Nhóm máu AB có phải nhóm máu hiếm?
Ở Việt Nam, người có nhóm máu AB chỉ chiếm 5% dân số. Tỷ lệ này thấp hơn so với các nhóm máu khác của hệ nhóm máu ABO. Vì thế, nhiều người cho rằng nhóm máu AB là nhóm máu hiếm, thực tế có phải như vậy không?
Có bao nhiêu hệ thống nhóm máu?
Năm 1901, nhà bác học Karl Landsteiner đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO, mở ra kỷ nguyên mới trong thực hành truyền máu. Năm 1940, Karl Landsteiner và nhóm các nhà khoa học đã phát hiện ra hệ nhóm máu Rh. Hệ nhóm máu ABO và hệ Rh là hai hệ thống nhóm máu có ý nghĩa nhất trong thực hành truyền máu.
Những năm sau đó, nhiều hệ nhóm máu hồng cầu khác đã được phát hiện như hệ nhóm máu Rh, Kell, Kidd, Duffy, Lewis, MNS… Mỗi hệ thống nhóm máu gồm một hoặc nhiều kháng nguyên. Phức tạp nhất là hệ nhóm máu Rh với trên 50 kháng nguyên – trong đó kháng nguyên D là phổ biến nhất.
Đến tháng 06/2021, Hội Truyền máu Quốc tế công nhận có tới 43 hệ nhóm máu hồng cầu với 376 kháng nguyên nhóm máu khác nhau.
Dựa trên sự có mặt hay vắng mặt của các kháng nguyên mang đặc tính di truyền trên bề mặt hồng cầu mà phân loại thành các nhóm máu khác nhau.
Thế nào là nhóm máu hiếm?
Hội Truyền máu Quốc tế quy ước: một kháng nguyên nhóm máu hay kiểu hình (gọi tắt là nhóm máu) có tần suất xuất hiện dưới 0,1% được gọi là nhóm máu hiếm và dưới 0,01% được gọi là nhóm máu rất hiếm.
Tần suất xuất hiện của nhóm máu có khác nhau?
Tần suất xuất hiện của nhóm máu và kiểu hình nhóm máu ở các chủng tộc, khu vực và các quốc gia rất khác nhau.
Do đó, nhóm máu này có thể là hiếm ở người da trắng, nhưng chưa chắc đã hiếm ở người châu Á.
Nhóm máu nào là hiếm ở Việt Nam?
Việc xác định tỷ lệ các nhóm máu của người Việt Nam được thực hiện khá sớm. Qua đó đã xác định được tỷ lệ các nhóm máu chính của hệ ABO và hệ Rh ở một số dân tộc và cộng đồng người Việt. Kết quả cho thấy một trong những nhóm máu hiếm thường gặp ở nước ta là Rh(D) âm vì chỉ chiếm dưới 0,1% dân số. Trong khi đó, ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc… tỷ lệ nhóm máu Rh(D) âm trong cộng đồng cao hơn nhiều, chiếm khoảng 15% – 40% dân số.
Với hệ thống nhóm máu ABO, khoảng 45% dân số nước ta có nhóm máu O. Nhóm máu A khoảng 20%, nhóm máu B khoảng 30% và 5% dân số nước ta có nhóm máu AB.
Như vậy thì ở Việt Nam, căn cứ theo quy ước của Hội Truyền máu Quốc tế, nhóm máu Rh(D) âm là nhóm máu hiếm vì chỉ chiếm gần 0,1% dân số. Nhóm máu AB không được coi là nhóm máu hiếm (vì chiếm tới 5% dân số). Nhóm này chỉ hiếm khi là nhóm AB Rh(D) âm.
Xem thêm tư vấn về Những lưu ý với người có nhóm máu hiếm
(Bài viết có tham khảo tư liệu từ các chuyên đề khoa học của các tác giả: PGS.TS. Bùi Thị Mai An, TS.BS. Trần Ngọc Quế, TS.BS. Hoàng Thị Thanh Nga, GS.TS. Nguyễn Anh Trí)
Bài viết liên quan
Vượt qua lằn ranh sinh tử nhờ những đơn vị máu hiếm
10 Tháng Mười Hai, 2022“Giữa ranh giới sự sống và cái chết, mọi người thực sự vỡ oà cảm xúc, những giọt máu ấy vô cùng quý giá”, chị Bùi Thị Nga (Giảng viên…
Người nhóm máu hiếm và những cuộc chạy đua thần tốc hiến máu cứu người
28 Tháng Mười Hai, 2020Chỉ cần một cuộc điện thoại kêu gọi, các thành viên của Câu lạc bộ Người nhóm máu hiếm sẵn sàng gạt hết mọi công việc, lên đường hiến máu…