Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Người bệnh máu sốt cao nên chăm sóc như thế nào?

Sốt là phản ứng này thường gặp ở những người bệnh máu có bạch cầu giảm sâu như lơ xê mi cấp, u lympho, rối loạn sinh tuỷ, suy tuỷ xương.

Nguyên nhân gây ra sốt

Có nhiều nguyên nhân gây nên sốt, đối với người mắc các bệnh về máu, nguyên nhân có thể do:

  • Bạch cầu giảm sâu dẫn đến nguy cơ bị nhiễm trùng
  • Phản ứng của cơ thể sau khi điều trị hoá chất
  • Bị tổn thương, va đập, sưng tấy
  • Ngoài ra còn có nguyên nhân khác như sốt rét, sốt xuất huyết, côn trùng đốt

Triệu chứng sốt

  • Cơ thể người bệnh nóng lên, nhiệt độ đo được trên 37,5°C
  • Người bệnh ớn lạnh, đau đầu, khô miệng, táo bón, nôn, tiêu chảy, đau cơ do mất nước
  • Nếu nặng hơn, người bệnh có thể hôn mê, tổn thương ở não, co giật.

Chăm sóc vệ sinh cho người mắc bệnh máu theo từng mức độ

Khi sốt nhẹ

  • Hướng dẫn người bệnh mặc quần áo thoáng hoặc cởi bớt quần áo, theo dõi thân nhiệt mỗi 4 giờ và uống nhiều nước.

Khi sốt vừa

  • Cởi bớt quần áo, mặc đồ mỏng và rộng để dễ thoát nhiệt
  • Người bệnh nằm ở nơi thoáng mát, giảm nhiệt trong phòng
  • Uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt.
  • Chườm ấm, dùng miếng dán hạ nhiệt
  • Lau mát cơ thể bằng nước ấm; sử dụng 5 khăn ướt nhỏ: 4 khăn đặt ở hai bên nách và hai bên bẹn, 1 khăn dùng để lau khắp người; thay khăn mỗi 2-3 phút; ngưng lau khi nhiệt độ cơ thể xuống dưới 38,5°C hoặc sau khi đã lau 30 phút; lau khô và cho người bệnh mặc lại đồ mỏng
  • Có thể tắm bằng nước ấm; nên dùng nước ấm có nhiệt độ thấp hơn 2°C so với thân nhiệt; không dùng nước lạnh, cồn hay dấm để lau người.

Khi bị sốt cao hay sốt rất cao

  • Sử dụng các biện pháp hạ nhiệt như trên để hạ sốt tạm thời
  • Khi người bệnh sốt cao rét run, dùng lò sưởi cho người bệnh, đắp chăn ấm, dùng gạc sạch cho vào khoang miệng để tránh cắn vào lưỡi
  • Khi người bệnh hết cơn rét run, cần tắt máy sưởi, bỏ chăn, nới lỏng quần áo, lau khô mồ hôi phần cổ, nách, bẹn; giữ cho phòng thông thoáng, sạch sẽ.

Khi bị sốt, người bệnh vẫn cần vệ sinh cá nhân hàng ngày, đặc biệt các bộ phận mắt, mũi, khoang miệng, quanh hậu môn, bộ phận sinh dục ngoài. Người bệnh súc miệng, họng bằng nước sát trùng (dung dịch Betadine, Kin, trà xanh đặc…) pha nước súc họng với dung dịch natri clorid 0,9% tỉ lệ 1:3 để tránh bỏng loét miệng sau khi ăn và trước khi đi ngủ.

Với người bệnh có tiểu cầu thấp, không nên dùng bàn chải đánh răng có lông cứng và chải răng mạnh. Người bệnh có thể dùng gạc sạch để đánh răng tránh làm chảy máu chân răng.

Người bệnh cần vệ sinh thân thể thay quần áo hàng ngày, tắm bằng nước ấm hoặc lau người trong phòng tắm tránh gió.

Chăm sóc dinh dưỡng với người bệnh máu đang sốt

Khi bị sốt, nước và muối bị mất thông qua việc toát mồ hôi. Ngoài ra, cơ thể cũng mất đi năng lượng và các vitamin tan trong nước. Vì vậy, người bệnh nên uống khoảng 2-3 lít nước/ngày. Người bệnh máu có thể bù nước và các chất điện giải bằng cách uống oresol, các loại nước ép trái cây, cần nhất là vitamin nhóm C, nhóm B.

Bên cạnh đó, người bệnh thường cảm thấy khó ăn, ăn không ngon miệng dẫn đến ngày càng mệt mỏi. Vì vậy, việc đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và thích hợp đóng vai trò quan trọng để nâng cao thể trạng.

Dinh dưỡng cho người bệnh máu khi sốt

Những lưu ý khi chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh máu đang sốt

Khi người bệnh quá mệt không tự ăn uống được, người chăm sóc cần thông báo với bác sĩ để có thể kịp thời bổ sung dinh dưỡng bằng đường truyền tĩnh mạch. Ngoài ra, người bệnh máu ác tính cần có chế độ ăn uống phù hợp để cơ thể tái tạo các tế bào máu.

Vận động đối với người bệnh máu đang sốt

Nếu người bệnh sốt cao thì nên để người bệnh nằm nghỉ nơi yên tĩnh trong phòng. Thỉnh thoảng, người bệnh nên vận động nhẹ nhàng như tập các bài xoay khớp tay, chân tại chỗ, đi lại từ từ. Tuyệt đối không nên bất động để tránh gây nghẽn mạch hoặc loét ép do tỳ đè.

NIHBT

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan