Những điều cần lưu ý về bảo hiểm y tế thời điểm cuối năm
Thời điểm cuối năm, người bệnh thường có những băn khoăn về thủ tục hành chính liên quan đến bảo hiểm y tế (BHYT). Qua tìm hiểu nhu cầu của người bệnh, những câu hỏi phổ biến trong giai đoạn này bao gồm:
- Đang điều trị theo hẹn và có giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế BHYT, sang năm mới cần làm thủ tục gì để tiếp tục được hưởng BHYT?
- Người đang được hưởng chế độ miễn cùng chi trả BHYT trong năm có được tiếp tục hưởng quyền lợi này khi sang năm tiếp theo?
Người bệnh và người chăm sóc nghe tư vấn về các thủ tục liên quan đến BHYT dịp cuối năm
Người bệnh, người chăm sóc cần lưu ý những vấn đề sau để đảm bảo quyền lợi hưởng BHYT khi khám, chữa bệnh:
1. Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế
Đối tượng: Người tham gia BHYT tự nguyện; người kết thúc thời gian hưởng chính sách hộ nghèo, cận nghèo, thất nghiệp, nghỉ ốm.
Lưu ý:
- Người bệnh chủ động đóng tiền gia hạn thẻ ít nhất 10 ngày trước khi hết hạn thẻ. Người bệnh/người nhà cần tới đại lý thu BHXH, BHYT hoặc cơ quan BHXH gần nhất. Trường hợp không thể đến trực tiếp, người bệnh có thể đóng tiền gia hạn trực tuyến.
2. Giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT
Đối tượng: Tất cả người bệnh khám, chữa bệnh đúng tuyến
Lưu ý:
- Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch đó. Trường hợp đến hết ngày 31 tháng 12 của năm đó mà người bệnh vẫn đang điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết đợt điều trị nội trú đó. Sang năm dương lịch mới, người bệnh cần xin lại giấy chuyển tuyến để được hưởng BHYT theo đúng tuyến.
- Trong lần khám/điều trị đầu tiên của năm mới (sử dụng giấy chuyển tuyến mới), khi làm thủ tục hành chính (đối với người đi khám) hoặc khi thanh toán ra viện (đối với người bệnh nội trú), người bệnh cần photo giấy chuyển tuyến đã có dấu giám định BHXH để sử dụng cho các lần khám/điều trị tiếp theo trong năm.
3. Thẻ bảo hiểm y tế dành cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo
Đối tượng: Người bệnh đang được hưởng quyền lợi BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Lưu ý:
- Nếu người bệnh không còn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo khi bước sang năm tiếp theo, người bệnh cần tham gia ngay BHYT hộ gia đình ít nhất 10 ngày trước khi kết thúc năm để không gián đoạn BHYT khi đi khám/điều trị.
4. Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm
Đối tượng: Người đã có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục; có số tiền khám, chữa bệnh cùng chi trả trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở; đi khám chữa bệnh đúng tuyến bảo hiểm y tế đã làm thủ tục đề nghị và được cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.
Lưu ý:
- Giấy chứng nhận có giá trị đến hết ngày 31/12 của năm được cấp hoặc ngày hết hạn thẻ BHYT (người bệnh cần gia hạn thẻ BHYT để được hưởng quyền lợi đến hết năm).
- Người bệnh gia hạn BHYT kịp thời để không bị gián đoạn quyền lợi hưởng BHYT
- Khi bắt đầu năm dương lịch mới và có giấy chuyển đúng tuyến, người bệnh được chi trả BHYT theo mức hưởng của thẻ BHYT (80% hoặc 95%). Để được cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm tiếp theo, người bệnh cần đạt đủ các điều kiện (như đề cập ở trên) và làm lại hồ sơ đề nghị với cơ quan BHXH quận/huyện hoặc tỉnh/thành phố.
5. Thông tin thêm cần biết
- Hướng dẫn thủ tục khám bệnh theo bảo hiểm y tế tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương
- Thẻ bảo hiểm y tế theo mẫu mới và những đối tượng được cấp
- Người bệnh có thể chủ động tra cứu thông tin thẻ BHYT của mình trên website của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Trên đây là những nội dung nằm trong chương trình tư vấn công tác xã hội cho người bệnh và người chăm sóc. Tháng 11/2022, Phòng Công tác xã hội phối hợp với Phòng Tài chính kế toán đã tổ chức buổi tư vấn với chủ đề “Những lưu ý về các thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh theo BHYT thời điểm cuối năm”.
Các nội dung cụ thể trong chương trình bao gồm: 1. Ý nghĩa khi tham gia BHYT toàn dân 2. Một số thủ tục hành chính để người bệnh được hưởng BHYT đúng tuyến 3. Một số lưu ý cho người bệnh trong thời điểm cuối năm 4. Các giấy tờ cần thiết khi đi khám, chữa bệnh tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương Người bệnh có nhu cầu được tư vấn cụ thể xin vui lòng liên hệ: Phòng Công tác xã hội, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương Địa chỉ: phòng 907, toà nhà H, phố Phạm Văn Bạch, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội Số điện thoại: 024 3833 0088 |
Hải Yến (tổng hợp), ảnh: Gia Thắng
Bài viết liên quan
Phổ biến nội quy đối với người bệnh và người chăm sóc
23 Tháng Chín, 2022Tư vấn công tác xã hội cho người bệnh là hoạt động được tổ chức định kỳ tại viện từ năm 2016 đến nay dành cho đối tượng người bệnh…
Tập huấn phòng chống nhiễm khuẩn cho người bệnh và người chăm sóc
26 Tháng Mười, 2022Nhằm đảm bảo vệ sinh, phòng chống nhiễm khuẩn và giảm chi phí điều trị cho người bệnh, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tổ chức buổi…
Tư vấn chăm sóc cho người bệnh Lơ xê mi cấp
16 Tháng Chín, 2022Chiều ngày 15/9/2022, buổi tư vấn chăm sóc cho người bệnh Lơ xê mi cấp tại Khoa Điều trị hoá chất đã được tổ chức. Đây là hoạt động truyền…