Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Chống dịch xong, y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng hiến máu cho bệnh nhân

Nhận được tin nhắn từ Đoàn thanh niên của Bệnh viện Đà Nẵng về một cuộc vận động hiến máu bất ngờ, thế nhưng nhiều nhân viên y tế, trong đó có cả những y bác sĩ vừa ra khỏi ca trực cũng đổ về Khoa Huyết học Truyền máu để đăng kí. Chẳng ai nhớ ra rằng, họ vừa mới chống dịch xong lại đang phải thực hiện chăm sóc toàn diện cho người bệnh trong cảnh không có người nhà.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng hiến máu cho chính bệnh nhân của mình sau thời gian đi chống dịch. Ảnh: Thuỳ Trang

Thiếu hụt máu nghiêm trọng sau cách ly xã hội

Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Ánh – Trưởng Khoa Huyết học Truyền máu, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng – cho biết, sau khi BV hoạt động trở lại chỉ còn 1/3 lượng máu và có thể không đủ dùng trong nhiều trường hợp bệnh nhân cấp cứu. Thời gian cách ly xã hội khiến các hoạt động hiến máu cộng đồng bị hoãn, trong khi đó, BV đang đón trở lại lượng bệnh nhân rất lớn với không ít trường hợp cần máu cấp cứu.

“Hiện BV đang phải huy động máu qua các câu lạc bộ, đội nhóm và chính người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên với nguồn lực có hạn, trong khi BV đang phải cung cấp máu cho các đơn vị điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 như BV Hoà Vang và BV Phổi nên số lượng máu hiện nay vẫn chưa đảm bảo” – bác sĩ Ánh cho hay.

“Mỗi giọt máu cho đi, một bệnh nhân sẽ ở lại”

Dự kiến, trong thứ 7 và chủ nhật tuần vừa qua, BV Đà Nẵng sẽ tổ chức hiến máu tại cộng đồng. Thế nhưng, bão số 5 làm ảnh hưởng khắp khu vực miền Trung nên các công tác này cũng phải tiếp tục tạm hoãn chờ thông báo mới. Trước tình hình đó, BV Đà Nẵng đã đưa ra thông báo kêu gọi đoàn viên thanh niên cũng chính là các nhân viên y tế trong BV hiến máu tình nguyện.

“Lời kêu gọi được đưa ra rất bất chợt, thế nhưng 9h thông báo thì chỉ vài phút sau, rất nhiều nhân viên y tế sau ca trực đã đến khoa để hiến máu. Chúng tôi thật sự rất ngại vì hơn ai hết, bản thân tôi hiểu rõ những đồng nghiệp của mình có người vừa đi chống dịch về, có người đang phải làm ở những khoa phòng rất căng thẳng, chăm sóc 24/24 cho người bệnh từ miếng cơm giấc ngủ. Họ rất vất vả thế nhưng họ vẫn sẵn sàng giúp đỡ bệnh nhân một cách âm thầm” – chị Ánh nói

Được chính đồng nghiệp của mình ngợi khen, song bác sĩ Phạm Minh An – Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, BV Đà Nẵng – nói rằng, đây chỉ là công việc “đến hẹn lại lên”. “Tôi tham gia hiến máu tại BV theo mỗi dịp có chương trình phát động. Làm việc ở một trong những khoa bệnh nặng của BV, tôi hiểu rõ việc cần máu cấp cứu cho bệnh nhân rất quan trọng để điều trị. Biết đâu số máu tôi hiến sẽ được dùng cho chính bệnh nhân của mình vượt qua cửa tử thì còn gì hạnh phúc hơn” – bác sĩ An chia sẻ.

Cùng “rủ đi” chung trong đợt hiến máu lần này, anh Lê Gia Lộc – nhân viên Phòng Chỉ đạo tuyến của BV – hớn hở cho biết, đêm trước đó, khoảng 20 đoàn viên thanh niên BV được điều động lên cơ quan chống bão. “Chúng tôi biết thông tin Khoa Huyết học Truyền máu chỉ còn chưa đến 100 đơn vị máu mà với tình hình thiên tai rồi bệnh cấp cứu như hiện nay thì sẽ rất khó. Việc huy động máu từ người nhà càng khó khi BV có quy định không cho người nhà bệnh nhân vào viện. Vậy nên, anh em rủ nhau sáng nay kêu gọi mọi người lên hiến máu, biết đâu giúp được cho nhiều bệnh nhân” – anh Lộc kể.

Tại Khoa Huyết học Truyền máu, không chỉ có những y bác sĩ như anh An, anh Lộc mà nhiều điều dưỡng còn đang mặc nguyên đồng phục khi vừa ra ca đến hiến máu. Những con người đó cũng chỉ mới bước ra khỏi các mặt trận chống dịch COVID-19 đã phải làm việc ngày đêm để tái thiết lại BV. Có lẽ với nhiều người, câu nói “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” sẽ có đôi chút mơ hồ, nhưng với những y bác sĩ, họ hiểu rõ hơn ai hết, mỗi giọt máu mình cho đi sẽ giúp bệnh nhân mà họ chăm sóc kề cận mỗi ngày có cơ hội được sống.

Theo báo Lao Động

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan