Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Vai trò của điều dưỡng trong báo cáo các phản ứng có hại của thuốc

Báo cáo các phản ứng có hại (hay phản ứng không mong muốn) của thuốc là một hoạt động quan trọng trong hệ thống Cảnh giác dược. Những báo cáo này giúp phát hiện kịp thời các tín hiệu về an toàn thuốc, cung cấp những thông tin quan trọng về các đối tượng nguy cơ, yếu tố nguy cơ.

Bao cao phan ung khong mong muon cua thuoc

Phản ứng có hại của thuốc là gì

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phản ứng có hại của thuốc (Adverse Drug Reaction – ADR) là phản ứng độc hại, không được định trước, xuất hiện ở liều thường dùng cho người để phòng bệnh, chẩn đoán hay chữa bệnh hoặc nhằm thay đổi một chức năng sinh lý. Định nghĩa này không bao gồm các trường hợp thất bại trị liệu, quá liều, lạm dụng thuốc, không tuân thủ và sai sót trong trị liệu.

Biến cố bất lợi (Adverse Event – AE) là bất kỳ một biến cố nào xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc nhưng không nhất thiết do phác đồ điều trị bằng thuốc gây ra, đồng nghĩa có thể không có mối liên hệ nhân quả giữa thuốc và biến cố. Như vậy biến cố bất lợi bao gồm những ảnh hưởng do thuốc gây ra (ADR) và do cách dùng thuốc (giảm liều, quá liều, ngừng điều trị… ).

Tác dụng phụ (TDP) là tác dụng không định trước của một chế phẩm thuốc xảy ra ở liều thường dùng ở người và liên quan đến đặc tính dược lý của thuốc. Tuy nhiên, tác dụng phụ không hoàn toàn có hại mà trong một số trường hợp có thể có lợi và trở thành tác dụng điều trị chính.

Phân loại ADR

1. Phân loại theo mức độ nặng

Theo thang phân loại của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (CTCAE), ADR được phân loại thành 5 mức độ như sau:

Mức độ Mô tả
Mức độ 1 (nhẹ) Không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; chỉ biết được thông qua quan sát để chẩn đoán hoặc biểu hiện lâm sàng; không cần đến can thiệp.
Mức độ 2 (trung bình) Cần đến can thiệp tối thiểu, tại chỗ hoặc không xâm lấn; ảnh hưởng đến một số chức năng vận động hoặc sinh hoạt thông thường.
Mức độ 3 (nặng) Ảnh hưởng đáng kể trên lâm sàng nhưng chưa đến mức đe dọa tính mạng; khiến người bệnh phải nhập viện hoặc kéo dài thời gian nằm viện; bị dị tật; giới hạn khả năng tự chăm sóc bản thân của người bệnh.
Mức độ 4 (đe dọa tính mạng) Gây ra hậu quả đe dọa tính mạng người bệnh; cần can thiệp khẩn cấp.
Mức độ 5 (tử vong) Tử vong liên quan đến biến cố bất lợi.

2. Phân loại theo thời gian khởi phát

Thời gian khởi phát được tính từ khi dùng thuốc lần cuối cho đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên:

– Cấp: 0 – 60 phút (4,3%).

– Bán cấp: 1 – 24 giờ (86,5%).

– Muộn: 1 ngày – nhiều tuần (3,5%).

3. Phân loại theo tần suất

– Rất thường gặp: ≥ 1/10

– Thường gặp: 1/100 – 1/10

– Ít gặp: 1/1.000 – 1/100

– Hiếm gặp: 1/10.000 – 1/1.000

– Rất hiếm gặp: < 1/10.000

4. Phân loại theo tác dụng dược lý

Loại Định nghĩa Ví dụ Xử trí
A
(Augmented)Gia tăng
– Có thể dự đoán được

– Liên quan tác dụng dược lý

– Phụ thuộc liều dùng

– Thường gặp

– Hiếm khi gây tử vong

– Hạ đường huyết do tiêm insulin

– Nhịp chậm do thuốc chẹn badrenergic

– Chảy máu do thuốc kháng đông

– Giảm liều hoặc tạm ngừng thuốc

– Cân nhắc tác dụng của các thuốc dùng kèm, tương tác thuốc

B
(Bizarre)Lạ thường
– Không dự đoán dược

– Không liên quan tác dụng dược lý

– Không liên quan đến liều dùng

– Không thường gặp

– Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao

– Phản ứng dị ứng với penicilin

– Hoại tử tế bào gan cấp do halothan

– Suy tủy do cloramphenicol

Ngừng ngay thuốc và tránh sử dụng trong tương lai
C
(Chronic/ Continuous)Mạn tính
– Liên quan đến tích luỹ liều

– Không thường gặp

– Ức chế trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận do corticoid

– Rối loạn chức năng đại tràng do dùng thuốc xổ

– Giảm liều hoặc tạm ngừng thuốc

– Để ngừng thuốc hẳn có thể cần thời gian dài

D
(Delayed)Chậm
– Thường liên quan đến liều dùng

– Không thường gặp

– Xảy ra hoặc trở nên rõ sau khi đã ngừng điều trị một thời gian

– Ung thư do tác nhân alkyl hóa trong điều trị Hodgkin.

– Dị dạng xương mặt ở trẻ em có mẹ dùng isotretinoin

Thường khó điều trị
E
(Ending of use)Hội chứng ngừng thuốc
– Không thường gặp

– Xảy ra sau khi ngừng dùng thuốc, đặc biệt khi ngừng đột ngột.

– Hội chứng cai opioid

– Co giật khi ngừng dùng thuốc chống co giật (phenobarbital, phenytoin)

Ngừng thuốc từ từ
F
(Failure of therapy)Thuốc mất hiệu lực
– Thường gặp

– Liên quan đến liều dùng

– Có thể do tương tác thuốc

Dùng không đủ liều thuốc tránh thai, đặc biệt khi dùng đồng thời với các thuốc gây cảm ứng enzym chuyển hóa thuốc ở gan – Tăng liều

– Cân nhắc tác dụng của các thuốc dùng đồng thời, tương tác thuốc

Hiện nay, còn thêm một loại thứ 7 là loại G (genetic/genomic) liên quan đến di truyền.

Vai trò của điều dưỡng trong giám sát phản ứng có hại của thuốc tại các cơ sở y tế

Thông tin do các cán bộ y tế cung cấp về các phản ứng có hại của thuốc sẽ vô cùng hữu ích để tiếp tục đánh giá toàn diện hơn về các nguy cơ tiềm ẩn của thuốc khi lưu hành trên thị trường.

Người báo cáo ADR có thể là bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên và các nhân viên y tế khác… Theo báo cáo từ Trung tâm DI & ADR Quốc gia năm 2022, nhóm điều dưỡng – nữ hộ sinh chiếm 18,8% trong tổng số báo cáo phản ứng có hại của thuốc. Vai trò của điều dưỡng viên trong báo cáo các phản ứng có hại của thuốc bao gồm:

1. Dự phòng

– Tuân thủ chỉ định, chống chỉ định, thận trọng, liều dùng của thuốc, chú ý tiền sử dị ứng (thuốc, thức ăn… ) của người bệnh, tương tác thuốc và thực hiện đầy đủ việc giám sát theo dõi người bệnh.

– Tuân thủ quy trình bảo quản và sử dụng thuốc cho nguời bệnh.

– Kiểm tra tuơng tác thuốc và chống chỉ định trong quy trình cấp phát và sử dụng thuốc.

Nhân viên khoa Dược đóng gói thuốc cho người bệnh

2. Phát hiện

– Theo dõi và phát hiện những biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng bất thường xảy ra trên người bệnh dựa trên các thông tin do người bệnh cung cấp và các triệu chứng ghi nhận được trong quá trình chăm sóc, theo dõi người bệnh.

– Thông báo ngay cho bác sĩ, y sĩ điều trị và khoa Dược (nếu có) về tình trạng bất thường của người bệnh.

– Ghi lại các thông tin liên quan tới các thuốc mà người bệnh đã sử dụng (thuốc nghi ngờ gây ADR và các thuốc dùng đồng thời) bao gồm: tên thuốc, liều dùng, đường dùng, nhà sản xuất, số lô, hạn dùng, ngày và thời gian bắt đầu dùng thuốc, ngày và thời gian kết thúc dùng thuốc (nếu có).

– Giữ lại vỏ bao bì thuốc, vỉ thuốc mà người bệnh đã sử dụng để tham khảo trong trường hợp cần thêm thông tin. Nếu cần thiết, có thể biệt trữ, bảo quản thuốc trong điều kiện bảo quản mà nhà sản xuất khuyến cáo.

3. Xử trí

– Thực hiện xử trí ADR theo đúng y lệnh của bác sĩ điều trị.

– Theo dõi người bệnh và thông báo kịp thời cho bác sĩ điều trị nếu có diễn biến bất thường của người bệnh trong quá trình điều trị tiếp theo.

– Trong trường hợp khẩn cấp, có thể ngừng sử dụng thuốc nghi ngờ gây ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh trước khi thông báo cho bác sĩ.

Bộ phận Dược lâm sàng – Thông tin thuốc (Khoa Dược)

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan