Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, phường Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Một số tình huống thường gặp trong kết quả xét nghiệm máu

Khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm máu, chúng ta thường lo lắng trước những chỉ số tăng cao hoặc giảm so với giá trị bình thường. Liệu có phải chỉ số nào có dấu hiệu bất thường cũng đều đáng báo động? Mời quý vị nghe ThS.BS. Nguyễn Quốc Nhật, Phó trưởng khoa Điều trị hoá chất, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phân tích một số trường hợp phổ biến khi nhận được kết quả xét nghiệm máu.

Mot so tinh huong trong ket qua xet nghiem mau

Đường huyết tăng cao có phải là nguy cơ của bệnh tiểu đường?

Với những xét nghiệm khám sức khoẻ nói chung, nếu phát hiện chỉ số đường huyết tăng cao hơn mức bình thường thì chưa khẳng định ngay là trường hợp mắc bệnh tiểu đường. Cần xem lại tiền sử của người bệnh, tiền sử gia đình về bệnh tiểu đường và bệnh lý về chuyển hoá khác.

Chỉ xem xét chỉ số đường huyết tại một thời điểm lấy máu làm xét nghiệm là chưa đầy đủ để kết luận có bị tiểu đường hay không. Cần thực hiện thêm một số xét nghiệm để đánh giá bệnh tiểu đường hoặc làm thêm xét nghiệm đường huyết ít nhất 2 – 3 lần trong 1 tuần để đánh giá chỉ số đường huyết lúc đói. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến chỉ số khác như HbA1c để đánh giá tình trạng đường huyết của bệnh nhân trong cả một quãng thời gian trước đó.

Chỉ số acid uric tăng cao bao nhiêu thì đáng lo?

Chỉ số acid uric ở nam và nữ có sự khác nhau. Khi chỉ số này tăng vượt ngưỡng có thể là 1 dấu hiệu để xem xét vấn đề liên quan đến chế độ dinh dưỡng của người bệnh. Chỉ số acid uric tăng cao là 1 nguy cơ của bệnh gout. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào chỉ số acid uric tăng cao cũng gây ra bệnh gout. Chỉ số này cũng phụ thuộc vào dinh dưỡng của bệnh nhân tại thời điểm trước khi lấy máu xét nghiệm (ăn thực phẩm chứa nhiều đạm có thể làm tăng acid uric).

Chỉ số acid uric tăng đến mức nào và khả năng gây ra bệnh gout còn phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng của tổn thương các khớp nhỏ và các thăm dò khác để chẩn đoán.

Để đánh giá tình trạng rối loạn chuyển hoá lipid (tăng mỡ máu) và nguy cơ xơ vữa động mạch cần lưu ý chỉ số nào?

Có 4 chỉ số chính để đánh giá rối loạn chuyển hoá lipid là Cholesterol, Triglyceride, LDL-Ch, HDL-Ch. Các chỉ số này phụ thuộc nhiều vào chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt và tiền sử gia đình. Người cao tuổi, người có tiền sử gia đình có vấn đề về xơ vữa động mạch hoặc tai biến, người đang có những bệnh nền như đái tháo đường, những bệnh lý chuyển hoá khác là những đối tượng có nguy cơ.

Bác sĩ sẽ có lời khuyên và kế hoạch khác nhau cho từng đối tượng. Không phải trường hợp nào tăng mỡ máu cũng cần điều trị ngay. Những trường hợp có chỉ số tăng cao hoặc tăng không cao nhưng tiền sử gia đình có liên quan đến xơ vữa hoặc đột quỵ, bác sĩ sẽ tư vấn để giám sát, điều trị bằng thuốc sớm. Những trường hợp trẻ tuổi, không có yếu tố nguy cơ, không có tiền sử gia đình sẽ được khuyến cáo điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện và tiếp tục theo dõi, có thể chưa cần dùng thuốc.

Để đánh giá tình trạng thiếu máu do thiếu sắt cần lưu ý chỉ số nào?

Thiếu máu thiếu sắt có biểu hiện lâm sàng da xanh, niêm mạc nhợt, người mệt mỏi, có thể hoa mắt chóng mặt. Xét nghiệm máu cho thấy tình trạng thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc (chỉ số MCV, MCH, MCHC đều giảm). Khi xét nghiệm sinh hoá miễn dịch, chỉ số sắt và ferritin là 2 chỉ số cơ bản để đánh giá sắt và dự trữ sắt trong máu đều giảm. Bên cạnh đó, tiền sử bệnh nhân có thể liên quan đến thiếu sắt như rối loạn kinh nguyệt, ăn kiêng mà không bổ sung sắt đầy đủ, bệnh lý đường tiêu hoá (dạ dày, trĩ…) gây mất máu, mất sắt thường xuyên.

Nên làm gì khi kết quả xét nghiệm máu có các chỉ số tế bào máu (hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu) tăng/giảm bất thường?

Khi nhận được kết quả tổng phân tích tế bào máu có các chỉ số tế bào máu tăng/giảm bất thường, cần xem xét, đánh giá toàn diện dựa trên nhiều chỉ số. Đối với trường hợp giảm hồng cầu, cần cân nhắc sự thay đổi của các dòng tế bào khác như tiểu cầu, bạch cầu. Hoặc trên dòng hồng cầu cần xem xét có hay không sự biến đổi của các chỉ số khác như thể tích, kích thước của hồng cầu, nồng độ huyết sắc tố. Khi chỉ số bạch cầu và tiểu cầu tăng/giảm bất thường cũng cần đánh giá tương tự.

Như vậy, khi các chỉ số có bất thường, cần xem xét đầy đủ các chỉ số khác liên quan để có nhận định phù hợp và đưa ra hướng tầm soát tiếp theo để làm rõ vấn đề bất thường của các tế bào máu.

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan