Ghép tế bào gốc tạo máu được tiến hành như thế nào?
Có rất nhiều người nghĩ rằng ghép tế bào gốc tạo máu là một ca phẫu thuật, cấy ghép… Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Mỗi người bệnh ghép tế bào gốc sẽ phải trải qua một bước rất quan trọng là điều trị hóa chất/tia xạ liều cao, gọi là phác đồ “điều kiện hóa”.
Bước điều trị này không phải là những phác đồ điều trị hóa chất tiêu chuẩn thông thường mà sử dụng các loại hóa chất khác, liều cao hơn, có tác dụng mạnh hơn. Sau khi truyền hóa chất/tia xạ điều kiện hóa, người bệnh sẽ được truyền tế bào gốc.
Các y bác sĩ đang truyền tế bào gốc cho người bệnh trong phòng cách ly
Điều kiện hóa trong ghép tế bào gốc tạo máu
Điều kiện hóa trong ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài có nghĩa là chuẩn bị người bệnh trước khi truyền tế bào gốc tạo máu của người hiến khỏe mạnh. Điều kiện hóa trong ghép đồng loài được tiến hành nhằm 3 mục tiêu chính:
– Tạo ra “khoảng trống” trong tủy xương người nhận, giúp cho tế bào gốc của người hiến “mọc” được trong cơ thể người nhận hay chính là giúp mọc mảnh ghép.
– Ức chế miễn dịch của cơ thể người nhận, giúp ngăn ngừa thải ghép. Tác dụng ức chế miễn dịch cần phải mạnh hơn khi tiến hành ghép cho các trường hợp người bệnh và người hiến có bất đồng về HLA. Nguy cơ thải ghép cũng tăng cao ở những người bệnh đã có mẫn cảm với các kháng nguyên đồng loài như là truyền máu nhiều lần trước ghép.
– Điều kiện hóa giúp đẩy lui bệnh trong thời gian dài, tạo điều kiện cho tế bào gốc của người hiến phát triển, biệt hóa và gây ra hiệu ứng mảnh ghép chống khối u. Đây chính là mục tiêu chính của điều kiện hóa trong ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài cho nhóm bệnh máu ác tính.
Điều kiện hoá trong ghép tự thân: Không phải là phác đồ hóa chất tiêu chuẩn thông thường mà sử dụng các loại hóa chất khác, liều cao hơn, có tác dụng mạnh hơn, giúp tiêu diệt tối đa các tế bào ác tính nhằm mục đích bệnh lui sâu thêm, do đó lâu tái phát hơn. Sau đó có sự hỗ trợ của tế bào gốc của người bệnh.
Trong quá trình ghép tế bào gốc, người bệnh phải trải qua một khoảng thời gian dài trong phòng cách ly và được chăm sóc toàn diện.
Truyền tế bào gốc tạo máu
Tế bào gốc giúp phục hồi tạo máu: sau khi dùng hóa chất/tia xạ liều cao, khối tế bào gốc được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch và lan tỏa đến các khoang sinh máu ở tất cả các xương trong cơ thể.
Tại đây, chúng sẽ tăng sinh, phát triển thành các tế bào tạo máu mới, thay thế cho các tế bào vừa bị tiêu diệt bởi hóa chất/tia xạ, giúp cho người bệnh hết thiếu máu, nhiễm trùng, xuất huyết do bệnh cũ hoặc do biến chứng của phác đồ “điều kiện hóa”.
Trong ghép đồng loài điều trị các bệnh ác tính: Có hiệu ứng ghép chống khối u hay chống lơ-xê-mi. Đó là nhờ Tế bào gốc vào cơ thể sẽ sinh ra các tế bào miễn dịch. Các tế bào này coi những tế bào ung thư như những “kẻ thù” và sinh ra các hiệu ứng miễn dịch để tiêu diệt chúng, giống như tiêu diệt các vi khuẩn/vi-rus lạ thông thường trong cơ thể. Nhờ đó, tế bào ung thư không có cơ hội trỗi dậy gây tái phát.
Ghép tế bào gốc tạo máu điều trị những bệnh nào?
Ghép tự thân
- Bệnh ác tính: Đa u tủy xương, U lympho Hodgkin, U lympho không Hodgkin, Lơ-xê-mi cấp tiền tuỷ bào….
Ghép đồng loài
- Bệnh ác tính: Lơ-xê-mi cấp dòng tủy và lympho, U lympho Hodgkin, U lympho không Hodgkin, Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt, Hội chứng rối loạn sinh tủy;
- Bệnh lành tính: Suy tủy xương, Đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm, Thiếu máu Fanconi, Thalassemia, Thiếu máu Diamond-Blackfan…
Bài viết liên quan
Các phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu
06 Tháng Một, 2021Ghép tế bào gốc tạo máu có thể ứng dụng điều trị cho nhiều bệnh máu, bao gồm cả bệnh máu ác tính và lành tính. Phương pháp ghép tế…
Cậu bé ung thư máu kiên cường trải qua ba lần ghép tế bào gốc
01 Tháng Một, 2021Ung thư máu vốn được coi như “án tử” với bất cứ ai mang trong mình căn bệnh quái ác này. Người lớn mang bệnh đã đau đớn, những em…
“Viện đã cho tôi sự sống mới, tình yêu thương và sự sẻ chia”
24 Tháng Mười Hai, 2019“Với tôi, Viện Huyết học – Truyền máu TW không đơn thuần chỉ là bệnh viện mà đây còn là nơi cho tôi cảm giác của một gia đình. Nơi…
Ghép tế bào gốc – cuộc chiến “sinh tử” với nhiều người bệnh
30 Tháng Mười Hai, 202022 tuổi, cô gái quê Hà Tĩnh chỉ có một sự lựa chọn duy nhất để sống đó là ghép tế bào gốc. Nếu thành công cô sẽ sống khỏe…
Tại sao nên gửi tế bào gốc máu dây rốn tại Viện Huyết học – Truyền máu TW?
09 Tháng Tám, 2022Lựa chọn địa chỉ tin cậy để lưu giữ tế bào gốc máu dây rốn (máu cuống rốn) là một trong những mối quan tâm hàng đầu với các bà…