Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Dược lâm sàng – Nét mới trong hội nghị Huyết học – Truyền máu toàn quốc

Năm nay, Dược lâm sàng là một trong những nội dung được quan tâm hơn so với các kỳ hội nghị trước. Phiên riêng của Dược lâm sàng đã diễn ra chiều 29/11 với 9 báo cáo của các bệnh viện.

GS.TS. Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc trung tâm DI & ADR Quốc gia, Trường Đại học Dược Hà Nội; TS. Vũ Duy Hồng, Trưởng khoa Dược, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chủ trì phiên hội thảo.

Các đại biểu dự phiên Dược lâm sàng

Mở đầu phiên, TS. Vũ Duy Hồng đã trình bày tổng quan về hoạt động của khoa Dược trong đảm bảo hỗ trợ điều trị và an toàn thuốc tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Hiện nay, công việc của khoa Dược gồm 6 nhóm nghiệp vụ: dược lâm sàng – thông tin thuốc; kho – cấp phát thuốc; nghiệp vụ dược; nhà thuốc; thống kê dược; pha chế thuốc độc tế bào. Trong đó, dược lâm sàng đa dạng các hoạt động như đi buồng, hội chẩn ca bệnh; thông tin thuốc – tư vấn sử dụng thuốc; thử nghiệm lâm sàng pha II, pha III; báo cáo ADR; đào tạo – nghiên cứu khoa học.

TS. Vũ Duy Hồng trình bày tổng quan về hoạt động của khoa Dược trong đảm bảo hỗ trợ điều trị và an toàn thuốc tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Thực tế triển khai các hoạt động Dược lâm sàng tại khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là nội dung báo cáo của ThS. Phạm Minh Tuấn, Phó trưởng khoa Dược tại hội nghị.

ThS. Phạm Minh Tuấn và ThS.BS. Lê Mai Linh, Khoa Ghép tế bào gốc cùng báo cáo về hoạt động dược lâm sàng. Điều này cũng thể hiện sự phối hợp giữa dược sĩ lâm sàng và bác sĩ trong điều trị.

Cụ thể, hoạt động nổi bật của dược sĩ lâm sàng gồm đi buồng: 3-4 buổi/tuần, hội chẩn thường quy sau đi buồng, hội chẩn các ca bệnh khó như bệnh ghép chống chủ, điều trị nhiễm khuẩn, hội chẩn đa chuyên khoa trong nước và nước ngoài, xây dựng danh mục các cặp tương tác thuốc và cách xử trí… Với những hoạt động này, dược lâm sàng có vai trò hỗ trợ hiệu quả trong điều trị người bệnh ghép tế bào gốc như quản lí sử dụng thuốc trước, trong, sau ghép; hiệu chỉnh liều thuốc; hỗ trợ quản lí các bệnh mắc kèm; hỗ trợ xây dựng SOP điều trị.

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc trung tâm DI & ADR Quốc gia, Trường Đại học Dược Hà Nội cho rằng trong huyết học, vấn đề rõ ràng nhất mà các dược sĩ có thể tiếp cận được ngay là vấn đề nhiễm trùng huyết và quản lý kháng sinh. Nếu có một công cụ hỗ trợ cho các bác sĩ trong quá trình chuẩn hoá phác đồ điều trị tối ưu chế độ liều để làm tăng hiệu quả điều trị và giảm độc tính như công việc mà các dược sĩ tại Viện Huyết học – Truyền máu TW đã bước đầu thực hiện thì sẽ rất có ý nghĩa cho thực hành lâm sàng.

Tại phiên toàn thể, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh đã có báo cáo “Tổng quan về hoạt động Dược lâm sàng trong chuyên khoa Huyết học và một số suy nghĩ áp dụng tại Việt Nam”.

Phiên Dược lâm sàng diễn ra sôi nổi với báo cáo từ nhiều bệnh viện.

ThS. Nguyễn Lê Trang, Bệnh viện Vinmec Smart City với báo cáo “Vai trò của dược sĩ lâm sàng trong quản lý hội chứng tắc tĩnh mạch xoang gan (VOD) trên trẻ em mắc Thalassemia major sau ghép tế bào gốc”.

ThS. Lê Thị Hồng Anh, Khoa Dược, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương báo cáo “Phân tích kết quả triển khai quy trình hiệu chỉnh liều vancomycin thông qua giám sát nồng độ thuốc trong máu tại khoa điều trị hóa chất (H7), Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương”.

TS. Ngô Tất Trung, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 báo cáo “Giá trị của phương pháp không nuôi cấy trong phát hiện nhanh vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết – tiềm năng ứng dụng trên nhóm bệnh máu ác tính”.

DS. Trần Duy Anh, Khoa Dược, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương báo cáo “Nghiên cứu xây dựng mô hình dự đoán Klebsiella pneumoniae và Escherichia coli sinh β-Lactamase phổ rộng trên bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương”.

ThS. Nguyễn Thu Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương báo cáo “Thực trạng sử dụng thuốc trung hòa – giải độc trong xử trí thoát mạch tại Trung tâm Ung thư – Bệnh viện Nhi Trung ương”.

DSCKII. Phùng Quang Toàn, Bệnh viện K báo cáo “Sự khác biệt của các công thức Asparaginase”.

DS. Võ Ngọc Thanh, Bệnh viện Truyền máu – Huyết học báo cáo “Phản ứng có hại cần lưu ý của các dạng thuốc Asparaginase: từ lý thuyết đến thực tế lâm sàng”.

Tặng hoa cho chủ trì phiên hội thảo

Tặng hoa chúc mừng các báo cáo viên đã hoàn thành nhiệm vụ

Hải Yến – Ảnh: Gia Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan