Khoác lên mình chiếc áo đỏ, đi khắp nẻo phố vận động hiến máu
Được nghỉ tết sớm nhưng những bạn trẻ không lựa chọn về nhà ngay, thay vào đó họ đi khắp nẻo phố Hà Nội tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện với mong muốn ‘thêm một ngày sẽ thêm nhiều đơn vị máu cứu giúp người bệnh’.
|
Bốn năm tham gia Chi hội thanh niên vận động hiến máu 8-5 (Hà Nội), Đỗ Hồng Sơn, 22 tuổi, chia sẻ mỗi năm đến dịp tết thường xảy ra tình trạng khan hiếm máu.
Do đó, 2 tuần trước tết là thời gian cao điểm các bạn trẻ tích cực vận động, tuyên truyền người dân thủ đô tham gia hiến máu tình nguyện để đảm bảo nguồn cung cấp máu điều trị cho bệnh nhân, tránh tình trạng khan hiếm máu dịp cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán.
Hai sinh viên Trần Yến Nhi và Nguyễn Công Thành làm nhiệm vụ đưa máu vào tủ đông để kịp thời chuyển đến bệnh viện- Ảnh: HÀ THANH
1 người hiến máu, cứu được 3 người
22 tuổi, Sơn có “thành tích khủng” với 23 lần hiến máu tình nguyện. “Lần đầu tiên hiến máu cũng thấy sợ chứ” – Sơn cười hiền. Nhưng từ những lần sau, cậu quyết tâm tham gia chi hội vận động hiến máu, trở thành tình nguyện viên tích cực đi tuyên truyền, vận động người dân hiến máu tình nguyện.
Sơn nhớ mỗi lần đến bệnh viện nhìn thấy bệnh nhi, bệnh nhân mắc căn bệnh về máu đang ngày đêm chống chọi với bệnh tật đã thôi thúc cậu nỗ lực đóng góp hết sức trẻ của mình để giúp đỡ người bệnh.
“Trong gia đình từng có người mắc căn bệnh về máu nên tôi rất hiểu và đồng cảm với người bệnh. Xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, từ tình cảm của bản thân, mỗi lần hiến máu tôi rất vui vì được góp phần nhỏ công sức của mình, bởi khi hiến một đơn vị máu bạn có thể cứu được ít nhất ba người” – chàng sinh viên bộc bạch.
Sau 4 năm, Sơn khoác lên mình màu áo đỏ với vai trò chi hội phó Chi hội thanh niên vận động hiến máu 8-5, năng nổ hướng dẫn “lớp đàn em” có mong muốn tham gia chi hội để mang về những đơn vị máu quý giá.
Theo lịch học, ngày 21-1 vừa qua trường đã cho sinh viên năm cuối nghỉ tết sớm, nhưng Sơn quyết định ở lại thủ đô, đăng ký trực tối đa 2 tuần cao điểm để cùng chi hội phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu trung ương tổ chức chương trình “Xuân tình nguyện”, dự kiến sau chương trình sẽ mang về 800 đơn vị máu phục vụ trong dịp tết.
“Về nhà muộn một ngày cũng không sao, thay vào đó mình ở lại ngày nào sẽ cố gắng vận động thêm được nhiều đơn vị máu ngày đó. Tết này có bệnh nhân phải gắn bó với bệnh viện chẳng thể về quê được, vì vậy trước tết mình dành thời gian hỗ trợ người bệnh” – Sơn chia sẻ.
Mấy ngày nay, cô sinh viên Trần Yến Nhi (20 tuổi, Trường ĐH Nội vụ Hà Nội) tích cực đến các chương trình, sự kiện kêu gọi thanh niên thủ đô hiến máu tình nguyện. Dáng người nhỏ nhắn nhưng Nhi nhanh nhẹn, tháo vát, quán xuyến các công việc của “đội máu”, tận tình hướng dẫn người dân đến tham gia sự kiện.
Từ lúc mới đặt chân ra thủ đô học đại học, Nhi đã đăng ký trở thành tình nguyện viên đội vận động hiến máu. Đến năm học thứ hai, cô được tín nhiệm giữ vai trò đội trưởng đội vận động hiến máu của trường.
Học ở thủ đô nhưng quê ở TP. HCM xa xôi, được nghỉ tết sớm nhưng Nhi không vội về ngay, cô sinh viên quyết định nán lại thủ đô tham gia đội hình vận động hiến máu, kêu gọi người dân hiến máu tình nguyện trước tết.
“Khi trở thành tình nguyện viên của gia đình hiến máu, tôi mong đóng góp chút sức lực, tuổi trẻ của mình để mang về nhiều đơn vị máu quý giá nhất cho người bệnh” – Yến Nhi bộc bạch.
Về quê muộn chút cũng không sao
Giáp tết, Chi hội thanh niên vận động hiến máu 7-4 (Hà Nội) cũng gấp rút triển khai chương trình hiến máu “Tết đoàn viên 2021” với thông điệp “Tết sum vầy, đong đầy hạnh phúc” với mong muốn mang về nhiều đơn vị máu phục vụ cho điều trị bệnh nhân trong dịp tết.
Khoác lên mình màu áo đỏ, tình nguyện viên “đội máu” đi khắp các nẻo đường, ngõ phố Hà thành để tuyên truyền, vận động người dân hiến máu. Bên cạnh đó kết hợp hình thức tuyên truyền gián tiếp, thông qua Facebook, Zalo kêu gọi các tình nguyện viên tham gia chương trình.
“Người bệnh rất cần máu, đặc biệt là các bệnh nhi còn rất nhỏ đang phải chịu những đau đớn. Tết này tôi về quê muộn một chút cũng không sao, nhưng máu truyền đến người bệnh nếu chậm 1 giây thôi cũng quyết định đến mạng sống của họ. Là người trẻ, tôi muốn đóng góp phần nhỏ của mình để cứu sống người bệnh, khi đó tôi mới thấy bản thân mình có giá trị” – Trịnh Thị Xuân, 20 tuổi, thành viên Chi hội thanh niên vận động hiến máu 7-4, trải lòng.
Tại sự kiện hiến máu tình nguyện của Đoàn thanh niên công an thủ đô, sinh viên Nguyễn Công Thành (20 tuổi) tích cực phát phiếu cho bạn trẻ đến hiến máu, kiêm luôn nhiệm vụ đưa máu vào tủ đông để kịp thời chuyển đến bệnh viện.
Suốt một năm khoác lên mình màu áo đỏ của đội vận động hiến máu, Thành chia sẻ khó nhất là khâu chăm sóc người dân sau hiến máu, tình nguyện viên cần có giọng nói ấm áp, biết cách trò chuyện thoải mái giúp người dân tỉnh táo hơn sau mỗi lần hiến máu.
Thời điểm này đã được nghỉ tết, chàng trai 20 tuổi cũng lựa chọn nán lại thủ đô thêm mấy ngày nữa cùng các đội viên tích cực kêu gọi người dân hiến máu tình nguyện trong chương trình hiến máu “Xuân tình nguyện”, “Tết đoàn viên 2021”.
Theo Tuổi trẻ
Bài viết liên quan
‘Tôi khỏe ra, da đẹp hơn sau nhiều lần hiến tiểu cầu’
28 Tháng Mười Hai, 2020Nhiều bệnh nhân vượt qua ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết nhờ được truyền tiểu cầu kịp thời từ người tình nguyện. “Nhiều người muốn làm…
“Ghiền” hiến máu vì thấy lạ và đi hiến thử
15 Tháng Sáu, 2020Trải qua 70 lần tham gia hiến máu tình nguyện, đối với ông Trần Nam Quân - 1 trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh…
“Tôi đã từng phải chờ đợi từng bịch tiểu cầu”
08 Tháng Tư, 2020Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thu Trang, người đã sống chung với bệnh ung thư máu cách đây vừa tròn 1 năm. Khi đó, chị tưởng như mọi…