Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Trao cơ hội sống cho trẻ mắc ung thư máu

Trẻ mắc ung thư máu tưởng chừng không còn hy vọng, song nhờ phương án điều trị kết hợp, chế phẩm máu tốt hơn, nhiều em đã tìm lại được nụ cười.

Niềm hy vọng của trẻ mắc ung thư máu

Tại căn phòng điều trị duy trì nằm trên tầng 6, Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, nhiều trẻ đang trên hành trình đẩy lui căn bệnh ung thư máu.

“Có mặt ở đây là một may mắn khi các con đã vượt qua chặng đường gian khó điều trị hóa chất”, chị Tạ Thị Hoa (Thái Bình) có con bị ung thư máu đang điều trị duy trì hàng tháng tại đây cho biết.

Bé Trần Tuấn Hùng (hiện 5 tuổi, con trai chị Hoa) vốn sinh ra khỏe mạnh, chưa từng một lần ốm vặt cho đến thời điểm 2 tuổi rưỡi.

TS.BS. Hoàng Thị Hồng khám cho bệnh nhân nhi ung thư máu ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

Khoảng hơn 2 năm trước, trong 1 buổi tối, con nôn ói và sốt nhẹ. Đến chiều hôm sau, gia đình đưa đi khám thì được các bác sĩ xác định bé thiếu máu nặng, phải chuyển lên tuyến trên.

Sau đó là khoảng thời gian ròng rã gần 2 năm, đi đến nhiều bệnh viện với 3 lần chọc tủy, 1 lần sinh thiết xương, các bác sĩ tìm ra bệnh của bé Tuấn.

“Bác sĩ có nói với gia đình, con bị bệnh bạch cầu dạng tương bào, đây là thể hiếm, ở Việt Nam không có trẻ nào mắc và bệnh thường chỉ thấy ở người già trên 60 tuổi. Cả hai vợ chồng sốc, ngã quỵ. Cũng có giai đoạn con tưởng chừng không vực dậy được khi bụng con chướng to, phải phẫu thuật cắt lá lách, hút dịch phổi gần 2 lít… Khoảng 1 năm trở lại đây, các bác sĩ đã lên phác đồ điều trị cho con và hiện nay sức khỏe con đã ổn định hơn trước rất nhiều”, chị Hoa cho biết thêm.

Cũng có mặt tại phòng điều trị duy trì này, chị Chu Thị Diệu Hương (Quảng Ninh) nước mắt lưng tròng khi nhắc đến ngày đầu biết con trai Phạm Bình Minh (7 tuổi) mắc ung thư máu dòng lympho, thể L2 nguy cơ cao, phải điều trị hóa chất.

“Bé đã vượt qua 1 năm dùng hóa chất, hiện đang điều trị duy trì được hơn 1 năm và sẽ kéo dài thêm 2 năm nữa. Con vẫn đi học, vừa hoàn thành chương trình lớp 1. Bác sĩ có chia sẻ, sau này con tái lại, có nguồn tế bào gốc phù hợp vẫn có thể ghép tủy”, chị Hương cho biết.

Cách đây 8 năm, chị Nguyễn Thị Dung (Quảng Ninh) vô cùng suy sụp khi nghe tin cậu con trai Nguyễn Thế Anh (14 tuổi) mắc ung thư máu. Cậu bé phải tạm dừng năm học lớp 9 để bắt đầu trải qua chọc tủy, gạn bạch cầu, truyền hóa chất nhiều ngày. Hơn một năm sau, gia đình chị Dung đã được đón tin vui, con đã lui bệnh và được về nhà.

Giờ Thế Anh đã trở thành một chàng trai 22 tuổi cao lớn, khỏe mạnh và chuẩn bị tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế đồ họa. Chàng trai trẻ luôn nỗ lực và trân trọng cuộc sống bởi anh đã được trao thêm cơ hội sống vô cùng quý giá.

Niềm vui cũng đến với gia đình chị Trần Mai Thanh khi con gái (8 tuổi) đang lớn từng ngày, hoạt bát, đáng yêu sau 5 năm phát hiện và điều trị ung thư máu. Sau 6 tháng điều trị tấn công, con được đi duy trì 24 đợt trong 2 năm. Sau đó, con chỉ cần đi tái khám để kiểm tra, theo dõi định kỳ.

Thêm cơ hội cho bệnh nhân ung thư máu

Chia sẻ về phương pháp điều trị, TS.BS. Hoàng Thị Hồng, Phó trưởng Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: Phương pháp điều trị hóa chất vẫn là phương pháp đầu tay vì ghép tế bào gốc chỉ có hiệu quả khi người bệnh đã được điều trị lui bệnh. Điều trị nhắm đích cũng cần được kết hợp với điều trị hoá chất để đạt được hiệu quả cao nhất.

“Nhiều người lầm tưởng việc ghép tế bào gốc hoặc điều trị nhắm đích là có thể không cần điều trị hóa chất. Nhưng không phải như vậy, không thay thế phương pháp này bằng phương pháp khác mà phải phối hợp”, BS. Hồng nhấn mạnh.

Trong điều trị ung thư máu ở trẻ em, không phải người bệnh nào cũng áp dụng được phương pháp ghép tế bào gốc hay điều trị nhắm đích.

Theo TS.BS. Hoàng Thị Hồng, để có thể ghép tế bào gốc, người bệnh phải đảm bảo đã đạt được lui bệnh, có nguồn cho tế bào gốc phù hợp và đảm bảo về kinh phí.

Hay với điều trị nhắm đích, quan trọng nhất là người bệnh có kết quả xét nghiệm phù hợp với việc điều trị nhắm đích không? Ví dụ như có tổn thương di truyền đặc trưng hay có kháng nguyên miễn dịch đặc hiệu, tức là phải có đích để sử dụng được phương pháp điều trị này.

Nụ cười của các em nhỏ điều trị tại Khoa Bệnh máu trẻ em

Điều trị bệnh ung thư máu ở trẻ có phác đồ cho từng thể bệnh và cần được điều chỉnh trên từng người bệnh cụ thể, điều này phụ thuộc thể bệnh, thể trạng của bệnh nhân.

“Với người bệnh được xếp vào nhóm nguy cơ thường, khả năng đáp ứng tốt, trên 90% đạt lui bệnh sau thời gian điều trị tấn công và có thể kéo dài thời gian lui bệnh 2-5 năm đạt tỷ lệ trên 80%. Nhưng với bệnh nhân thể tiên lượng xấu, có thể chỉ đạt 50-60%.

Hiện nay, với phương án điều trị kết hợp tốt hơn, chế phẩm máu tốt hơn, giảm nguy cơ trong quá trình điều trị và điều quan trọng là việc tuân thủ điều trị của gia đình bệnh nhân, sẽ mang lại thêm cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư máu”.

TS.BS. Hoàng Thị Hồng, Phó trưởng Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chia sẻ, hiện tại mỗi ngày tại Khoa có khoảng trên 200 bệnh nhân điều trị nội trú với hơn 80% người bệnh ung thư máu.

Theo bác sĩ Hồng, ung thư máu là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở trẻ em. Hiện tại, các phương pháp điều trị bao gồm truyền hóa chất đường tĩnh mạch (có thể kết hợp xạ trị), ghép tế bào gốc, điều trị nhắm đích. Khả năng điều trị lui bệnh ở bệnh nhi ung thư máu ngày càng được cải thiện.

Theo Báo Giao thông

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan