Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Bệnh ung thư hạch (U lympho) và những điều cần biết

Theo Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu GLOBOCAN, năm 2020, trên thế giới có khoảng 627.439 người mắc mới ung thư hạch (U lympho) và khoảng 283.169 người tử vong. Tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương hàng năm tiếp nhận khoảng 200-250 bệnh nhân ung thư hạch mới.

Vậy bệnh ung thư hạch là gì? Triệu chứng lâm sàng của bệnh ung thư hạch như thế nào? Cần thực hiện các xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh? Bệnh ung thư hạch có mấy giai đoạn và điều trị như thế nào? Mời các bạn đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về việc chăm sóc, điều trị bệnh ung thư hạch.

Bệnh ung thư hạch là bệnh gì?

Bệnh ung thư hạch còn được gọi là ung thư hạch bạch huyết, do sự tăng sinh mất kiểm soát của tế bào bạch cầu lympho.

Tế bào bạch cầu lympho có mặt trong hệ thống bạch huyết, một thành phần trong mạng lưới chống nhiễm trùng của cơ thể. Hệ thống bạch huyết bao gồm hạch bạch huyết (hạch lympho) có khoảng 500-600 hạch lympho được phân bố rải rác trên đường đi của mạch bạch huyết ở khắp cơ thể nhưng tập trung nhiều ở một số vùng như cổ, nách, bẹn, lá lách, tuyến ức, tủy xương.

Trong bệnh ung thư hạch có sự gia tăng ác tính các tế bào của hệ thống lưới lympho tại chỗ hoặc lan tràn, chủ yếu liên quan đến các tế bào hạch bạch huyết, lách, gan và tủy xương.

Bệnh ung thư hạch (U lympho) có hai loại chính là: U lympho Hodgkin (20-30%) và U lympho không Hodgkin (70-80%)

Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh ở người cao tuổi có xu hướng gia tăng. Bệnh thường biểu hiện tại hạch chiếm trên 60% trường hợp. U lympho có thể biểu hiện ngoài hạch ở vị trí, cơ quan khác nhau trong cơ thể như da, đường tiêu hóa (dạ dày, đại trực tràng…), vòm mũi họng, lưỡi, thần kinh trung ương, hốc mắt…

Nguyên nhân gây bệnh ung thư hạch

Cho đến nay nguyên nhân sinh bệnh vẫn chưa được chứng minh một cách rõ ràng. Tuy nhiên có một số các yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư hạch như:

  • Các tổn thương gen
  • Lớn tuổi (Mặc dù ung thư hạch có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ mắc bệnh tăng theo tuổi, nhất là ở những người trên 55 tuổi).
  • Nam giới: ung thư hạch thường xảy ra phổ biến ở nam hơn ở nữ.
  • Yếu tố nhiễm khuẩn: HIV, EBV, HTLV-1, HHV8…;
  • Yếu tố miễn dịch: Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải HIV/AIDS, sau ghép tạng…;
  • Mắc các lý tự miễn;
  • Môi trường tiếp xúc: Thuốc trừ sâu, dioxin, phóng xạ…

Triệu chứng lâm sàng của bệnh ung thư hạch

  • Có đến 60% người bệnh khởi phát bệnh có hạch to, hạch có tính chất phát triển lớn dần và không đau, mật độ chắc, di động kém. Có khi kết hợp lại thành 1 khối. Hạch thường xuất hiện ở cổ, hố thượng đòn, nách, bẹn, có thể gặp hạch trung thất, hạch ổ bụng.
  • Tổn thương ngoài hạch tiên phát chiếm khoảng 40%, có thể gặp ở các vị trí khác nhau như: Dạ dày, amidal, hốc mắt, da…
  • Lách thường to độ I/II; tuy nhiên, trong u lympho thể lách hoặc giai đoạn muộn của bệnh, lách có thể to độ III/IV.
  • Gan to ít gặp hơn và thường kèm theo hạch to và/ hoặc lách to.
  • Khoảng < 25% trường hợp có triệu chứng “B” còn gọi là tam chứng B gồm: Sốt, ra mồ hôi đêm, sút cân trên 10% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng không giải thích được nguyên nhân.
  • Thiếu máu do hạch xâm lấn tủy xương, tan máu tự miễn, cường lách hoặc hiếm hơn là do hiện tượng thực bào tế bào máu.
  • Giai đoạn muộn, thường có biểu hiện chèn ép, xâm lấn của mô lympho. Ví dụ như: Hội chứng trung thất, liệt do chèn ép tủy sống, lồi mắt, tắc ruột nếu u ống tiêu hóa…

