Quảng Ngãi: Thay 102 đơn vị huyết tương để cứu bệnh nhân bị bệnh hiếm gặp
Bị đau nặng, phải di chuyển bằng xe lăn, nhưng sau khi trải qua 6 đợt thay huyết tương với 102 đơn vị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, bà Lê Thị Thủy (xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa) đã có thể đi lại bình thường.
Bà Thủy vào Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Ngãi cấp cứu vào đầu tháng 11/2024 trong tình trạng suy hô hấp, không thể đi lại, nói chuyện khó khăn, thể trạng suy kiệt, chỉ còn nặng khoảng 30kg. Trước đó, bệnh nhân 56 tuổi này từng phẫu thuật thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ ở một bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh và điều trị phù tủy sống nhiều tháng liền tại một bệnh viện ở Đà Nẵng.
Trước tình trạng suy hô hấp nặng của bệnh nhân, các bác sĩ BVĐK tỉnh đã phải chỉ định cho bệnh nhân thở máy. Liền sau đó, bệnh viện đã tiến hành hội chẩn đa chuyên khoa và đưa ra chẩn đoán rằng, bệnh nhân Thủy đã mắc bệnh nhược cơ và chỉ định thay huyết tương. Đây là một bệnh lý hiếm gặp, với tỷ lệ mắc bệnh trung bình khoảng 1/200.000 người. Khi bị nhược cơ, nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong do yếu, liệt các cơ hô hấp.
Tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, trải qua 6 lần thay huyết tương, với tổng cộng 102 đơn vị huyết tương (tương đương 15,3 lít huyết tương tươi), sức khỏe bệnh nhân Thủy dần hồi phục. Từ một người không còn khả năng đi lại, phải trông chờ người nhà đẩy bằng xe lăn, đến nay, bà Thủy đã có thể tự đi lại trên chính đôi chân của mình.
Trải qua 6 lần thay huyết tương, bà lê Thị Thủy đã có thể đi lại.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Quang, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, một trong các bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Thủy cho biết, thay huyết tương là quá trình thay thế lượng huyết tương trong cơ thể người bệnh bằng một lượng tương đương từ nguồn huyết tương khác.
Thông qua hệ thống máy lọc, máu sẽ được dẫn ra ngoài để loại bỏ huyết tương đang chứa nhiều chất gây bệnh của người bệnh để thay thế bằng huyết tương mới. Khi thay huyết tương, bệnh nhân Thủy đang suy hô hấp, suy kiệt sức khỏe nặng, chúng tôi phải đặc biệt cẩn trọng và theo dõi sát sao từng phút để kịp thời xử lý khi có biến chứng xảy ra. Bởi, trong quá trình thay huyết tương, bệnh nhân có thể nhiễm trùng; thay đổi điện giải dẫn đến rối loạn nhịp tim, co giật, liệt, suy tim hoặc suy thận…
Tập thể Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chúc mừng bệnh nhân Lê Thị Thủy chuẩn bị xuất viện.
Thời gian qua, nhờ kỹ thuật thay huyết tương, BVĐK tỉnh đã điều trị thành công nhiều bệnh nhân bị suy gan cấp, nhược cơ nặng, hội chứng Guillain Barre (viêm đa rễ dây thần kinh) và nhiều bệnh tự miễn khác.
Vào tháng 4/2024, cũng nhờ áp dụng kỹ thuật thay huyết tương, các bác sĩ BVĐK tỉnh đã giúp một bệnh nhân bị liệt hoàn toàn do mắc phải hội chứng Guillain Barre phục hồi được sức khỏe và khả năng vận động.
Theo Báo Quảng Ngãi
Bài viết liên quan
Hai mẹ con được cứu sống suốt 16 năm nhờ những đơn vị máu
19 Tháng Mười Hai, 2024Em Nguyễn Dương Hưng (quê Vĩnh Phúc) năm nay 16 tuổi, nhưng em chỉ mang dáng người nhỏ bé như một cậu học sinh cấp II. Số tuổi của Hưng…
Người thiếu máu hấp thu sắt mức độ nào là tốt nhất?
05 Tháng Mười Hai, 2024Sắt là thành phần quan trọng tạo nên hồng cầu trong cơ thể, hấp thu sắt qua chế độ ăn hàng ngày là cần thiết với nhóm bệnh nhân thiếu…
Chế độ dinh dưỡng, tập luyện cho người bệnh CML
04 Tháng Mười Hai, 2024Để đảm bảo việc điều trị của người bệnh lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt (CML) được hiệu quả, ngoài việc tuân thủ điều trị bao gồm dùng…