Hành trình đến các “địa chỉ đỏ” của những “trái tim xanh” Viện Máu
“Mùa hè năm nay của tôi, những ngày tháng 7 lịch sử, tôi được là một thành viên của “hành trình xanh” đi đến những “địa chỉ đỏ”. Hai màu Xanh – Đỏ không phải là để phân biệt như cây cầu Hiền Lương 2 màu năm xưa chia cắt đất nước, mà chính là sự lương thiện hòa cùng nhiệt huyết, là năng động đi cùng mạnh mẽ…”, BS. Đoàn Thị Thu Hằng, khoa Tế bào – Tổ chức học đã chia sẻ về chuyến hành trình đầy ý nghĩa của tuổi trẻ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.
Từ ngày 13 – 16/7/2023, Đoàn Thanh niên Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tổ chức hành trình tri ân về các “địa chỉ đỏ” ở miền Trung và trao tặng nhà nhân ái cho gia đình cựu chiến binh tại tỉnh Quảng Trị.
Hành trình thiêng liêng, nhân văn, xứng đáng
Hành trình đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Viện và lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện.
Đồng chí Nguyễn Quốc Huy, Bí thư Đoàn Thanh niên Viện cho biết: “Chỉ trong 3 ngày, 3 đêm với tổng quãng đường gần 1.500 km, Đoàn Thanh niên Viện Máu đã tổ chức thành công, an toàn hành trình nhân ái tại các tỉnh miền Trung. Đây là một trong những hoạt động điểm nhấn của tuổi trẻ Viện trong năm 2023, và càng thêm phần ý nghĩa khi diễn ra trong tháng 7 – tháng tri ân, thể hiện truyền thống “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, thể hiện tình cảm và trách nhiệm, tấm lòng tri ân với các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh và người có công với cách mạng. Đồng thời cũng là cơ hội để học tập, làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hi vọng chuyến đi sẽ góp phần bồi đắp niềm tự hào dân tộc, trân trọng quá khứ, hiểu hơn về những giá trị lịch sử của đất nước để mỗi thành viên thêm nỗ lực, cống hiến, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng”.
Trong buổi sáng đầu tiên, Đoàn Thanh niên Viện đã có mặt tại tỉnh Quảng Trị – vùng “đất lửa” anh hùng của Tổ quốc, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, kiên cường, bất khuất. Không phải ngẫu nhiên mà trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có đến 4 di tích quốc gia đặc biệt.
Các thành viên trong đoàn đã thành kính dâng hương, dâng hoa, lắng nghe lại những câu chuyện về những ngày tháng khốc liệt của cuộc chiến 81 ngày đêm đỏ lửa (28/6 – 16/9) năm 1972 tại Di tích quốc gia đặc biệt – Thành cổ Quảng Trị.
Thành kính dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị.
Hành trang của những người lính rất trẻ ngày ấy chỉ là một chiếc mũ tai bèo, một đôi dép cao su, một bi đông nước, một khẩu súng AK và một chiếc ba lô – tất cả được trưng bày ở gian giữa Đài tưởng niệm trung tâm – nơi được coi như nấm mồ chung của tất cả các liệt sĩ. Hành trang giản dị nhưng với khát vọng, hòa bình, các anh đã anh dũng vượt qua mưa bom bão đạn; hàng ngàn chiến sĩ đã vượt sông Thạch Hãn để chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất ở Thành cổ, góp phần làm nên thắng lợi của Hiệp định Paris.
Đoàn Thanh niên Viện lắng nghe câu chuyện về những người lính Thành cổ Quảng Trị bên hành trang giản dị của họ.
Tại Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), tuổi trẻ của Viện đã dâng hoa, dâng hương và bày tỏ lòng tri ân, kính trọng đối với nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Quảng Trị. Đồng chí Lê Duẩn đã tham gia đội ngũ những người cộng sản ngay từ khi Đảng mới ra đời, với gần 60 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 26 năm trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng.
Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Tuổi trẻ Viện Huyết học – Truyền máu TW đã đến thăm, tặng quà cho 03 gia đình chính sách tại thị xã Quảng Trị, gồm: mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Vui (102 tuổi), mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Phước (95 tuổi) và thương binh Dương Văn Thiết (85 tuổi).
Đoàn tới thăm và kính chúc sức khỏe mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Phước (95 tuổi).
Thăm mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Vui (102 tuổi) tại thị xã Quảng Trị.
Cựu chiến binh Dương Văn Thiết và vợ cùng là thương binh, đang sống tại thị xã Quảng Trị.
Cựu chiến binh Dương Văn Thiết căn dặn thế hệ trẻ: “Thế hệ các Ông đã không tiếc xương máu, không ngại hi sinh để nước ta có nền độc lập, tự do. Giờ các cháu cố gắng thật nhiều nhé”.
TS. Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng cùng Đoàn Thanh niên chụp ảnh với gia đình cựu chiến binh Lê Ngọc Lộc (xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ) – gia đình được Viện hỗ trợ Nhà nhân ái.
Thăm và tặng quà gia đình chính sách tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Chiều cùng ngày, Đoàn Thanh niên Viện cùng với đoàn Hành trình Đỏ tỉnh Quảng Trị đã tổ chức viếng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cam Lộ.
Thắp hương các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cam Lộ.
Tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 – nơi yên nghỉ của một vạn các anh hùng, liệt sĩ, TS. Vũ Đức Bình – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng đã thỉnh chuông và cùng các đoàn viên, thanh niên dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm, tri ân công lao to lớn của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Chuyến hành trình tới các “địa chỉ đỏ” của Viện còn dừng chân tại Di tích quốc gia đặc biệt: Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất” và Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ nam sông Bến Hải. Sông Bến Hải và cầu Hiền Lương là “nhân chứng lịch sử”, mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước thành hai miền Nam – Bắc suốt hơn 20 năm ròng rã. Vì thế mà cầu Hiền Lương được ví như “cây cầu dài nhất thế giới”, dù có chiều dài chưa đến 200 mét, nhưng lại mất đến hơn 20 năm để đi được từ bờ Bắc đến bờ Nam sông Bến Hải.
Niềm hân hoan của tuổi trẻ khi được sống trong hòa bình, độc lập.
Thăm địa đạo Vịnh Mốc (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), các thành viên đều hết sức “kinh ngạc” và ấn tượng về sức sáng tạo, sự hi sinh của quân và dân Quảng Trị khi trong điều kiện hết sức khó khăn đã đào được “kỳ tích trong lòng đất”.
Địa đạo gồm 3 tầng, 13 cửa ra vào (6 cửa thông lên đồi, 7 cửa thông ra biển), đủ các địa điểm như: hội trường, nhà hộ sinh, bếp nấu ăn… Sức chứa cao điểm của địa đạo có thể lên tới 600 người, sống liên tục trong 6 năm, có 17 đứa trẻ được sinh ra tại đây. Địa đạo Vịnh Mốc cùng với các địa đạo khác đã tạo nên hệ thống 114 địa đạo và hệ thống làng hầm của huyện Vĩnh Linh, cũng được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Chỉ ít ngày nữa sẽ diễn ra các hoạt động kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc và tưởng niệm 55 năm ngày hi sinh của 10 nữ Anh hùng liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc, kỷ niệm 55 năm chiến tích Làng K130. Đoàn Thanh niên Viện Máu cũng may mắn có mặt tại Ngã ba Đồng Lộc đúng dịp kỷ niệm trọng đại này.
Viếng 10 nữ liệt sĩ Thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc.
Tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
Thăm quê Bác tại Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.
Viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cảm xúc thiêng liêng đọng lại
Với các thành viên tham gia thì đây là “chuyến đi đầy ý nghĩa thiêng liêng, nhân văn và trọn vẹn yêu thương” nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023) và hưởng ứng Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2023. Nhiều người trong đoàn lần đầu tiên được đặt chân đến những địa danh lịch sử này.
ThS. Trần Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Hemophilia xúc động bày tỏ: “Chỉ vẻn vẹn hơn 72 giờ, chúng ta đã đồng hành cùng nhau, qua một loạt các địa chỉ đỏ cách mạng của miền Trung. Những miền đất ấy, hòa bình ngày nay của đất nước ta là nhờ biết bao công ơn, sự sống, xương máu, nhiệt huyết, thanh xuân tuổi trẻ….. của chiến sĩ mọi miền và đồng bào nơi đó… Với cá nhân tôi, đây là một chuyến đi đầy cảm xúc thiêng liêng, xúc động và giá trị, là những trải nghiệm sẽ mãi được khắc ghi trong tâm khảm”.
ThS. Trần Thị Mỹ Dung xúc động khi nghe câu chuyện về sự hi sinh của những người lính Thành cổ Quảng Trị.
Cảm thấy rất may mắn và biết ơn về những trải nghiệm khó phai khi lần đầu được đặt chân đến nơi mình từng tâm nguyện, BS. Đoàn Thị Thu Hằng, khoa Tế bào – Tổ chức học chia sẻ: “Tôi nhỏ bé vô cùng nhưng tôi cảm thấy quá hạnh phúc và may mắn khi tuổi thanh xuân của tôi được điểm tô kỹ lưỡng bởi nhiều sắc màu yêu thương, năng lượng tích cực. Vượt qua nắng nóng, chúng tôi – đoàn viên, thanh viên của Viện đã cùng nhau có những kỷ niệm, trải nghiệm về hoạt động thiện nguyện, tìm hiểu lịch sử, dành sự biết ơn trọn vẹn nhất với các Anh hùng dân tộc, các thế hệ ông cha đi trước”.
Với ThS. Triệu Thị Biển, Phó trưởng phòng Quan hệ công chúng, “Chúng mình đã di chuyển quãng đường bằng nửa chiều dài đất nước, đặt chân đến những mảnh đất mà chỉ 1 mét vuông đất thôi đã từng phải hứng chịu trung bình 3 quả bom cày xới, bước đi trên cây cầu “dài nhất thế giới”; gặp gỡ những người dân chất phác mà anh dũng, kiên trung!”.
Không chỉ là hành trình giáo dục truyền thống lịch sử, chuyến đi còn mang ý nghĩa tạo sự gắn kết. Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Phương cho biết: “Tôi chân thành biết ơn Ban Lãnh đạo Viện, BCH Đoàn Thanh niên đã tổ chức và cho tôi được tham gia hành trình vô cùng ý nghĩa và nhân văn. Tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết và tình đoàn kết trong tập thể”.
Mang trong mình “trái tim xanh” nhiệt huyết, tinh thần chủ động, sáng tạo, khoác trên mình màu áo xanh tuổi trẻ, màu áo đỏ của niềm tự hào dân tộc, màu của quốc kỳ, màu của máu… Đoàn Thanh niên Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã cùng nhau tạo nên chuyến hành trình tới các “địa chỉ đỏ” vô cùng ấn tượng, là dấu ấn trong hành trình thanh xuân của mỗi cá nhân.
Thảo Nguyên, ảnh: Trần Chiến
Bài viết liên quan
Khánh thành nhà nhân ái tại Quảng Trị do cán bộ, nhân viên Viện Máu trao tặng
16 Tháng Bảy, 2023Chiều 14/7/2023, tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, Đoàn Thanh niên Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị đã tổ…
Hành trình tri ân của Tuổi trẻ Viện Máu tại Vị Xuyên
27 Tháng Bảy, 2022Ngày 22/7/2022 vừa qua, trong khuôn khổ các hoạt động của Hành trình Đỏ tại tỉnh Hà Giang và kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, Đoàn…