Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Người đàn ông dũng cảm chiến thắng ung thư máu nhờ “ca ghép xuyên Tết”

Năm 2015, anh Chu Sơn Chung đã dũng cảm trở thành một trong những người bệnh ung thư máu đầu tiên được ghép tế bào gốc nửa hoà hợp tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Và món quà cho lòng dũng cảm ấy là 9 năm sau, anh vẫn nở nụ cười tự tin, vẫn gặt hái những thành công và còn có thêm 1 đứa con để hạnh phúc thêm vẹn tròn.

“Mình nằm đó không phải đau khổ tột cùng”

Khi phát hiện bị ung thư máu, anh Chu Sơn Chung (quê ở Quảng Ninh) vừa bước vào tuổi 30 và con gái đầu lòng mới có 3 tháng tuổi. Dẫu vậy, anh chưa từng nao núng, bi lụy trước bệnh tật: “Thời điểm đó, cả thế giới hoang mang vì máy bay MH370 mất tích, hàng trăm người trên chuyến bay biến mất và người thân chỉ biết ngóng chờ trong vô vọng. Mỗi ngày trôi qua có bao nhiêu người bị tai nạn, qua đời mà không hề được báo trước.

Cho nên, mình nằm đó không phải đau khổ tột cùng. Sao mình phải buồn, sao mình không bước tiếp khi còn bao nhiêu người khổ hơn mình? Nếu cứ tự hỏi: Sao tôi khổ thế này? Sao tôi bị ung thư?… thì sẽ không có lối thoát. Mình vẫn còn may mắn, vẫn còn hy vọng nên hãy bằng lòng với hoàn cảnh và suy nghĩ tích cực để giành lấy cơ hội sống”.

Ngay từ ban đầu, anh đã xác định và quyết tâm ghép tế bào gốc. Thế nhưng khi xét nghiệm HLA thì cả em trai và mẹ của anh đều chỉ phù hợp 50%.

Cơ hội ghép đồng loài phù hợp hoàn toàn HLA từ em trai bị dập tắt, anh đã nghĩ đến việc ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng. Nhưng cánh cửa hy vọng này tiếp tục đóng sập lại vì với cân nặng của anh cần tới 2 đơn vị tế bào gốc máu dây rốn, ca ghép sẽ rất khó khăn và tốn kém.

Các bác sĩ tại Khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tư vấn anh nên ghép tế bào gốc nửa hoà hợp (ghép haplotype). Ghép haplotype là kiểu ghép chỉ cần nguồn tế bào gốc phù hợp HLA 50% từ anh chị em ruột, bố mẹ, con ruột, anh chị em họ…, giúp người bệnh có thêm cơ hội ghép (lên đến 90% – 100%). So với ghép đồng loài phù hợp hoàn toàn HLA, ghép nửa hoà hợp phức tạp hơn, thời gian mọc mảnh ghép kéo dài đồng nghĩa với nhiều nguy cơ biến chứng hơn. Hơn nữa, vào thời điểm năm 2015, phương pháp ghép này vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam.

Với niềm tin vào các y bác sĩ, anh đã sẵn sàng trở thành một trong những người bệnh đầu tiên được ghép nửa hoà hợp tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Anh luôn nghĩ rằng: với mỗi con người, sự sống hay cái chết là một điều tất yếu, ai cũng sẽ đến lúc phải ra đi. Mất đi đôi khi không phải là điều tồi tệ nhất mà có thể sẽ mở ra một thế giới khác tốt đẹp hơn.

Tuy luôn suy nghĩ nhẹ nhàng về sự ra đi, nhưng không vì thế mà anh buông xuôi, phó mặc cho số phận. Ngay cả khi chỉ còn một tia hy vọng mong manh anh cũng không bao giờ từ bỏ: “Mình còn sống là còn niềm tin, còn cơ hội thì còn chiến đấu. 

Tuy ở Việt Nam đang bắt đầu triển khai ghép tế bào gốc nửa hoà hợp nhưng trên thế giới đã thực hiện nhiều và đã thành công. Việt Nam có thể không bằng thế giới về công nghệ nhưng với trí tuệ và sự ham học hỏi, chúng ta sẽ thành công.

Vì thế, tôi luôn tin tưởng tuyệt đối vào các bác sĩ của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Dù cơ hội chỉ là 50/50, tôi vẫn tin mình sẽ đạt được 51% để giành chiến thắng”.

Ca ghép xuyên Tết

Cuối tháng 12/2015, khi chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết âm lịch, anh quyết tâm bước vào phòng ghép. Với anh, buộc phải dừng ghép do Tết đến mới đáng sợ, còn việc phải vượt qua hành trình ghép gian nan vào những ngày Tết không có gì đáng ngại.

Vậy là, khi mọi người đang quây quần bên người thân đón năm mới thì anh và các y bác sĩ sát cánh “chiến đấu” trong phòng cách ly – nơi lặng lẽ nhất và cũng cam go nhất của cuộc chiến giành lại sự sống.

Dù đau đớn, mệt mỏi, kiệt sức, anh vẫn cố gắng ăn uống “bằng sức mạnh tinh thần” để nâng cao thể trạng. Ngay cả khi gặp biến chứng viêm bàng quang, đi tiểu ra máu, với sự động viên, chăm sóc của các y bác sĩ, anh vẫn giữ tinh thần thoải mái và niềm tin mình sẽ vượt qua.

Sau 2 tháng 7 ngày, anh được ra khỏi phòng ghép trong niềm vui vỡ òa của cả gia đình và các y bác sĩ. BSCKII. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, người trực tiếp thực hiện ca ghép cho anh Chu Sơn Chung chia sẻ: “Hiện tại, chúng tôi đã có thêm kinh nghiệm xử lý các biến chứng nguy hiểm trong ghép tế bào gốc nửa hoà hợp cũng như ghép đồng loài. Nhưng khi thực hiện những ca ghép nửa hoà hợp đầu tiên, chúng tôi gặp khá nhiều thách thức.

Vì thế, chúng tôi thực sự rất trân trọng và cảm ơn những người bệnh như anh Chung đã tin tưởng chúng tôi và dũng cảm lựa chọn phương pháp điều trị mới. Đến nay, việc anh Chung vẫn khoẻ mạnh, thành đạt chính là một món quà của sự dũng cảm và cũng là món quà cho những người cán bộ y tế như chúng tôi”.

9 năm sau, bí ẩn về chiếc máy bay MH370 vẫn chưa có lời giải, thế giới đã trải qua đại dịch COVID-19 với biết bao đổi thay. Nhưng có một người đã từng trải qua cuộc chiến với ung thư máu vẫn đam mê kinh doanh, làm việc và cống hiến hết mình tại một ngân hàng lớn.

Từ chỗ là những sinh viên xa quê, chỉ dám mơ ước có một căn hộ tập thể cũ nhỏ bé, anh và vợ đã có cuộc sống ổn định ở Hà Nội. Cuối năm 2022, niềm hạnh phúc của vợ chồng anh còn nhân lên gấp đôi khi con trai chào đời.

Ung thư chẳng những không thể khuất phục được người đàn ông dũng cảm ấy mà còn giúp anh có thêm khát vọng sống một cuộc đời đầy ý nghĩa và sẵn sàng chinh phục những bước tiến mới trong sự nghiệp.

Trương Hằng, ảnh: Lâm Tùng

Thiết kế: Hạnh Toàn

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan