Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

“Cầu thủ nhí” và đam mê trái bóng tròn

Liệu ai còn nhớ hành trình diệu kỳ của Đội tuyển U23 Việt Nam tại Thường Châu tuyết trắng năm 2018? Hàng triệu người Việt Nam vui sướng vỡ oà khi các cầu thủ lập nên kỳ tích nơi xứ người. Nơi trái tim của Tổ quốc, một thiên thần nhỏ đang nằm trên giường bệnh dõi theo bước chạy của những người hùng trên sân cỏ với niềm hân hoan con trẻ. Cậu bé ấy là Nguyễn Sơn Tùng.

Ở tuổi lên bốn, khi còn chưa biết nơi nào xa hơn làng quê của mình, Sơn Tùng đã cùng mẹ lặn lội hơn 200 cây số từ Thanh Hoá ra Hà Nội để điều trị bệnh. Bạch cầu dạng nguyên bào lympho cấp (ung thư máu), cái tên tưởng chừng xa lạ chỉ có trên tivi, sách báo nhưng đã thực sự xuất hiện và thay đổi cuộc sống của gia đình em.

Bố đi công tác xa. Bà ở nhà trông em nhỏ mới hơn 1 tuổi. Mẹ và ông thay nhau chăm sóc em tại bệnh viện. Đợt truyền hoá chất đầu tiên, Tùng chưa đáp ứng thuốc, em phải nằm viện triền miên gần 2 tháng. Có đợt truyền đáp ứng kém, bác sĩ tiên lượng bệnh xấu, gia đình lao đao trước điều chẳng lành. Thế nhưng cậu bé 4 tuổi mạnh mẽ hơn tất cả người lớn trong gia đình.

Thật mừng là Sơn Tùng đã giành chiến thắng trước “đối thủ” ung thư máu sau 3 năm điều trị. Hẳn bác sĩ Mai Phương hay các cô điều dưỡng từng tiêm truyền cho Tùng sẽ nhớ cậu bé năm nào nằm trên giường bệnh vẫn theo dõi từng trận đấu của Đội tuyển Việt Nam, hò reo cổ vũ khi đội nhà ghi bàn. Đam mê bóng đá trong em được nhen nhóm nhờ ông và bố. Từ khi biết chạy, niềm vui của cậu bé đã xoay quanh quả bóng tròn. Cậu bé cứ hồn nhiên với tinh thần nhiệt huyết dành cho thể thao. Cậu bé không kêu khóc vì đau đớn. Có lẽ ung thư máu đã phải chùn bước trước tinh thần quả cảm của vận động viên nhí Sơn Tùng.

Cậu bé Sơn Tùng tràn đầy năng lượng, sẵn sàng cổ vũ bóng đá ngay trên giường bệnh (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Không chỉ bóng đá mà Tùng còn dành tình yêu đặc biệt đối với thể thao và nghệ thuật. Em biết vẽ tranh, thổi sáo. Bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn… bất cứ bộ môn nào được tiếp xúc, em đều bộc lộ năng khiếu khi có thể học theo và chơi thành thạo. Mẹ của Tùng kể, đến buổi chiều mà muốn tìm con thì cứ ra sân bóng là thấy. Những cái tên như chú Quang Hải, chú Đỗ Kim Phúc (cầu thủ bóng đá), chú Nguyễn Tiến Minh (vận động viên cầu lông) trở thành thần tượng trong lòng em, là tấm gương để em noi theo, đặt ra những mục tiêu trong cuộc sống và nỗ lực đạt được.

Năm vừa qua, Sơn Tùng thi Hội khoẻ Phù Đổng cấp trường với hai môn bóng đá và cầu lông. Vận động viên nhí còn tham gia vào đội tuyển bóng đá U10 huyện Nông Cống. Đội bóng của Tùng đã xuất sắc giành giải Nhì của Giải bóng đá nhi đồng Cup Báo Thanh Hoá.

Được chạy với trái bóng tròn là nguồn năng lượng giúp Sơn Tùng (áo vàng) vượt qua mọi khó khăn (Ảnh: Báo Thanh Hoá)

Nghĩ lại chặng đường đã qua, gia đình tin rằng đam mê thể thao đã giúp con vượt qua quãng thời gian khó khăn ngày thơ ấu. Mong rằng bất cứ bạn nhỏ nào cũng dũng cảm chiến đấu và nhất định giành chiến thắng.

Hải Yến – Ảnh nhân vật cung cấp

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan