Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Mở ra hướng điều trị mới cho bệnh nhân nặng mắc COVID-19

Ngày 8/4, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Hướng dẫn tiếp nhận và sử dụng huyết tương trong điều trị COVID-19 cho các bệnh nhân nặng theo phác đồ được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết hiện Việt Nam đang tích cực triển khai một số nhóm giải pháp, biện pháp trong điều trị bệnh COVID-19, đặc biệt là cho bệnh nhân nặng.

Ngay khi có chỉ đạo, Bộ Y tế đã mời các chuyên gia họp hội đồng khoa học và thống nhất giao Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Hướng dẫn tiếp nhận, lưu trữ, bảo quản và vận chuyển huyết tương của người đã được điều trị khỏi bệnh COVID-19. Còn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được Bộ Y tế giao làm đầu mối xây dựng dự thảo Hướng dẫn sử dụng huyết tương tiếp nhận từ người đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 để điều trị cho người bệnh thể nặng.

Hướng dẫn tiếp nhận, lưu trữ, bảo quản và vận chuyển huyết tương của người đã được điều trị khỏi bệnh COVID-19 gồm các nội dung: tiêu chuẩn của người hiến; cách thức liên lạc, vận động người hiến; các yêu cầu nghiêm ngặt trong quá trình tiếp nhận, điều chế, xử lý và bảo quản huyết tương…

Các túi máu toàn phần sau khi được li tâm sẽ được phân tách thành từng thành phần của máu: các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và huyết tương. Huyết tương có màu vàng, thành phần chủ yếu là nước; ngoài ra còn có thành phần khác như: đạm, mỡ, đường, vitamin, muối khoáng…; huyết tương chiếm khoảng 53% – 63% trong máu. (ảnh: Công Thắng)

Một đơn vị huyết tương tươi đông lạnh được điều chế từ máu toàn phần tại Viện Huyết học – Truyền máu TW. (ảnh: Công Thắng)

Từ hơn một thế kỷ nay, bắt đầu từ dịch cúm năm 1918, huyết tương từ những người khỏi bệnh đã được sử dụng để điều trị giảm các triệu chứng và khả năng tử vong của một số bệnh lây nhiễm. Những năm gần đây, liệu pháp này cũng đã được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân mắc Ebola, SARS, MERS và cúm H1N1 (năm 2009). Tuy nhiên, không phải tất cả các thử nghiệm lâm sàng này đều cho những kết quả khả quan. Trong cuộc chiến chống lại virus Ebola, việc sử dụng huyết tương từ người khỏi bệnh lại không cho thấy hiệu quả điều trị.

TS. Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Huyết tương của người khỏi bệnh có chứa kháng thể với hiệu giá cao chống lại virus SARS-CoV-2; khi truyền vào cơ thể bệnh nhân nặng (có tải lượng virus cao), kháng thể sẽ phát huy tác dụng, hỗ trợ diệt virus ở bệnh nhân”.

Trong khi công tác điều trị cho người bệnh mắc COVID-19 trên thế giới cũng như ở Việt Nam còn khó khăn do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh thì gần đây, một số quốc gia đã thử nghiệm điều trị bệnh nhân nặng mắc COVID-19 bằng huyết tương được lấy từ người bệnh sau khi đã điều trị khỏi; bước đầu đã cho thấy có thể có hiệu quả nhất định.

Cách đây ít ngày, Canada đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng áp dụng phương pháp này với sự tham gia của 1.000 bệnh nhân tại ít nhất 40 bệnh viện. Đây là thử nghiệm lớn nhất trên thế giới hiện nay, sau một số thử nghiệm quy mô nhỏ được thực hiện tại Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Mỹ. Thử nghiệm tại Canada dự kiến sẽ cho kết quả bước đầu trong 3 tháng, nhưng cần ít nhất 6 đến 10 tháng để đưa ra kết quả chính xác hơn.

Nhóm các chuyên gia của 3 bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc cũng đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng áp dụng phương pháp này để điều trị thành công cho 10 bệnh nhân nặng (6 bệnh nhân nam và 4 bệnh nhân nữ, tuổi trung bình là 52,5) trong thời gian từ 23/1 đến 19/2. Người bệnh được cải thiện về các chỉ số lâm sàng sau khi truyền huyết tương. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân được thử nghiệm còn ít, hiệu quả điều trị bằng phương pháp sử dụng huyết tương có thể chưa rõ rệt do người bệnh nặng cũng được kết hợp điều trị bằng các phương pháp khác.

Mặc dù vậy, những thử nghiệm này cũng mở ra thêm cơ hội về hướng điều trị cho bệnh nhân nặng mắc COVID-19, trong đó có bệnh nhân tại Việt Nam.

“Đây là biện pháp mới với nước ta trong điều trị bệnh COVID-19, cần được nghiên cứu từ các cách thu thập an toàn và đảm bảo chất lượng trong quá trình xử lý, bảo quản, cung cấp, đến việc chỉ định hợp lý và sử dụng lâm sàng một cách hiệu quả. Nên trong khi các hướng dẫn và thử nghiệm ở các nước còn chưa đầy đủ thì rất cần sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị”, TS. Khánh cho biết thêm.

Hiện tại, các bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đang khẩn trương nghiên cứu các tài liệu của thế giới, xây dựng dự thảo hướng dẫn và đề xuất phương án cụ thể cho phương pháp điều trị mới này tại Việt Nam.

Thảo Nguyên (tổng hợp)

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan

      Ca bệnh 237: Viện chủ động và ứng phó kịp thời

      04 Tháng Tư, 2020

      Tối 3/4, Bộ Y tế công bố thêm 4 ca bệnh COVID-19 mới, trong đó bệnh nhân 237 đã có thời gian điều trị tại Viện Huyết học – Truyền…

      Đảm bảo hiến máu an toàn trong mùa dịch

      12 Tháng Ba, 2020

      Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động hiến máu. Thách thức đặt ra cho các cơ…

      Thông tin cơ bản về máu

      11 Tháng Một, 2020

      1. Máu là gì? Máu là tổ chức lỏng, lưu thông trong hệ thống tuần hoàn của cơ thể. Máu gồm nhiều thành phần với các chức năng khác nhau và…