3 lượng máu, trụy tim mạch, suy hô hấp cấp, tiên lượng xấu, khả năng tử vong cao. Máu được huy động khẩn cấp từ ngân hàng máu của Trung tâm Huyết học – Truyền máu và từ người hiến tiểu cầu để truyền cho sản phụ. Trong vòng 12 giờ trước, trong và sau ca mổ, bệnh nhân được truyền tổng cộng 28 đơn vị (gần 7 lít) máu và chế phẩm máu. Đây là một trong số những ca bệnh truyền số lượng máu cấp cứu nhiều nhất tại bệnh viện đến thời điểm hiện tại.”
Sau mổ, bệnh nhân vẫn còn rất nguy kịch, với tình trạng sốc mất máu, rối loạn đông máu nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, ống nội khí quản, sonde dạ dày và xông dẫn lưu ổ bụng đều có máu đỏ tươi. Bệnh nhân phải đối điện với rất nhiều nguy cơ, trong đó nguy hiểm nhất là nguy cơ xuất huyết não do rối loạn đông máu hoặc tổn thương tế bào não do thiếu oxy.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân, kíp bác sĩ hồi sức sau mổ đã theo dõi rất chặt chẽ, tiếp tục hồi sức tích cực cho bệnh nhân, đảm bảo hô hấp, tuần hoàn, truyền máu, huyết tương, sử dụng thuốc điều chỉnh rối loạn đông máu,… Đến ngày thứ 2 sau mổ, tình trạng rối loạn đông máu của bệnh nhân được cải thiện, bệnh nhân đã có cử động chân tay.
Với sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên khoa, bệnh nhân đã vượt qua cơn “thập tử nhất sinh” trong niềm hạnh phúc của gia đình và các y bác sĩ.
(Theo BVĐK tỉnh Thanh Hóa)
Bài viết liên quan
Nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư hạch
31 Tháng Ba, 2023Ung thư hạch là một trong những bệnh ung thư có khả năng điều trị rất hiệu quả. Trong những năm qua, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã…
Nạn nhân nguy kịch do thanh gỗ đâm thấu bụng, được truyền 14 đơn vị máu
19 Tháng Ba, 2023Ngày 17/3/2023, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thông tin về việc vừa cấp cứu thành công cho người đàn ông bị sốc mất máu do tai nạn lao động…
Truyền gần 20 lít chế phẩm máu nhóm hiếm, cứu sống bệnh nhân sốt rét ác tính người Bỉ
18 Tháng Mười, 2022Một giáo sư nông nghiệp người Bỉ sau chuyến công tác tại Bờ Biển Ngà về Việt Nam thì mắc bệnh hiếm gặp, gần như đã xóa sổ tại Việt…