Chăm sóc viêm loét miệng do hoá trị
Hóa trị là một phương pháp điều trị ung thư phổ biến. Viêm niêm mạc miệng hoặc loét miệng do điều trị hoá chất là tình trạng viêm loét lớp niêm mạc che phủ miệng và môi. Viêm loét miệng có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Chữa trị viêm loét miệng là việc cần thiết để cải thiện chất lượng của sống của người bệnh.
Nguyên nhân dẫn tới viêm loét miệng
Điều trị hoá chất giúp tiêu diệt các tế bào phát triển nhanh như tế bào ung thư. Tuy nhiên, các tế bào niêm mạc miệng cũng phát triển rất nhanh, vì vậy một số hoá trị có thể gây hại cho tế bào này.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm loét miệng:
- Vệ sinh răng miệng kém
- Mất nước
- Suy dinh dưỡng
- Mắc các bệnh mãn tính khác
Hình minh hoạ các vết loét ở miệng
Biểu hiện viêm loét miệng
Viêm loét có thể xuất hiện ở bất kỳ mô mềm nào trên môi, trong miệng, họng và lan xuống thực quản. Triệu chứng thường xuất hiện 5-7 ngày sau khi bắt đầu điều trị hoá chất và có thể kéo dài vài tuần. Người bệnh thường gặp các biểu hiện sau:
- Sưng nề ở lợi, miệng, họng
- Các vết loét trong miệng có màu đỏ hoặc có các vết trợt màu trắng ở giữa
- Có các mảng trắng, vàng hoặc có mủ trong miệng, trên lưỡi
- Miệng khô, nóng, nhạy cảm với thức ăn nóng hoặc lạnh
- Tăng tiết chất nhầy vùng miệng
- Đau, bỏng rát và gặp khó khăn khi ăn, uống, nói chuyện
- Có thể chảy máu ở những vết loét.
Chăm sóc và điều trị viêm loét miệng
Mặc dù không nguy hiểm, viêm loét miệng ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người bệnh thậm chí không thể ăn và nuốt được. Trong quá trình điều trị, người bệnh có xu hướng nhiễm trùng nặng hơn nếu không được chăm sóc đúng cách. Các biện pháp chăm sóc sau đây sẽ giúp cải thiện triệu chứng:
1. Làm sạch khoang miệng đúng cách:
Nếu có viêm niêm mạc miệng, sưng nề ở lợi chưa có vết loét:
- Vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương thêm cho niêm mạc miệng.
- Vệ sinh khoang miệng bằng bàn chải mềm và nước ấm. Ngâm bàn chải trong nước ấm trước khi dùng. Tránh sử dụng thuốc đánh răng cay và không mịn. Đối với trẻ em, có thể sử dụng gạc mềm thay việc đánh răng để vệ sinh răng miệng.
- Sau khi đánh răng, người bệnh nên sử dụng nước súc miệng không chứa cồn. Trẻ nhỏ súc miệng với dung dịch muối và Natricacbonat 1,4% khoảng 3-4 giờ một lần.
- Nên thay bàn chải đánh răng 3- 4 tháng/lần.
Nếu có một hoặc nhiều ổ loét:
- Vệ sinh răng miệng bằng gạc củ ấu đã thấm dung dịch sát khuẩn (dung dịch betadine).
- Vệ sinh khoang miệng ngay sau mỗi lần ăn.
- Nếu trên vết loét có giả mạc trắng phải dùng gạc làm sạch giả mạc và bôi thuốc theo y lệnh của bác sĩ.
- Các loại thuốc bôi có tác dụng giảm đau và sát trùng như gel kamistad nên được sử dụng theo khuyến nghị của bác sĩ.
Ngay cả khi bị loét miệng, người bệnh vẫn cần vệ sinh răng miệng hàng ngày để đảm bảo vệ sinh.
2. Giữ ẩm miệng:
- Ngậm nước muối sinh lý liên tục, uống nhiều nước.
- Nhai kẹo cao su không đường để kích thích sản xuất nước bọt.
3. Hỗ trợ dinh dưỡng:
- Sử dụng các thực phẩm mềm, dễ nhai, nuốt.
- Tránh đồ ăn cay, nhiều đường, có tính axit, thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
- Bổ sung thực phẩm giàu protein (thịt, cá, đậu… nấu chín kỹ hoặc ninh nhừ, xay nhuyễn hoặc trộn với nước dùng để dễ nuốt hơn), thức ăn giàu vitamin (rau, nước hoa quả), tránh loại có vị chua như nước ép dứa…
- Bổ sung dinh dưỡng bằng đường truyền tĩnh mạch nếu khả năng ăn uống của người bệnh giảm sút nhiều (theo y lệnh của bác sĩ).
Bên cạnh đó, người bệnh nên lưu ý đến các tác dụng phụ khác do truyền hoá chất để có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Điều trị dự phòng
- Khám nha khoa ít nhất 2 tuần trước khi bắt đầu hoá trị để thực hiện đánh giá đầy đủ sức khoẻ răng miệng.
- Điều trị các bệnh răng miệng, viêm lợi, nhổ răng (nếu cần) trước khi hoá trị.
- Tăng cường thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày, đánh răng bằng bàn chải mềm và thuốc đánh răng không cay.
- Duy trì thói quen súc miệng và đánh răng sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ.
- Ăn thức ăn mềm, xay nhuyễn, uống nhiều nước; tăng cường thực phẩm giàu đạm trong chế độ ăn.
- Dùng đèn pin kiểm tra khoang miệng mỗi ngày để phát hiện sớm các biểu hiện của viêm loét miệng.
NIHBT
Bài viết liên quan
Tư vấn chăm sóc cho người bệnh Lơ xê mi cấp
16 Tháng Chín, 2022Chiều ngày 15/9/2022, buổi tư vấn chăm sóc cho người bệnh Lơ xê mi cấp tại Khoa Điều trị hoá chất đã được tổ chức. Đây là hoạt động truyền…
Chế độ ăn cho người bệnh máu ác tính
11 Tháng Ba, 2022Người bệnh mắc bệnh máu ác tính cần quan tâm tới thực đơn mỗi ngày sẽ góp phần kiểm soát bệnh tật tốt hơn, ngoài ra chế độ ăn còn…
Ung thư máu mạn tính: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
22 Tháng Chín, 2020Ung thư máu mạn tính là bệnh gì? Ung thư máu mạn tính (hay còn gọi là Lơ-xê-mi kinh) là bệnh lý thuộc Hội chứng tăng sinh tủy mạn ác…
Ung thư máu cấp tính: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
23 Tháng Bảy, 2020Ung thư máu cấp tính là bệnh gì? Ung thư máu cấp tính hay còn gọi là Lơ-xê-mi cấp. Đặc trưng của bệnh là sự tăng sinh nhanh chóng các…
Hướng dẫn chế độ ăn cho người bệnh ung thư máu
21 Tháng Tám, 2020Chế độ ăn cho người bệnh ung thư máu cần tuyệt đối tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm (chú ý hạn sử dụng, nguồn gốc và được kiểm…