Bệnh ung thư hạch

Các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh

  • Sinh thiết hạch, u (cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ hạch, u) là xét nghiệm quan trọng nhất để chẩn đoán bệnh. Sinh thiết để quan sát hình thái tế bào và làm các xét nghiệm nhuộm hóa mô miễn dịch để xác định dòng tế bào bệnh lý (tế bào lympho T, lympho B, tế bào NK).
  • Chọc hút tủy xương làm tủy đồ, sinh thiết tủy: để xác định tình trạng xâm lấn tuỷ
  • Chụp CT scan, PET-CT: xác định hạch ung thư trong các cơ quan nội tạng, xác định giai đoạn bệnh.
  • Các xét nghiệm thường quy: Công thức máu, nhóm máu, phết máu ngoại biên, hồng cầu lưới, chức năng gan – thận, điện giải đồ, LDH, β2 microglobulin, đông máu toàn bộ, siêu vi HBV, HCV, HIV, SA tim – bụng, ECG, XQ ngực thẳng: đánh giá tổng thể bệnh nhân trước điều trị.
  • Chọc dò dịch não tủy nếu nghi ngờ xâm lấn thần kinh trung ương.

Ung thư hạch có mấy giai đoạn?

Bệnh ung thư hạch có 4 giai đoạn:

Giai đoạn Biểu hiện
I Tổn thương 1 vùng hạch hoặc một vị trí ngoài hạch (IE)
II Tổn thương 2 vùng hạch trở lên trên cùng một phía cơ hoành. Có thể bao gồm cả lách (IIS) hoặc cả 2 (IIES) nhưng vẫn nằm một phía cơ hoành
III Tổn thương nằm hai phía cơ hoành. Có thể tổn thương ở lách (IIIS), hoặc vị trí ngoài hạch (IIIE), hoặc cả hai (IIIES)
IV Tổn thương lan toả rải rác nhiều tạng hoặc mô ngoài hạch (như: tuỷ xương, gan, phổi…), có kèm hoặc không kèm tổn thương hạch
B: khi có biểu hiện triệu chứng ‘B’: sốt, ra hồm hôi đêm, gầy sút >10% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng

A: không có các triệu chứng trên

Điều trị ung thư hạch như thế nào?

Chiến lược và mục đích điều trị ung thư hạch (U lympho) là tiêu diệt các tế bào u lympho càng nhanh càng tốt và ngăn chăn sự phát triển của tế bào u lympho mới từ đó giúp kiểm soát bệnh và kéo dài thời gian sống thêm cũng như cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân.

  • Hiện nay việc điều trị ung thư hạch về cơ bản có các biện pháp sau: Theo dõi, phẫu thuật, xạ trị, hoá trị; tuy nhiên lựa chọn phương pháp điều trị nào sẽ dựa trên cá thể hoá từng bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp như (tuổi, thể bệnh, giai đoạn bệnh, các bệnh lý kèm theo…).
  • Phẫu thuật không đóng vai trò chính trong điều trị ung thư hạch vì bản chất của ung thư hạch hệ bạch huyết thường không chỉ giới hạn ở một vùng của cơ thể, phẫu thuật chỉ trong các trường hợp sinh thiết làm chẩn đoán hoặc giải phòng chèn ép.
  • Hoá trị liệu là phương pháp phổ biến nhất trong điều trị ung thư hạch
  • Trong 1 số trường hợp có thể phải kết hợp cả 3 phương pháp để đạt được hiệu quả tối ưu.

Liệu pháp sinh học và ghép tế bào gốc

Trong những năm gần đây, liệu pháp sinh học là một trong những phương pháp điều trị ung thư hạch tiên tiến được ứng dụng ngày càng rộng rãi. Liệu pháp sinh học giúp cho việc điều trị nhắm tới tế bào ung thư và giảm thiểu những tác động đến các tế bào lành tính, hạn chế các biến chứng và tác dụng phụ so với điều trị bằng hóa chất.

Bên cạnh đó, ghép tế bào gốc cũng là một phương pháp đem lại hiệu quả cho một số thể bệnh của ung thư hạch. Tuy nhiên, ghép tế bào gốc thường được thực hiện khi người bệnh U lympho bị tái phát hoặc kháng trị, không ưu tiên sử dụng với người bệnh ở giai đoạn đầu tiên. Hạn chế lớn nhất của liệu pháp sinh học và ghép tế bào gốc là chi phí khá cao so với điều trị bằng hoá trị thông thường.

Tiên lượng

Tiên lượng của bệnh ung thư hạch khác nhau tuỳ từng thể bệnh, giai đoạn bệnh và thể trạng của mỗi bệnh nhân. Bệnh nhân ở giai đoạn sớm (I, II) có tiên lượng tốt hơn so với giai đoạn muộn (II, IV) khi đã có di căn hay xấm lấn các cơ quan.

Theo dõi sau điều trị

  • Sau khi điều trị lui bệnh, người bệnh cần thường xuyên theo dõi sức khỏe. tái khám định kỳ 2 tháng/ lần trong 2 năm đầu. chụp CT theo dõi 6 tháng/ lần trong 2 năm đầu, sau đó chụp khi có triệu chứng.
  • Nếu người bệnh nổi hạch to trở lại hoặc xuất hiện, sốt, gầy sút cân… cần phải tái khám ngay.

Chăm sóc

  • Trong giai đoạn điều trị bệnh, người bệnh cần hạn chế vận động nặng, ăn uống đủ chất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không dùng các thuốc nam, đông y hoặc thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
  • Giai đoạn kết thúc điều trị: người bệnh nên duy trì chế độ sống lành mạnh, hoạt động thể dục phù hợp với sức khoẻ, điều trị các bệnh đồng mắc, tái khám đầy đủ và tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ.

ThS. BS. Nguyễn Thùy Dương, TS.BS. Vũ Đức Bình, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh

Bài viết được hỗ trợ bởi Takeda

ĐỊA ĐIỂM HIẾN MÁU – XÉT NGHIỆM:

1. Viện Huyết học – Truyền máu TW

  • Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
  • Thời gian:

Từ thứ 2- thứ 6: 6h30 – 17h00 (khám theo bảo hiểm y tế, khám thu phí và khám theo yêu cầu);

Thứ 7: 7h30 – 17h00 (khám theo yêu cầu).

HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ KHÁM THEO YÊU CẦU TẠI VIỆN:

Để xét nghiệm máu nhanh chóng, rút ngắn thời gian chờ đợi, bạn có thể đăng ký khám theo yêu cầu thông qua:

2. Các điểm hiến máu và xét nghiệm ngoại Viện tại Hà Nội: Từ thứ 3 – Chủ nhật: 8h00 – 12h00 và 13h30 – 17h00.

  • Số 26 Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm;
  • Số 132 Quan Nhân, quận Thanh Xuân;
  • Số 10, ngõ 122 đường Láng, quận Đống Đa;
  • Số 78, Nguyễn Trường Tộ, quận Ba Đình
  • Điểm hiến máu Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Km13+500, Quốc lộ 1A, Ngọc Hồi, Thanh Trì, HN)
Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan