Chia sẻ thời gian, công sức và những “giọt máu vàng”
Ngày 18/11, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương ương tổ chức chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2023. Đây là lần thứ 4 chương trình được tổ chức với thông điệp đã gắn bó từ chương trình đầu tiên “Hiến giọt máu vàng – Trao ngàn hy vọng”.
Toàn cảnh chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2023
Tham dự chương trình là hơn 200 người hiến tiểu cầu tiêu biểu trong năm 2023, được lựa chọn từ hàng ngàn người hiến tiểu cầu tình nguyện, đạt tổng số lần hiến tiểu cầu tình nguyện từ trước đến nay và số lần hiến trong năm 2023 cao nhất. Điểm khác biệt của năm nay là Ban tổ chức cũng lựa chọn và tôn vinh những tập thể, nhóm có nhiều thành viên cùng tham gia hiến tiểu cầu nhiều lần.
Các đại biểu tham dự chương trình
Phát biểu tại chương trình, TS.BS. Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đề cao vai trò của người hiến tiểu cầu trong việc đảm bảo nguồn chế phẩm tiểu cầu an toàn, ổn định, phục vụ quá trình điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là giai đoạn dịch sốt xuất huyết bùng phát cao điểm trong năm 2023 hay nhiều thời điểm lượng tiểu cầu tiếp nhận bị mất cân đối giữa các nhóm máu O – A.
Năm 2023, tính đến hết tháng 10, Trung tâm Máu Quốc gia đã tiếp nhận được 31.661 đơn vị tiểu cầu từ 9.214 người hiến, trong đó tỷ lệ người hiến tiểu cầu tình nguyện đạt gần 60%.
Trong số hàng ngàn người hiến tiểu cầu, không ít người đã dành thời gian, tâm sức; thậm chí di chuyển từ các tỉnh: Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… tới Viện và đạt 15-16 lần hiến tiểu cầu trong năm 2023.
Đặc biệt, trong quá trình phát triển 30 năm qua của phong trào hiến máu tình nguyện, có những cá nhân trong số 200 người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm nay đã đồng hành cùng Viện, tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu đến 18 – 20 năm.
Thay mặt Viện Huyết học – Truyền máu TW, TS.BS. Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia bày tỏ mong muốn người hiến tiểu cầu sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ với Viện, luôn sẵn sàng để hiến theo kế hoạch và chủ động đăng ký, xếp lịch để phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng.
“Không chỉ chia sẻ sự sống từ cơ thể mình mà các anh chị còn chia sẻ cả thời gian, công sức – những thứ còn quý hơn cả vàng để giúp đỡ người bệnh và đồng hành cùng Viện. Đó không chỉ là tình cảm tốt đẹp với cộng đồng, mà còn là ý thức và tinh thần trách nhiệm rất cao khi người hiến tiểu cầu luôn giữ sức khỏe tốt và chủ động hiến khi có đủ thời gian”, TS.BS. Trần Ngọc Quế bày tỏ lòng cảm kích.
ThS. Nguyễn Xuân Thái, Phó trưởng khoa Tiếp nhận máu và các thành phần máu trình bày Báo cáo kết quả tiếp nhận tiểu cầu năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024
Nhiều nhóm không chỉ cùng nhau hiến tiểu cầu đều đặn, vượt những quãng đường xa xôi đến Viện mà còn cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện khác hỗ trợ người bệnh như nhóm P.U.N – Hành trình kết nối yêu thương.
Chương trình năm nay cũng đón tiếp nhiều đại biểu khách mời là vợ – chồng như vợ chồng cô giáo Hồ Thị Hồng Gấm (TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Tổng số lần hiến máu, hiến tiểu cầu của 2 vợ chồng chị Gấm là gần 100 lần.
Chị Phương Nhi (Mê Linh, Hà Nội) là một trong những người bệnh được tiếp nhận rất nhiều các chế phẩm tiểu cầu. Nhờ đó mà chị có thể chiến đấu với căn bệnh ung thư máu và trở về với cuộc sống thường ngày.
Chương trình đã dành sự tri ân, ghi nhận, biểu dương những cá nhân có thành tích hiến tiểu cầu tiêu biểu nhất trong năm vừa qua.
Trao Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho 02 cá nhân có thành tích hiến tiểu cầu tiêu biểu trong năm 2022
Nhóm P.U.N đã có 176 lần hiến tiểu cầu, riêng trong năm 2023 là 90 lần.
Nhóm hiến máu cứu người Thường Tín – Phú Xuyên đã 168 lần hiến tiểu cầu, riêng trong năm 2023 là 61 lần, là một trong 3 nhóm tiêu biểu được nhận giấy khen của Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW.
Câu lạc bộ hiến máu Hưng Yên đã có 191 lần hiến tiểu cầu, riêng trong năm 2023 là 137 lần.
TS.BS. Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia và ThS. Hà Hữu Nguyện, Trưởng khoa Tiếp nhận máu và các thành phần máu trao Giấy khen của Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW cho 20 cá nhân có thành tích hiến tiểu cầu xuất sắc nhất (lượt 1)
TS.BS. Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia và ThS. Nguyễn Phương Thảo, Trưởng phòng Quan hệ công chúng trao Giấy khen của Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW cho 20 cá nhân có thành tích hiến tiểu cầu xuất sắc nhất (lượt 2)
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Ngay từ sáng sớm ngày hôm nay, nhiều người đã tranh thủ đến hiến tiểu cầu trước giờ tham dự chương trình gặp mặt.
Anh Ngô Quốc Điệp (Thường Tín, Hà Nội) trưởng nhóm Nhóm hiến máu cứu người Thường Tín – Phú Xuyên là gương mặt hiến tiểu cầu quen thuộc.
Cô Hoàng Thị Minh (Hà Đông, Hà Nội) vẫn đều đặn hiến tiểu cầu hàng tháng dù đã ở tuổi về hưu. Sự tươi trẻ, rạng rỡ của cô khi cho đi những giọt tiểu cầu quý giá mang đến một nguồn năng lượng tích cực cho bất cứ ai gặp gỡ.
Từ khi còn là sinh viên, anh Phạm Trường Giang (Yên Thế, Bắc Giang) đã từng bắt gặp những bệnh nhi tại Viện Huyết học – Truyền máu TW cần truyền máu. Chính vì thế, anh Giang đã tham gia hiến máu đều đặn. Đến nay, tổng số lần hiến máu, hiến tiểu cầu tình nguyện của anh Giang đã gần 50 lần.
Hành động hiến máu, hiến tiểu cầu đã được lan tỏa một cách tự nhiên đến những người trong gia đình, góp phần duy trì nguồn người hiến máu an toàn, bền vững.
Đều đặn được tổ chức từ năm 2020 đến nay, chương trình mong muốn sẽ lan tỏa mục đích, ý nghĩa của việc hiến tiểu cầu thường xuyên, duy trì người hiến tiểu cầu đều đặn để cung cấp đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu cấp cứu và điều trị. Bên cạnh cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, giao lưu giữa những người hiến tiểu cầu và người bệnh được nhận tiểu cầu, sự kiện cũng là dịp để Viện Huyết học – Truyền máu TW tri ân những đóng góp, nỗ lực của những cá nhân, những nhóm hiến tiểu cầu thường xuyên. Tiểu cầu có chức năng cầm máu và đông máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu. Có nhiều bệnh lý khác nhau liên quan đến rối loạn đông cầm máu, thường là trường hợp nặng… cần truyền tiểu cầu như: xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng tiểu cầu, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, ung thư máu hoặc các bệnh ung thư di căn đến tủy xương… Nếu tiểu cầu giảm thấp thì gây tình trạng chảy máu và xuất huyết, thậm chí dẫn đến xuất huyết não, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao. Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm máu rất đặc biệt được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu. Thông thường chế phẩm tiểu cầu gồm 2 loại: chế phẩm tiểu cầu được điều chế từ máu toàn phần và chế phẩm tiểu cầu được gạn tách từ một người hiến. Do chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn (tối đa 5 ngày), nên việc tiếp nhận và điều chế tiểu cầu đều phải dựa vào nhu cầu của các bệnh viện. Khác với hiến máu toàn phần (có thể hiến lại sau gần 3 tháng), việc hiến tiểu cầu chỉ cần đảm bảo khoảng cách 3 tuần. Do đó, một người nếu đủ điều kiện sức khỏe có thể hiến tối đa 17 lần trong năm. Hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến cũng lâu hơn. Toàn bộ quá trình hiến là vòng tuần hoàn khép kín, được thực hiện qua bộ gạn tách riêng để lấy máu, ly tâm, tách tiểu cầu và truyền máu trả lại cơ thể; nên thời gian hiến kéo dài (trung bình 70 – 90 phút một lần, trong khi hiến máu chỉ mất khoảng 5 phút). |
Thảo Nguyên – Hải Yến
Ảnh: Trần Chiến – Clip: Lâm Tùng
Bài viết liên quan
Hiến tiểu cầu – bạn có biết?
22 Tháng Một, 2020Bên cạnh hiến máu, ngày càng có nhiều người quan tâm hơn đến việc hiến tiểu cầu. Vậy hình thức này có khác gì so với hiến máu toàn phần…
Nhường cơm sẻ áo, hiến giọt máu hồng, phát huy truyền thống dân tộc Việt Nam
17 Tháng Mười Một, 2023Sáng nay 17/11, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức chương trình…
“Truyền thông đã thể hiện vai trò hiệu quả khi xảy ra tình trạng thiếu máu”
16 Tháng Mười Một, 2023Theo TS.BS. Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, vai trò của truyền thông phát huy rõ rệt, đặc…