Người thiếu máu hấp thu sắt mức độ nào là tốt nhất?
Sắt là thành phần quan trọng tạo nên hồng cầu trong cơ thể, chế độ ăn giàu sắt hàng ngày là cần thiết với nhóm bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt. Tuy nhiên, đối với nhóm bệnh nhân thiếu máu thừa sắt thì chế độ ăn sẽ khác rất nhiều. Bài viết này sẽ mang lại cho các bạn một số lưu ý về những bữa ăn phù hợp cho mỗi nhóm đối tượng.
Sắt có trong thực phẩm dưới dạng sắt heme hoặc không heme. Sắt heme hầu như chỉ được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc động vật.
Còn sắt không heme có nhiều trong thực vật, thực phẩm tăng cường và thực phẩm bổ sung.
I. Đối với nhóm bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt
Infographic: Nguyên nhân của bệnh thiếu máu thiếu sắt
Bệnh nhân thiếu máu được khuyến cáo ưu tiên bổ sung đạm từ động vật. Thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, gia cầm và hải sản sẽ là nguồn cung cấp sắt heme dồi dào.
Ngoài hàm lượng protein cao, các thực phẩm trên còn có nguồn sắt heme (sắt heme là dạng sắt tự nhiên, giá trị sinh học cao) dễ hấp thu, hiệu quả nhanh hơn với bệnh nhân thiếu máu.
Một số thực phẩm giàu sắt heme phổ biến, dễ tìm mà người bệnh nên ăn:
Thịt bò
Thịt bò là nguồn cung cấp sắt heme dồi dào nhất. Ngoài ra, nó còn cung cấp protein chất lượng cao, vitamin B, kẽm.
Gan và các nội tạng động vật
Nội tạng động vật như gan gà, gan lợn… cũng là nguồn thực phẩm chứa nhiều sắt. Cụ thể, gan gà chứa 9 mg sắt; gan lợn chứa 13 mg sắt.
Các loại hải sản
Một số loại cá là nguồn thức ăn chứa nhiều sắt, có thể kể đến như: cá nục (chứa 3,25mg sắt); cá thu (chứa 3 mg sắt); cá trích (chứa 2,8 mg); cá ngừ (chứa 2 mg sắt)… Không chỉ chứa sắt, trong thành phần các loại cá cũng chứa nhiều axit béo omega-3; selen; vitamin B12… rất tốt cho sức khỏe hệ tim mạch, hệ miễn dịch, hệ thần kinh…
Một số hải sản khác người bệnh thiếu máu có thể ăn vừa phải để bổ sung thêm sắt là: cua, nghêu, hàu, trai,…
Lưu ý, khi chế biến nội tạng động vật cần làm sạch, luộc thật chín để đảm bảo loại bỏ được hết ký sinh trùng.
Lòng đỏ trứng
Trứng là nguồn sắt heme và nhiều chất dinh dưỡng khác như protein, choline, vitamin D, và axit béo omega-3. Đây là lựa chọn tốt để bổ sung dưỡng chất, cải thiện tình trạng sức khỏe của bạn và ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt.
Lưu ý kết hợp thực phẩm để TĂNG hiệu quả hấp thu sắt:
- Ăn thêm thực phẩm giàu vitamin C: Tiêu thụ thực phẩm giàu vitamin C cùng với thực phẩm giàu chất sắt không heme có thể làm tăng sự hấp thu sắt.
- Tránh uống cà phê và trà trong bữa ăn: Uống cà phê và trà trong bữa ăn có thể làm giảm hấp thu sắt từ 50-90%
II. Đối với nhóm bệnh nhân thiếu máu thừa sắt
Người bệnh nên chọn các thực phẩm có dạng sắt không heme (là sắt mà cơ thể hấp thụ không tốt), chủ yếu là đạm thực vật như: ngũ cốc, ngô, các loại đậu đỗ (đậu phụ), rau củ (khoai tây, cà rốt).
Cách kết hợp thực phẩm để GIẢM hấp thụ sắt:
- Hạn chế các loại thịt béo, thịt màu đỏ (thịt bò, trâu, vịt, gan…), hải sản. Nên ăn các loại thịt trắng như thịt gia cầm, cá, trứng…
- Nên dùng các thực phẩm giàu chất phytate, phốt pho và acid tannic (có trong trà, nước cola, mễ cốc và các thuốc kháng acid).
- Uống trà, cà phê ngay sau bữa ăn.
- Tránh các thực phẩm nhiều vitamin C hoặc ăn riêng để tránh dễ hấp thu sắt hay tăng khả năng hấp thu các dạng sắt khác.
- Tăng cường thực phẩm giàu vitamin E, các sản phẩm từ sữa như: sữa chua, phô mai,.. sẽ bổ sung canxi ngăn ngừa loãng xương và làm giảm hấp thu sắt.
- Không sử dụng chảo gang: Nấu ăn bằng chảo gang có thể làm tăng lượng sắt trong thực phẩm, điều này không tốt cho bệnh nhân thiếu máu thừa sắt.
Một số nhóm thực phẩm nên ăn để giảm lượng sắt hấp thụ vào cơ thể:
Nhóm thực phẩm giàu Phytate:
Ăn các loại thực phẩm chứa nhiều phytate như đậu; các loại hạt; ngũ cốc nguyên hạt làm giảm sự hấp thụ chất sắt không heme từ thực vật. Từ đó, làm giảm tổng lượng sắt trong cơ thể.
Nhóm thực phẩm giàu Phốt pho
Phốt pho có khả năng ức chế hấp thu cả sắt heme và sắt không phải heme ở nồng độ rất cao. Nhóm thực phẩm tiêu biểu bao gồm thịt, gia cầm và cá.
Các nguồn phốt pho khác không chứa nhiều sắt bao gồm trái cây sấy khô; ngũ cốc nguyên hạt; đồ uống có ga; các loại hạt; đậu và các sản phẩm từ sữa.
Nhóm thực phẩm giàu Acid tannic
Thường được tìm thấy từ một số loại cây như hồng, trà, cà phê, lựu,… Do đó người bệnh nên sử dụng những loại thực phẩm giàu acid tannic này ngay sau bữa ăn để giảm hấp thụ sắt.
Ngoài trà và cà phê , một số đồ uống khác có chứa acid tannic là nước trái cây; quả mọng; quả việt quất sẽ có giảm quá trình hấp thu sắt trong cơ thể. Điều này tốt cho người bệnh thiếu máu thừa sắt.
Viện Huyết học – Truyền máu TW
Bài viết liên quan
Infographic: Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh thiếu máu thiếu sắt
04 Tháng Mười Một, 2024Bệnh thiếu máu thiếu sắt là bệnh lý rất phổ biến trên thế giới, gặp ở mọi vùng miền. Tuy nhiên, bệnh thường gặp nhiều hơn ở các nước nghèo.…
Cha mẹ cần lưu ý tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ vị thành niên
25 Tháng Tám, 2023Nữ sinh N. N. H. mới trải qua kỳ thi vào lớp 10 mùa hè năm nay. Khi chuẩn bị nhập học, em H. đi khám sức khoẻ ở địa…
Phụ nữ mang thai cần đề phòng nguy cơ thiếu máu thiếu sắt
21 Tháng Ba, 2023Thiếu máu là tình trạng khá phổ biến, xuất hiện ở nhiều lứa tuổi và giới tính. Trong đó, phụ nữ thường gặp những tình trạng mất máu mãn tính…
Thiếu máu: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
07 Tháng Mười Một, 2022Thiếu máu là tình trạng rất thường gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Rất nhiều người nghĩ rằng thiếu máu là một “bệnh”. Tuy nhiên, theo các…