Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Dinh dưỡng cho người bệnh máu ác tính gặp tác dụng phụ do truyền hóa chất

Điều trị bệnh máu ác tính bằng hóa trị có thể làm suy yếu các tế bào khỏe mạnh, đặc biệt là tế bào máu mới trong tủy xương khiến người bệnh gặp tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, mất vị giác… Trong bài viết dưới đây, ThS. Phan Kim Dung, Trưởng khoa Dinh dưỡng và tiết chế, Viện Huyết học – Truyền máu TW sẽ có những lời khuyên dinh dưỡng nhằm giúp người bệnh hạn chế những tác dụng phụ do truyền hóa chất và nâng cao sức khỏe, thể trạng để tiếp tục điều trị lâu dài.

điều trị bệnh máu ác tính bằng hóa chất

1. Chán ăn/ ăn không ngon miệng

 

Việc chán ăn, ăn không ngon miệng sẽ khiến người bệnh giảm cân, ốm yếu và mệt mỏi. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị bệnh máu ác tính bằng hóa chất. Do đó, người bệnh và người chăm sóc có thể thực hiện theo những lưu ý sau:

  • Người bệnh không nên tự chuẩn bị bữa ăn, nhờ người nhà chuẩn bị cho đa dạng khẩu phần.
  • Chuẩn bị những bữa ăn nhỏ và dễ chế biến.
  • Trang trí đĩa ăn cho ngon miệng và hấp dẫn.
  • Có thể băm nhỏ hoặc xay nhuyễn để dễ ăn và ăn nhanh hơn.
  • Sử dụng bột protein, đạm Whey có thể cho thêm hoa quả, sữa ít béo hoặc chế biến dạng súp để tăng thêm hương vị.

Xem thêm: Chế độ ăn để khắc phục các tác dụng phụ do truyền hóa chất

2. Buồn nôn/ nôn

Buồn nôn/ nôn là một tác dụng phụ thường gặp của điều trị hóa chất. Việc thay đổi chế độ ăn, đọc sách, nghỉ ngơi, hoặc các hoạt động giải trí như chơi game, xem tivi, đánh cờ… có thể giúp người bệnh quên đi cảm giác buồn nôn. Cách khắc phụ cụ thể như sau:

  • Chia nhỏ bữa ăn từ 6-8 bữa/ngày.
  • Cho bệnh nhân ăn trước giờ điều trị.
  • Tránh các loại thức ăn nhiều gia vị, dầu mỡ, chất béo, nồng.
  • Ăn chậm, ăn các miếng nhỏ và các loại thức ăn dễ tiêu hóa.
  • Đánh lừa cảm giác buồn nôn bằng cách vừa ăn vừa kết hợp xem các chương trình giải trí, tiểu phẩm hài.
  • Trước bữa ăn không nên uống nước mà hãy dùng 1-2 giọt tinh dầu bạc hà hoặc tinh dầu chanh lên giấy ăn và hít mùi thơm trong vài phút để quên đi cảm giác buồn nôn.
  • Nhâm nhi 1 chút nước ấm với trà quế, mật ong, hoặc chanh mật ong.

3. Đau miệng/ mất vị giác/ khô miệng

 

Điều trị hóa chất có thể gây tổn thương tế bào bên trong miệng và họng gây đau do viêm loét, hoặc có thể bị nhiễm trùng. Ăn kiêng và vệ sinh răng miệng giúp giảm nguy cơ bị đau miệng. Triệu chứng này có thể khỏi hoàn toàn sau khi kết thúc điều trị.

  • Bệnh nhân đau miệng, loét miệng: ăn thức ăn nhạt, mềm, ẩm, chế biến thành miếng nhỏ, để nguội ở nhiệt độ phòng. Người bệnh nên tránh thức ăn nhiều gia vị chua, cay.
  • Mất vị giác: Sử dụng các loại kẹo vị cam, vị chanh để ngậm lấy lại vị giác. Chế biến món ăn tạo thêm hương vị (có thể dùng ít thịt chiên, nướng phết các loại gia vị để tìm lại vị giác).
  • Khô miệng: Sử dụng các loại thức ăn, đồ uống có vị chua ngọt (nước chanh, cam). Chế biến thức ăn mềm, lỏng, thường xuyên nhấp nước cho bệnh nhân để giữ môi ẩm.
  • Thường xuyên cho bệnh nhân súc miệng bằng nước muối sinh lý ấm trước và sau ăn.

Xem thêm: Chế độ ăn cho người bệnh máu ác tính

4. Rối loạn tiêu hóa: Tiêu chảy/ táo bón

Tiêu chảy và táo bón là một trong những tác dụng phụ hay gặp khi bệnh nhân bệnh máu ác tính được điều trị bằng hóa chất. Dưới tác dụng của hóa chất, các tế bào niêm mạc ruột bị phá hủy, gây giảm/mất khả năng hấp thu dịch và các chất dinh dưỡng, rối loạn bài tiết ruột, rối loạn chuyển động trong đường tiêu hóa.

Đối với bệnh nhân tiêu chảy:

  • Hạn chế tối đa việc sơ chế thực phẩm thớ to, chế biến chưa kỹ hay chứa nhiều chất béo và cay.
  • Hạn chế các thực phẩm như hành, tỏi, bắp cải, ngước có gas sẽ gây đầy hơi chướng bụng.
  • Bù nước điện giải, uống ít nhất một cốc nước sau mỗi lần tiêu lỏng (oresol, trà xanh…).

Đối với bệnh nhân táo bón:

  • Duy trì tăng cường chất xơ, nhiều rau hoặc yến mạch.
  • Không bỏ bữa, ăn chậm nhai kỹ.
  • Uống nhiều nước ấm và uống chậm.

5. Tăng cân không mong muốn (do dùng corticoid)

Một số loại thuốc hóa chất làm cho cơ thể có xu hướng bị giữ nước, bệnh nhân bồi bổ quá nhiều chất nhưng lại ít hoạt động thể lực cũng dẫn đến trọng lượng cơ thể tăng.

  • Hạn chế lượng muối trong thức ăn (ăn nhạt tương đối khoảng 4g muối/ngày).
  • Giảm bớt lượng thức ăn trong các bữa và chia thành nhiều bữa phụ.
  • Hạn chế ăn thức ăn vặt có lượng calo cao.
  • Giảm bớt chất béo có nguồn gốc động vật, tăng lượng protein thực vật.
  • Tăng các loại rau xanh đậm có lượng protein cao như rau ngót, rau dền, rau muống…
  • Đi bộ đều đặn hàng ngày nếu bác sĩ điều trị đồng ý.

Xem thêm: Tế bào gốc máu dây rốn ứng dụng điều trị bệnh máu ác tính như thế nào?

6. Nhiễm khuẩn sau điều trị hóa chất

Nhiễm khuẩn xảy ra khi hệ miễn dịch không thể nhanh chóng tiêu diệt các hoá chất xâm nhập vào cơ thể, đồng thời quá trình điều trị cũng làm yếu hệ miễn dịch. Do vậy các bệnh nhân bệnh máu ác tính thường đối mặt với nguy cơ bị nhiễm trùng rất cao.

  • Liên lạc với bác sĩ hoặc đến bệnh viện, nơi bệnh nhân đang được theo dõi điều trị.
  • Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng để phòng nhiễm khuẩn.
  • Vệ sinh sạch sẽ thường xuyên lau chùi và khử trùng các bề mặt nơi bệnh nhân hay tiếp xúc.
  • Không nên đến những nơi bị ô nhiễm, tránh tiếp xúc với người bệnh đang mắc các bệnh truyền nhiễm.

Tổng hợp & thiết kế: Gia Thắng; video: Lâm Tùng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan