Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Vượt qua lằn ranh sinh tử nhờ những đơn vị máu hiếm

Giữa ranh giới sự sống và cái chết, mọi người thực sự vỡ oà cảm xúc, những giọt máu ấy vô cùng quý giá”, chị Bùi Thị Nga (Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam) xúc động khi kể lại những ngày căng thẳng chiến đấu với bệnh sốt rét ác tính của thầy mình là Giáo sư nông nghiệp người Bỉ – có nhóm máu hiếm O Rh(D) âm.

Chị Bùi Thị Nga xúc động khi kể lại những ngày căng thẳng chiến đấu với bệnh sốt rét ác tính của thầy mình và cảm xúc vỡ oà khi nhận được sự giúp đỡ của những người mang nhóm máu hiếm

“Khi con người đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, người ta quý vô cùng tình người. Bệnh tình của thầy chuyển biến rất nhanh vì có hai bệnh cùng lúc là sốt xuất huyết và sốt rét ác tính. Gia đình đã đưa các cháu đến để nhìn mặt bố, thậm chí con trai thầy đã bay từ Bỉ sang Việt Nam. Ngay khi mình đăng thông tin cần nhóm máu hiếm lên mạng thì được các bạn chia sẻ rất nhiều và sau đó đã kết nối được với Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm miền Bắc. Từ đó, thầy được các bạn lần lượt giúp đỡ.

Khoảng 22h30 hôm đó, bác sĩ nói rằng tình hình đã ổn hơn. Lúc bấy giờ, mọi người thực sự vỡ oà cảm xúc. Giữa ranh giới sự sống và cái chết, tất cả mọi người đều rất xúc động. Những giọt máu bình thường đã quý, tại thời điểm ấy, những giọt máu ấy lại càng thêm quý giá. Lúc bấy giờ thầy chưa nói được nhiều, nhưng trong số rất ít những từ mà thầy nói được, thầy đã nói “Never forget!” (Sẽ không bao giờ quên ơn các bạn)”.

Đó là chia sẻ của chị Bùi Thị Nga (Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tại Chương trình Gặp mặt người hiến máu nhóm máu hiếm, nhóm máu hòa hợp phenotype năm 2022 diễn ra sáng nay 10/12/2022 tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Tham dự chương trình là những người hiến máu có nhóm máu hiếm, nhóm máu hòa hợp phenotype tích cực tham gia hiến máu trong năm 2022. Do tính chất và đặc điểm “hiếm có” ở nhóm máu của mình, những người này thường không tham gia hiến máu định kỳ mà bất kỳ khi nào nhận được điện thoại của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là họ thu xếp công việc, thậm chí di chuyển xa đến hiến máu cho người bệnh.

TS. BS. Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Chỉ tính riêng năm 2022, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận dự trù gần 350 đơn vị chế phẩm máu nhóm hiếm và 780 đơn vị máu hòa hợp phenotype từ các cơ sở điều trị. Lượng máu phù hợp dự trữ sẵn chỉ đáp ứng được khoảng 30%, 70% còn lại Viện phải huy động trực tiếp, khẩn cấp từ những người hiến máu”.

TS. BS. Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương bày tỏ sự cảm kích đến những người hiến máu

TS. Quế bày tỏ sự cảm kích đến những người hiến máu đã đến ngay lập tức sau khi nhận được lời kêu gọi của Viện. Nhờ sự nhiệt huyết, sẵn sàng đồng hành đó mà Viện Huyết học – Truyền máu TW cũng như các cơ sở y tế đã đảm bảo được nguồn máu vô cùng đặc biệt này.

TS. Trần Ngọc Quế cũng hy vọng rằng cộng đồng những người có nhóm máu hiếm và nhóm máu hòa hợp phenotype sẽ tiếp tục gắn bó, đồng hành cùng Viện, tích cực tham gia hiến máu kịp thời trong các trường hợp huy động khẩn cấp và những trường hợp người bệnh cần truyền máu định kỳ hàng tháng.

Các đại biểu lắng nghe câu chuyện xúc động về người nhóm máu hiếm, giữa những người hiến tặng và người bệnh chờ máu

ThS. Nguyễn Phương Thảo, Trưởng phòng Quan hệ công chúng báo cáo “Đảm bảo nguồn người hiến máu nhóm máu hiếm, nhóm máu hòa hợp Phenotype kịp thời, chất lượng, bền vững”

Toạ đàm giao lưu giữa bác sĩ, người nhà người bệnh và đại diện thành viên CLB nhóm máu hiếm miền Bắc

Thấu hiểu những khó khăn của việc truyền máu hòa hợp phenotype, chị Phạm Bích Thu, mẹ bệnh nhân tan máu bẩm sinh Đức Nguyên chia sẻ: “Khi con 16 tháng tuổi phải truyền máu lần thứ 2, cháu gặp phản ứng sốt lạnh, rét run, cơ thể mệt mỏi, cháu gào khóc, sau đó sốt cao đến hơn 39 độ. Đấy là những phản ứng đầu tiên, xảy ra rất nhanh, khiến gia đình rất lo sợ sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của con. Sau này được các bác sĩ giải thích, tôi mới biết máu của cháu cần phải truyền máu hòa hợp hơn 10 hệ nhóm máu khác, chứ nhóm B Rh(D) dương thôi là chưa đủ. Đến nay, sau 9 năm điều trị, cháu đã được nhận hơn 100 đơn vị máu, sự cho đi của quý vị mà không cần nhận lại là hành động vô cùng quý giá”.

Chị Phạm Bích Thu không giấu nổi sự xúc động khi con mình đã nhận được sự giúp đỡ của những người hiến máu trong suốt 10 năm qua

Chị Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm miền Bắc, hiện đang là bác sĩ công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc) chia sẻ trong suốt quá trình sinh hoạt tại câu lạc bộ, chị đã chứng kiến nhiều câu chuyện thành viên CLB nhóm máu hiếm đã kịp thời hiến máu cứu người trong những tình huống nguy cấp.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm miền Bắc mang đến chương trình nhiều câu chuyện ý nghĩa

Một bạn có nhóm máu A Rh(D) âm, quê tại Thanh Hoá đi biển đánh cá thì bị tai nạn lao động trên biển, được cứu hộ đưa vào Nghệ An, truyền máu cấp cứu và chuyển ra Bệnh viện Viện Đức. Nhóm máu A Rh(D) âm tại thời điểm đó trong kho không còn nhiều nên phải huy động các thành viên ở khu vực lân cận. Đặc biệt có nhiều anh, chị, em đón xe từ Thanh Hoá ra Hà Nội, lặn lội từ sáng sớm để đến hiến máu rồi về luôn trong ngày”.

Tháng 10 năm nay, cùng lúc với trường hợp giáo sư người Bỉ cần truyền 20 lít các chế phẩm máu, cũng có nhiều bệnh nhân khác ở Bệnh viện Nhi TW cần nhóm máu hiếm.

Trong vòng 10 ngày liên tiếp, CLB đã huy động các thành viên vừa hiến máu toàn phần vừa hiến tiểu cầu. Lúc đó, Hà Nội cũng đang có dịch cúm mùa và sốt xuất huyết nên không phải ai cũng đủ sức khoẻ để hiến máu nhưng họ đã cố gắng hết sức để có đủ máu cho những người đang cần. Cũng có những người chưa phải là thành viên CLB nhưng biết mình thuộc nhóm máu hiếm, khi biết thông tin đã không ngần ngại tham gia.

Đa số mọi người đều sẵn sàng lên đường khi được kêu gọi. Thậm chí, các thành viên ở tỉnh xa đã xin nghỉ phép để đi đến Viện hiến máu. Nhiều khi họ đến rồi đi vội vàng đến mức các thành viên không kịp gặp nhau.

Khẩn trương, kịp thời và hơn hết là tất cả vì người bệnh đang cần máu trở thành tinh thần của những người nhóm máu hiếm, nhóm máu hoà hợp phenotype. Nhờ những giọt máu cho đi mà những lằn ranh sự sống, cái chết được phá bỏ, những sự sống được giữ lại, hạnh phúc lan toả khắp muôn nơi.

Một số hình ảnh tại chương trình:

Trao bằng khen của Ban chỉ đạo Quốc gia cho các cá nhân hiến máu tiêu biểu

Trao giấy khen của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho các cá nhân hiến máu tiêu biểu

Ra mắt Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Người nhóm máu hiếm Khu vực miền Bắc nhiệm kỳ 2023 – 2025

Ngay sau chương trình, TS. Quế đã hiến máu phenotype cho bệnh nhân đang cần

Tháng 06/2021, Hội Truyền máu Quốc tế công nhận có tới 43 hệ nhóm máu hồng cầu với 376 kháng nguyên nhóm máu khác nhau. Mỗi hệ thống nhóm máu gồm 1 hoặc nhiều kháng nguyên, phức tạp nhất là hệ nhóm máu Rh với trên 50 kháng nguyên.

Thế nào là nhóm máu hiếm?

Hội Truyền máu Quốc tế quy ước: một nhóm máu có tần suất xuất hiện dưới 0,1% được gọi là nhóm máu hiếm và dưới 0,01% được gọi là nhóm máu rất hiếm. Như vậy thì ở Việt Nam, nhóm máu Rh(D) âm là nhóm máu hiếm vì chỉ chiếm gần 0,1% dân số (tương đương 96.000 người).

Nhóm máu phenotype và truyền máu hòa hợp phenotype?

Ngoài hệ nhóm máu ABO và Rh(D) là hai hệ thống nhóm máu có ý nghĩa nhất trong thực hành truyền máu thì còn rất nhiều các hệ thống nhóm máu khác mà kháng nguyên của nó có tính sinh miễn dịch cao, tức là có thể kích thích cơ thể người nhận sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên tương ứng (còn gọi là kháng thể bất thường). Các kháng thể bất thường này có thể gây ra các tai biến truyền máu và để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh.

Ở những bệnh nhân càng truyền máu nhiều lần thì khả năng tiếp xúc với kháng nguyên lạ càng nhiều và nguy cơ sinh kháng thể bất thường ở những bệnh nhân này càng cao. Khi đó, truyền máu hòa hợp hệ nhóm máu ABO và Rh(D) là chưa đủ để đảm bảo an toàn cho người bệnh mà phải truyền máu hòa hợp các kháng nguyên của các hệ thống nhóm máu khác (hay còn gọi là truyền máu hòa hợp phenotype).

Thảo Nguyên – Hải Yến

Ảnh: Trần Chiến, Clip: Lâm Tùng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan