“Đừng bỏ cuộc khi vẫn còn hy vọng!”
Phụ nữ vốn được mệnh danh là phái yếu, nhưng ẩn giấu bên trong vẻ ngoài mềm mại, dịu dàng ấy lại là những trái tim mạnh mẽ, kiên cường đến không ngờ. Những tâm sự dưới đây của chị Nguyễn Thị Hường (Nam Định) – người phụ nữ quả cảm trong cuộc chiến với ung thư máu – chính là một minh chứng cho điều ấy.
Dẫu phải đối mặt với bệnh ung thư máu ở tuổi 24 và gặp phải nhiều kết quả không như mong muốn, chị chưa bao giờ có ý định từ bỏ và “luôn mỉm cười chiến đấu tiếp, dù có xảy ra chuyện gì”.
“Cuối tháng 3-2020, sau khi sinh em bé được 2 tháng, cơ thể tôi bắt đầu suy kiệt. Tôi cảm thấy mệt mỏi, da xanh, đau đầu, sốt và bị nhiều vết bầm tím tay chân dù không va vào gì cả. Các dấu hiệu của bệnh càng nặng hơn như: đau đầu dữ dội, sốt, tắc sữa. Đầu tháng 5, tôi đi khám và phát hiện bị ung thư máu (lơ xê mi cấp thể M4) – một căn bệnh mà tôi nghĩ chỉ có trên phim.
Lúc đó, cả thế giới như sụp đổ: “Con mình mới được hơn 3 tháng thôi mà! Mình mà mất ai sẽ chăm con? Mình còn trẻ với bao khát vọng trong cuộc sống…” Tôi khóc rất nhiều nhưng may mắn thay, tôi được nhận những lời động viên từ chồng, bố mẹ 2 bên. Mọi người động viên tôi phải dũng cảm chiến đấu với bệnh tật để về với con. Tôi vực lại tinh thần, quyết tâm chữa bệnh.
Gia đình tôi đã tìm hiểu và chọn phương pháp ghép tế bào gốc – một phương pháp điều trị tốt nhất hiện giờ. Thế là tôi từ tầng 4 (Khoa Bệnh máu tổng hợp) chuyển lên tầng 8 (Khoa Ghép tế bào gốc) của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương với hy vọng “mình sẽ khỏi bệnh”.
Tôi được biết sẽ phải truyền ít nhất 3 đợt hóa chất rồi vào ghép. Lúc đó, tôi nghĩ đến con và tự nhủ: “Mình phải thật mạnh mẽ để vượt qua”.
Ngày đầu tiên truyền hóa chất, cơ thể tôi mệt mỏi, nôn, yếu, đi đâu cũng cần người dìu, sốt sữa. Tôi cảm giác như không thể vượt qua nổi. Nhưng được sự tận tâm của bác sỹ, sự chăm sóc của người thân, rồi dần dần tôi cũng ổn hơn.
Thực sự khi nghĩ lại khoảng thời gian trong ghép, tôi cũng khâm phục bản thân khi đó. Nhờ có tình yêu, sự quan tâm của cả nhà, tôi đã mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Trải qua 45 ngày trong ghép tôi cũng được về nhà. Cảm giác hạnh phúc biết bao!
Lúc được về nhà, bước vội xuống xe, tôi chạy nhanh vào nhà để ôm con. Nước mắt lăn dài trên má, thương con hơn 3 tháng đã không được bên mẹ. Nhìn thấy con, tôi hứa với lòng càng phải cố gắng chữa bệnh…
Thật hạnh phúc khi được ôm đứa con gái bé bỏng sau gần 3 tháng không được gặp. 3 tháng là khoảng thời gian không dài, nhưng với một người mẹ xa con, khoảng thời gian đó dài bất tận.
Từ lúc mẹ về, con “trông coi” cả bố, cả mẹ. Con sợ bố mẹ lại đi Hà Nội nữa. Cứ không thấy mẹ đâu lại gọi “Mẹ, mẹ ơi! Mẹ đâu rồi?”. Hạnh phúc đơn giản chỉ là mong được về với gia đình thôi.
Khi viết những dòng tâm sự này thì tôi đã truyền xong 3 đợt hóa chất khi bị tái phát rồi. Những đợt điều trị hóa chất sau này khiến tôi mệt hơn, sốt, ngứa, các chỉ số máu cũng lâu hồi phục hơn. Có những ngày tôi ko thể đi được vì chân rất đau. Thời gian nằm viện một đợt cũng kéo dài hơn.
Thật sự tôi rất may mắn vì khi bị bệnh luôn có chồng, có gia đình, có người thân, có bạn bè và mọi người hỗ trợ, giúp đỡ về cả tinh thần và vật chất. Nên dù bị bệnh, tôi vẫn vui vẻ, yên tâm chữa bệnh.
Tuy kết quả không như mong muốn, nhưng không sao, hiện tại tôi vẫn không từ bỏ, vẫn luôn mỉm cười chiến đấu tiếp, dù có xảy ra chuyện gì.
Tôi muốn gửi gắm lời cảm ơn sâu sắc nhất tới tất cả mọi người đã luôn quan tâm giúp đỡ lúc mình ốm đau, bệnh tật, khó khăn này. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến đội ngũ nhân viên y tế của Viện Huyết học – Truyền máu TW, Khoa Ghép tế bào gốc và cả những người đã hiến máu cho tôi.
Và nhất là chồng: “Cảm ơn anh vì tất cả! Anh đã luôn bên em, ba năm ròng rã đi viện chưa từng để em đi một mình, luôn chăm sóc, yêu thương và dành những điều tốt đẹp nhất đến cho em”.
Và nhất là tôi muốn gửi đến tất cả người bệnh ung thư như mình một thông điệp: “ĐỪNG BỎ CUỘC KHI VẪN CÒN HY VỌNG!”.
Trương Hằng (tổng hợp)
Ảnh: NVCC, Thiết kế: Gia Thắng
Bài viết liên quan
Chứng kiến nhiều ca cấp cứu nặng, nữ hộ sinh hiến máu 42 lần
18 Tháng Mười, 2022“Hằng ngày, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân đến cấp cứu, có những trường hợp vết thương nặng, mất nhiều máu cần phải truyền máu gấp, mà lượng máu thì…
Truyền gần 20 lít chế phẩm máu nhóm hiếm, cứu sống bệnh nhân sốt rét ác tính người Bỉ
18 Tháng Mười, 2022Một giáo sư nông nghiệp người Bỉ sau chuyến công tác tại Bờ Biển Ngà về Việt Nam thì mắc bệnh hiếm gặp, gần như đã xóa sổ tại Việt…
Xét nghiệm tầm soát ung thư giá bao nhiêu?
05 Tháng Mười Một, 2021Bệnh ung thư đang trở thành nỗi ám ảnh với rất nhiều người. Trên thế giới, số lượng bệnh nhân mới và tử vong do bệnh ung thư đều có…
Khai trương Tổng đài đặt lịch hẹn khám theo yêu cầu
05 Tháng Chín, 2022“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” – đó là điều mà ai ai cũng hiểu và cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, người dân ngày càng…