Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Chàng sinh viên trở lại nơi điều trị ung thư để giúp đỡ bệnh nhi

Từ một cậu bé phải điều trị ung thư máu, Bùi Tiến Mạnh đã vượt lên nghịch cảnh và trở thành sinh viên đại học. Điều đáng quý ở chàng thanh niên này là em đã quay trở lại chính nơi mình từng điều trị để giúp đỡ các bạn nhỏ đang bị bệnh.

Trong cuốn “Em ước mong sao”, tập truyện của những trẻ em chịu ảnh hưởng bởi căn bệnh ung thư, có một cậu bé “sung sướng phát khóc” khi sinh nhật đầu tiên trong đời được cầm trên tay chiếc bánh kem, sinh nhật đó là ở trong bệnh viện.

Cậu bé Bùi Tiến Mạnh đón sinh nhật lần đầu tiên có bánh gato là trong bệnh viện. Hình ảnh này được minh hoạ cho bìa sách “Em ước mong sao”.

Sáu năm kể từ lần sinh nhật ấy, cậu bé nay đã là chàng sinh viên năng nổ của trường Đại học Giao thông vận tải. Em là Bùi Tiến Mạnh, người con của mảnh đất văn hiến Trực Ninh, Nam Định.

Từ nỗ lực bên giường bệnh đến ước mơ lên giảng đường đại học

Khi đang học lớp 9, Mạnh bỗng xuất hiện các cơn đau xương khớp liên miên. Em nằm viện hàng tháng trời mà bệnh tình không thuyên giảm. Sau hàng loạt xét nghiệm, em được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu dạng nguyên bào Lympho cấp và lập tức chuyển sang điều trị tại Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vào đầu năm 2017.

Theo TS.BS. Hoàng Thị Hồng, Phó trưởng khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học – Truyền máu TW, đây là bệnh phổ biến nhất, chiếm 75% trong số các bệnh ung thư máu ở trẻ em.

Hồi mới bắt đầu điều trị, Mạnh hai lần gặp vấn đề tâm lý. Lần thứ nhất là Tết năm 2017, Mạnh phải ở lại viện để điều trị.

“Lúc đó em rất sợ vì phải đón Tết xa nhà và cảm thấy tự trách bản thân đã khiến bố mẹ bị ảnh hưởng theo.

Lần thứ hai là khi em biết sự thật về bệnh tình của em. Bố mẹ giấu bệnh nên em cũng không nghĩ bệnh tình nghiêm trọng. Đến khi biết sự thật, đó là một cú sốc lớn. Quãng thời gian đấy em suy nghĩ nhiều, thậm chí đã nghĩ khá tiêu cực”.

Mạnh kể lại, em ăn uống không tốt. Nhiều tối không ngủ được, em lại ra cầu thang ngồi khóc. Những lúc như thế em cũng không dám nói với mẹ.

Giữa lúc hoang mang, Tiến Mạnh tình cờ thấy cuốn sách “Muôn ánh mặt trời” của chị Diệu Thuần (một bệnh nhân ung thư máu đã ghép tế bào gốc thành công, sau này đã sáng lập Mạng lưới Vì trẻ em ung thư). Đó giống như liều thuốc tinh thần lớn giúp Mạnh dần vượt qua được cú sốc tinh thần.

Hiện tại, sức khoẻ của Tiến Mạnh đã ổn định. Em đang là sinh viên của trường Đại học Giao thông vận tải. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trải qua 1 năm điều trị hoá chất được các y bác sĩ tận tình chăm sóc, em đã lui bệnh hoàn toàn. Tiến Mạnh tiếp tục với phác đồ điều trị duy trì trong 2 năm tiếp theo. Sau đó, cứ 2-3 tháng em lại đi khám định kỳ. Hiện tại, sức khoẻ của Mạnh đã ổn định.

5 năm sau ngày đó, tháng 6/2022, Tiến Mạnh trở lại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương với vai trò mới – tình nguyện viên của Mạng lưới Vì trẻ em ung thư. Trải nghiệm này mang lại cho em cảm xúc hoài niệm.

Từng là bệnh nhân, Mạnh hiểu cảm giác khi bị rụng tóc do truyền hoá chất là như thế nào. Những cậu bé như Mạnh thường để tóc ngắn nên khi cạo trọc thì không có nhiều cảm giác khác biệt. Nhưng các bé gái thì khác. Các bạn đang có mái tóc dài, đen mượt nay phải cắt đi khiến các em cảm thấy tự ti hơn.

“Em mong muốn qua hoạt động tặng tóc sẽ góp phần nào đó để giúp đỡ các bạn”, Tiến Mạnh mỉm cười. Hiện giờ, em là tình nguyện viên của lớp học cho bệnh nhi tại Viện, nơi em trò chuyện, đọc sách, hướng dẫn các bạn nhỏ vẽ tranh mỗi dịp cuối tuần.

Tiến Mạnh tham gia hoạt động tặng tóc cho bệnh nhi ung thư (Ảnh: Mạng lưới Vì trẻ em ung thư)

Chị Hoàng Thị Diệu Thuần, Giám đốc sáng lập và điều hành Mạng lưới Vì trẻ em ung thư tự hào khi cậu bé năm nào đã vượt qua căn bệnh và phấn đấu trở thành sinh viên đại học. Hơn thế, em còn chủ động mong muốn trở thành tình nguyện viên ngay tại nơi mình từng điều trị.

“Những bạn nhỏ đang điều trị ở đây, hoặc những phụ huynh của các em khi gặp Mạnh và biết câu chuyện của Mạnh đều có thêm hy vọng và tin tưởng hơn trong việc điều trị. Điều đó rất tuyệt vời và truyền cảm hứng!”, chị Diệu Thuần chia sẻ thêm.

Các bệnh nhi trò chuyện với tình nguyện viên Mạng lưới Vì trẻ em ung thư (Ảnh: Mạng lưới Vì trẻ em ung thư)

Vai trò của hỗ trợ tâm lý trong điều trị ung thư

TS.BS. Hoàng Thị Hồng đánh giá cao vai trò của tâm lý người bệnh, gia đình người bệnh trong quá trình điều trị. Trẻ do không được vui chơi ở môi trường rộng rãi, không được đến trường, các sinh hoạt hàng ngày đều diễn ra trong môi trường hẹp, tác dụng phụ của điều trị, tiêm truyền liên tục, ảnh hưởng của bệnh có thể dẫn đến trầm cảm, trẻ không hợp tác, không tiếp nhận điều trị. Khi trẻ không chịu tiêm tuyền hoặc tiêm hoá chất nội tuỷ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề điều trị.

TS.BS. Hoàng Thị Hồng, Phó trưởng khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học – Truyền máu TW trong một chương trình sinh hoạt câu lạc bộ đồng hành cùng bệnh nhân ung thư (Ảnh: Quỹ Ngày mai tươi sáng)

Ở mỗi giai đoạn, người bệnh và người thân đều rất cần sự tư vấn, hỗ trợ tâm lý, cụ thể: Giai đoạn làm chẩn đoán (lo lắng về bệnh và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán), giai đoạn điều trị (tác dụng phụ của điều trị, thời gian điều trị) và sau điều trị (tái hoà nhập cộng đồng).

Vì vậy, theo TS. Hồng, hỗ trợ tâm lý cho người bệnh là rất quan trọng. Khi trẻ nhận thức được rằng việc điều trị là tốt hơn cho con, con có thể đạt lui bệnh và đến trường thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Cuộc sống của Bùi Tiến Mạnh giờ đây giống như nhiều bạn sinh viên khác. Em đi học, đi làm thêm và tham gia tình nguyện tại bệnh viện. Sự nỗ lực của Mạnh đã trở thành tấm gương cho các bạn nhỏ không may mắc căn bệnh hiểm nghèo.

“Đừng bỏ cuộc, hãy tiếp tục cố gắng lên!”, Tiến Mạnh quả quyết.

Hải Yến

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan