Kỷ lục truyền 45 lít máu cứu sản phụ nguy kịch vì COVID-19
Giữa đại dịch COVID-19, Bệnh viện Quân Y 175 tiếp nhận một trường hợp sản phụ nguy kịch vì COVID-19. Bệnh viện đã chỉ định sử dụng ECMO, điều trị tích cực và truyền 45 lít máu giữ lại sinh mạng cho sản phụ.
Câu chuyện xúc động trên được Thiếu tá – Bác sĩ Vũ Sơn Giang, Phó chủ nhiệm Chính trị, Bệnh viện Quân Y 175 chia sẻ trong chương trình Chủ nhật Đỏ do Báo Tiền Phong phối hợp với Bệnh viện Quân y 175 và Công ty Amway tổ chức tại Cần Thơ sáng 2/3.
Bác sĩ đặt ECMO thời điểm sản phụ rơi vào nguy kịch vì COVID-19 (ảnh: BVCC)
Thiếu tá – Bác sĩ Vũ Sơn Giang cho biết, cuối tháng 8/2021 nữ bệnh nhân T.T. (29 tuổi, ngụ tại TPHCM) đang mang thai con đầu lòng ở tháng thứ 8 bị nhiễm COVID-19. Do tình trạng bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Hùng Vương cấp cứu, điều trị. Tại đây, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân tổn thương phổi, tổn thương đa cơ quan rất nặng do COVID-19 gây ra nên có thể phải chấm dứt thai kỳ để tránh nguy hiểm cho cả mẹ và con. Sau khi con chào đời bình an được nuôi trong lồng kính, người mẹ tiếp tục diễn tiến nặng, rơi vào nguy kịch.
Sản phụ đã đối mặt với cơn bão Cytokine, suy đa cơ quan. Các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương đã hội chẩn liên viện, nhờ sự phối hợp chuyên môn từ Bệnh viện Quân y 175. Các bác sĩ đã quyết định đặt ECMO và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Quân y 175 điều trị. Tuy nhiên, sức khỏe bệnh nhân có tiên lượng xấu, tổn thương phổi mức độ nặng. Ê kíp điều trị đã nỗ lực can thiệp cấp cứu tình trạng đờ tử cung, nhiễm trùng sau sinh.
Thiếu tá – Bác sĩ Vũ Sơn Giang chia sẻ thông tin về giai đoạn nỗ lực cứu người bệnh
Người bệnh đã phải trải qua 12 cuộc mổ đại phẫu và siêu phẫu, trong khi cơ thể bệnh nhân chỉ nặng 42kg. Để cứu được tính mạng, các bác sĩ đã phải truyền cho bệnh nhân 45 lít máu. Sau 65 ngày chạy ECMO, điều trị tích cực, các cơ quan nội tạng của người bệnh dần hồi phục, bệnh nhân đã cai được ECMO, cai được máy lọc máu liên tục, phổi nhanh chóng bình phục, cai được máy thở. Sau 5 tháng điều trị tại bệnh viện, chị T.T. đã xuất viện hòa nhập với cuộc sống bình thường.
“Hạnh phúc lớn nhất là thời điểm bệnh nhân lần đầu được nhìn thấy mặt con. Chứng kiến hình ảnh người bệnh vượt qua cửa tử, ôm con vào lòng cả ban giám đốc và các y bác sĩ đều xúc động, nghẹn ngào. Đây là một trong những trường hợp điển hình về sự khốc liệt do COVID-19 gây ra và cũng là điển hình của y tế Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch” – Thiếu tá Vũ Sơn Giang nói.
Chương trình Chủ nhật Đỏ lần thứ XIV năm 2022 diễn ra tại Thành phố Cần Thơ
Anh H.T. chồng bệnh nhân chia sẻ với Tiền Phong: “Vợ con tôi giờ đã bình phục rất tốt, ăn uống sinh hoạt bình thường. Đây là niềm vui, hạnh phúc vô bờ không gì đánh đổi được với gia đình”. Nhớ lại những ngày đau thương nhất, anh H.T. chia sẻ: “Khi vợ nhiễm COVID-19, nhập viện cấp cứu, mổ bắt con xong thì rơi vào nguy kịch phải chạy ECMO tôi nghĩ chắc phải một mình nuôi con. Lúc bác sĩ tiên lượng vợ tôi có khả năng tử vong, tôi như suy sụp. Nhưng các bác sĩ đã nỗ lực cứu sống vợ tôi. Ngày vợ tỉnh lại trên giường bệnh nhờ bác sĩ gọi điện về nhà chưa bao giờ trong cuộc đời mình tôi vui đến như thế. Để ghi nhớ công ơn cứu mạng của các bác sĩ, chúng tôi đã đặt tên con mình theo tên của các bác sĩ”.
Giữa giai đoạn dịch bùng phát, nguồn máu dự trữ cạn kiệt, việc huy động lượng máu lớn để cứu chữa người bệnh trở nên khó khăn. Tuy nhiên, Bệnh viện Quân y 175 đã liên hệ với các đơn vị quân đội để tiếp nhận nguồn máu hiến, mỗi lần khoảng 100 đến 200 đơn vị máu. Đây là nguồn máu vô cùng quý giá để phục vụ cứu chữa bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng và nguy kịch. Bên cạnh đó, bệnh viện còn chia sẻ nguồn máu tiếp nhận được với Trung tâm Truyền máu Huyết học TPHCM và Bệnh viện Chợ Rẫy giúp cứu chữa kịp thời cho rất nhiều bệnh nhân đang trong cơn nguy nan.
Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp là “sinh mệnh của bạn và tôi”
Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, nguồn máu khan hiếm việc truyền quá nhiều máu cho một người bệnh là giải pháp được bác sĩ cân nhắc. Tuy nhiên, để người mẹ có cơ hội gặp mặt con thơ, bệnh viện đã huy động mọi nguồn lực để cứu chữa. Lượng máu lớn được truyền cho bệnh nhân được nhận từ tinh thần tự nguyện hiến tặng của lực lượng quân đội và cộng đồng. Với 45 lít máu được truyền, bệnh nhân T.T. chưa phải là người được truyền nhiều máu nhất, song là một kỷ lục trong giai đoạn COVID-19 bùng phát.
Theo các bác sĩ, mỗi người hiến 1 đơn vị máu (250 đến 350ml) đều không ảnh hưởng đến sức khỏe. Mỗi năm người khỏe mạnh nên hiến máu ít nhất 1 đến 2 lần. Không chỉ “làm phước” cứu được sinh mạng đồng loại, người hiến máu còn được tầm soát tất cả thành phần trong máu, đây như một hoạt động kiểm tra sức khỏe, nếu có bất thường đơn vị tiếp nhận máu sẽ thông báo cho người hiến.
Với thông điệp “Hiến máu cứu người, sinh mệnh của bạn và tôi”, chương trình Chủ nhật đỏ lần thứ XIV năm 2022 do Báo Tiền Phong phối hợp với Bệnh viện Quân y 175 tổ chức với sự đồng hành của Công ty Amway đã diễn ra ngày 2/3, tại thành phố Cần Thơ. Chương trình thu hút được hàng trăm người tham gia hiến máu, trong đó phần lớn nhân viên, nhà phân phối và khách hàng của Amway Việt Nam và thu được trên 300 đơn vị máu, kịp thời hỗ trợ các đơn vị y tế đảm bảo lượng máu cho hoạt động điều trị, cứu chữa bệnh nhân. |
Theo https://tienphong.vn/
Bài viết liên quan
Nhóm máu có liên quan đến nguy cơ mắc Covid-19?
07 Tháng Ba, 2022Một số người băn khoăn liệu nhóm máu nào có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn? Cũng có một số độc giả gửi câu hỏi như sau: Tôi nhóm máu…
Những ưu điểm khi xét nghiệm máu tại điểm hiến máu cố định
30 Tháng Sáu, 2021Ai cũng hiểu rằng cần phải đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên chúng ta lại rất ngại đến bệnh viện vì sợ mất thời gian. Nếu như…
Xét nghiệm tầm soát ung thư giá bao nhiêu?
05 Tháng Mười Một, 2021Bệnh ung thư đang trở thành nỗi ám ảnh với rất nhiều người. Trên thế giới, số lượng bệnh nhân mới và tử vong do bệnh ung thư đều có…
Gần 150.000 lượt người đã chọn gói xét nghiệm khi hiến máu
08 Tháng Mười, 2021Từ tháng 11/2018, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã triển khai gói xét nghiệm quà tặng cho người hiến máu tại Hà Nội. Đến nay, đã có gần…