Ngày đêm vận chuyển máu cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19
Chỉ trong 2 tuần (từ 4/5 đến 17/5/2021), Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã thực hiện 26 chuyến xe, vận chuyển 240 đơn vị chế phẩm máu tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung).
Bất kể ngày đêm, Viện Huyết học – Truyền máu TW nỗ lực cung cấp máu cho bệnh nhân COVID-19 tại nhiều tỉnh, thành phố (thiết kế ảnh: Công Thắng).
Clip cung cấp máu cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW (thực hiện: Lâm Tùng, Đặng Thanh, Thanh Hằng).
Có ngày 3 lượt cung cấp máu tới BV Bệnh Nhiệt đới TW
Có mặt tại cổng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới lúc 14h30 ngày 17/5, sau khi bàn giao chế phẩm máu, các nhân viên khoa Lưu trữ và phân phối máu của Viện Huyết học – Truyền máu TW lại theo xe mang máu đến Bệnh viện Đông Anh và Bệnh viện Đức Giang.
Nhân viên khoa Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW kiểm tra số lượng chế phẩm máu được bàn giao.
Chưa kịp kết thúc hành trình rất quen thuộc trong một chuyến vận chuyển, những nhân viên này lại nhận tin một bệnh nhân COVID-19 đang sốc nhiễm khuẩn, cần sự hỗ trợ của Viện cung cấp khối tiểu cầu nhóm O.
ThS. Hoàng Nhật Lệ, Trưởng khoa Lưu trữ và phân phối máu, Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết: “Dù hầu hết các chế phẩm máu vài tuần gần đây đều thiếu trầm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng Viện luôn cố gắng đảm bảo cung cấp đầy đủ và kịp thời nhất cho các trường hợp là bệnh nhân COVID-19. Cứ nhận được điện thoại là nhân viên và xe vận chuyển máu của Viện chuẩn bị chế phẩm máu và lên đường ngay, có ngày thực hiện 3 lượt vận chuyển – cả chiều, tối và đêm tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW”.
Xe vận chuyển của Viện cung cấp máu tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW trong những ngày đầu bệnh viện bị phong tỏa (ảnh: nhân vật cung cấp).
Sẵn sàng cung cấp máu, bất kể ngày hay đêm (ảnh: nhân vật cung cấp).
Chuẩn bị chế phẩm máu để kịp cung cấp đêm 14/5 (ảnh: nhân vật cung cấp).
Nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng cần các chế phẩm máu khác nhau
Tính đến sáng 17/5/2021, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 344 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 52 bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Hình ảnh tại khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới TW đêm 14/5, cũng có bệnh nhân cần phải truyền máu (ảnh: BV Nhiệt đới cung cấp).
Chỉ trong 14 ngày đầu tháng 5, một bệnh nhân COVID-19 nặng (nữ, 64 tuổi) kết hợp bệnh ung thư gan, hội chứng thực bào máu, nhiễm khuẩn huyết… đã được truyền 46 đơn vị chế phẩm máu các loại, bao gồm: 11 đơn vị khối hồng cầu, 14 đơn vị tiểu cầu máu, 3 đơn vị huyết tương tươi và 18 đơn vị tủa lạnh giàu yếu tố VIII.
Một bệnh nhân nữ khác (22 tuổi) mắc COVID-19 kết hợp nhiễm trùng huyết, suy tủy xương cũng đã được truyền 15 đơn vị chế phẩm máu các loại chỉ trong 14 ngày.
Bệnh nhân 64 tuổi này được truyền máu và tiểu cầu chiều 17/5 và trao đổi huyết tương tối 17/5 tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW (ảnh: BV Nhiệt đới cung cấp).
Còn chuyến xe vận chuyển chế phẩm tiểu cầu cấp cứu cho bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn là bệnh nhân 3019. Đây là bệnh nhân nam (54 tuổi), có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm không điều trị thường xuyên, sỏi thận 2 bên, suy thận mạn, đã từng mổ lấy sỏi thận trái, nội soi tán sỏi niệu quản…
Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW từ 9/4 tại cơ sở 1, sau đó được chuyển sang điều trị tại khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp tại cơ sở 2. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm hạch, tràn dịch màng phổi, phù phổi cấp, suy tim, suy thận mạn. Hiện bệnh nhân đã được chạy ECMO, thở máy bảo vệ phổi và điều trị các bệnh lý đi kèm.
Hai đơn vị tiểu cầu được vận chuyển cấp cứu chiều tối để truyền cho bệnh nhân 3019 ngay trong tối 17/5 (ảnh: BV Nhiệt đới cung cấp).
Ngoài ra, trong số 4 bệnh nhân COVID-19 nặng được các chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế hội chẩn trực tuyến khẩn trưa ngày 17/5 cũng có trường hợp phải kết hợp các chế phẩm máu trong quá trình điều trị.
Đó là trường hợp của bệnh nhân 2983 (nữ, 65 tuổi, ở Tân Phú, An Giang) từ Campuchia về, cho kết quả dương tính với SAR-CoV-2 ngày 3/5. Bệnh nhân có tiền sử tiểu đường và tăng huyết áp nhiều năm. Ngày 12/5, bệnh nhân được chuyển từ BV Đa khoa Khu vực An Giang tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh và hiện đang được chạy ECMO; điều trị an thần, giảm đau… Các chuyên gia đánh giá đây là bệnh nhân rất nặng, tình trạng không thua kém bệnh nhân 91 (phi công người Anh).
Hình ảnh hội chẩn trực tuyến của bệnh nhân này cho thấy bên cạnh các can thiệp phức tạp khác, bệnh nhân cũng đang được truyền máu.
TS. BS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Bệnh nhân bị viêm phổi do mắc COVID-19 thường có rối loạn đông máu ở các mức độ khác nhau. Nhiều trường hợp cần sử dụng các chế phẩm huyết tương như huyết tương tươi đông lạnh, tủa lạnh giàu yếu tố VIII (cryo). Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng đều có bệnh nền hoặc bệnh lý kết hợp khác. Chính vì vậy, trong điều trị cần dùng cả tới các chế phẩm máu khác như khối hồng cầu, khối tiểu cầu”.
Thanh Hằng – Lâm Tùng
Bài viết liên quan
Thiếu máu trầm trọng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Viện kêu gọi người dân hiến máu và hiến tiểu cầu
13 Tháng Năm, 2021Nhiều lịch hiến máu đã bị hoãn, huỷ ở hầu hết các địa phương, đơn vị, kể cả ở các địa phương không thuộc phạm vi phong toả, cách ly…
Một lời kêu gọi, ngàn trái tim đáp lời, vạn người bệnh thêm hi vọng
24 Tháng Hai, 2021Lần thứ 2 trong tháng 2 năm nay, Viện Huyết học – Truyền máu TW phải phát đi lời kêu gọi hiến máu. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ước…
Nỗ lực vượt qua đại dịch, đảm bảo cung cấp máu cho 28 địa phương
25 Tháng Mười Hai, 2020Sáng nay 25/12/2020, Viện Huyết học – Truyền máu chủ trì tổ chức Hội nghị Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp cung cấp máu an toàn khu vực…