Hội nghị khoa học toàn quốc và những đóng góp thầm lặng sau cánh gà
Hội nghị khoa học Huyết học – Truyền máu toàn quốc năm 2022 đã diễn ra thành công tốt đẹp trong 2 ngày 24-25/11 vừa qua, hoàn thành tốt các nội dung đề ra.
TS. Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW, Phó trưởng Ban tổ chức khẳng định: “Chúng ta đã có 2 ngày làm việc với tinh thần nghiêm túc, tập trung, trách nhiệm và hiệu quả. Hội nghị với 146 bài đăng trên Tạp chí Y học Việt Nam và 15 phiên với 85 bài báo cáo; các chuyên luận và báo cáo khoa học được trình bày lần này có nhiều kiến thức mới và cập nhật, hàm lượng khoa học và tính ứng dụng cao, là cơ sở để các cán bộ y tế, các nhà khoa học tiếp tục nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn về lĩnh vực Huyết học – Truyền máu”.
Phía sau thành công của “diễn đàn” khoa học này, bên cạnh sự quan tâm của Tổng hội Y học Việt Nam, Bộ Y tế; tâm huyết của các Thầy/Cô là thành viên Hội đồng khoa học, Hội đồng cố vấn, Chủ trì các phiên báo cáo; sự chuẩn bị chu đáo của các báo cáo viên; sự đồng hành của các đơn vị tài trợ, là đóng góp thầm lặng của các bộ phận trong Ban tổ chức, hậu cần.
Khi các bác sĩ sắm vai phiên dịch viên
Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, hội nghị đánh dấu sự trở lại của các chuyên gia quốc tế báo cáo tại phiên toàn thể. Bất đồng ngôn ngữ khiến không thể thiếu vai trò của những phiên dịch viên để giúp tất cả đại biểu tham dự có thể tiếp thu, lĩnh hội kiến thức tốt nhất.
Khác với các kỳ Hội nghị trước, nhiệm vụ phiên dịch của PGS. TS. Nguyễn Hà Thanh và trước nữa là cả TS. BS. Bạch Quốc Khánh, lần này trọng trách được trao cho các bác sĩ trẻ của Viện. Và họ đã hoàn thành vai trò đầy xuất sắc, thuyết phục.
Nhóm phiên dịch chụp ảnh cùng PGS. TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng.
Biên dịch tài liệu y học đã khó, phiên dịch cabin còn khó khăn và áp lực hơn rất nhiều, nhất là dịch song song. Vừa phải chuẩn bị kỹ lưỡng và làm việc với cường độ cao, vừa chăm chú nghe và dịch liên tục, song song với nội dung chuyên gia đang báo cáo.
ThS. BS. Nguyễn Vũ Bảo Anh, Phó trưởng khoa Ghép tế bào gốc vô cùng thấu hiểu áp lực này vì trước đây đã nhiều lần đảm nhiệm vai trò trợ lý dịch cho PGS. Thanh hay TS. Khánh.
Chia sẻ thêm về công việc này, TS. BS. Nguyễn Bá Khanh – Phụ trách Ngân hàng Tế bào gốc cho biết: “Dịch cabin rất khó, cộng thêm với các kiến thức y học chuyên ngành, nên Tiếng Anh giỏi chưa chắc đã dịch thành công.
Điều thuận lợi nhất đối với chúng tôi là đã có thời gian công tác tại Viện lâu dài, nên khi được giao nhiệm vụ, dù có lo lắng và hồi hộp, nhưng khi Ban lãnh đạo Viện đặt nhiều niềm tin, chúng tôi sẵn sàng cố gắng”.
TS. Nguyễn Bá Khanh (trái) và ThS. Nguyễn Vũ Bảo Anh với khoảnh khắc hào hứng trước giờ “lên sóng”.
Biểu dương và cảm ơn đội ngũ phiên dịch của Hội nghị, TS. BS. Bạch Quốc Khánh – Trưởng Ban tổ chức bộc bạch: “Đây là lớp phiên dịch kế cận tiếp sau PGS. Thanh. Theo đánh giá chủ quan của cá nhân tôi, họ đã làm tròn vai, xuất sắc hơn tôi trước đây, đóng góp quan trọng vào sáng đầu tiên của Hội nghị”.
Giống như khoảnh khắc đi thi, hồi hộp và lo lắng là những cảm xúc không thể tránh khỏi, bác sĩ nội trú trẻ Cao Hà My đã có những chia sẻ thú vị về lần đầu tiên làm phiên dịch viên cabin: “Em đã có một chút lợi thế Tiếng Anh trước khi học tập trở thành bác sĩ, cũng thỉnh thoảng nhận biên dịch sách, truyện. Tuy nhiên, phiên dịch viên cabin là vai trò hoàn toàn khác khi não phải hoạt động liên tục để đảm bảo các chuyên gia nước ngoài vừa nói hết câu là phải dịch sang ngay Tiếng Việt. Nếu chậm 1 tích tắc hoặc thiếu tập trung, người phiên dịch sẽ đánh mất thông tin, thậm chí người nghe sẽ không hiểu gì cả” .
Trước đó, Hà My đã có cơ hội phiên dịch cho TS. Richard khi ông giảng về suy tủy xương cho cán bộ của Viện nên đã nắm bắt được tông giọng, cách nói chuyện và phát âm để công việc được thuận lợi hơn. “Dù còn cần trau dồi nhiều hơn, nhưng và cả nhóm đã hoàn thành được tốt nhiệm vụ truyền tải nội dung đến các đại biểu”, My chia sẻ.
Từ trái sang phải: BSNT Cao Hà My, TS. Nguyễn Bá Khanh, ThS. Nguyễn Vũ Bảo Anh và BSNT. Khánh Hà với món quà cảm ơn từ Trưởng Ban tổ chức sau khi đã hoàn thành vai trò phiên dịch tại phiên báo cáo của các chuyên gia quốc tế.
“Hậu cần” nhưng luôn đi trước về sau
Là bộ phận thường trực Ban tổ chức, Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến của Viện Huyết học – Truyền máu TW đã bắt tay vào công tác chuẩn bị, lên kế hoạch gần như từ kỳ Hội nghị 2 năm trước và trở nên tất bật hơn từ 1 năm nay.
Từ việc xin phép tổ chức, xây dựng kế hoạch, tập hợp các báo cáo, tiếp nhận đăng ký cho đến toàn bộ các công tác chuẩn bị, set up đều được bộ phận thường trực này thực hiện cẩn thận, tỉ mỉ. Càng gần đến ngày sự kiện, áp lực và khối lượng công việc càng nhiều hơn.
Ban Lãnh đạo Viện, Ban tổ chức chụp ảnh cùng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến bên lề Hội nghị.
Phương án đón tiếp, in thẻ, in giấy chứng nhận cho đại biểu cũng được lên phương án, để phục vụ tốt nhất cho số lượng đông nhất từ trước đến nay – 1.500 đại biểu.
Bộ phận thư ký của Hội nghị đã giúp ghi chép ý kiến tại các phiên thảo luận, hỗ trợ báo cáo viên chuẩn bị báo cáo tự tin nhất, tổng hợp điểm thi báo cáo viên trẻ…
Thảo Nguyên – Gia Thắng, ảnh: Trần Chiến
Bài viết liên quan
Khai mạc Hội nghị khoa học Huyết học – Truyền máu toàn quốc 2022
24 Tháng Mười Một, 2022Sáng nay 24/11/2022, Hội nghị khoa học Huyết học – Truyền máu toàn quốc năm 2022 đã khai mạc tại Hà Nội. TS. BS. Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng…
Phiên toàn thể Hội nghị Huyết học – Truyền máu toàn quốc 2022
24 Tháng Mười Một, 2022Sau lễ khai mạc sáng nay 24/11 đã diễn ra các phiên toàn thể của Hội nghị khoa học Huyết học – Truyền máu toàn quốc năm 2022. Toàn bộ…
Cuộc thi báo cáo viên trẻ: Hoạt động ý nghĩa dành cho các cán bộ trẻ
26 Tháng Mười Một, 2022Trong nhiều kỳ Hội nghị khoa học Huyết học – Truyền máu toàn quốc, Ban Tổ chức đều dành riêng thời lượng cho cuộc thi Báo cáo viên trẻ. Đây…
Trường hợp hiếm gặp: Người nhóm máu A và có kháng nguyên B mắc phải
26 Tháng Mười Một, 2022Tại Hội nghị khoa học Huyết học – Truyền máu toàn quốc diễn ra ngày 24-25/11 vừa qua, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã báo cáo một…