Những đóng góp thầm lặng phía sau đơn thuốc
Công việc dược sĩ trong bệnh viện như chiếc cầu nối để mỗi viên thuốc, dịch truyền hay hoá chất đến tay người bệnh, góp phần quan trọng vào hiệu quả điều trị. Điều đó đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và lòng tận tâm yêu nghề.
Những viên thuốc khi bị ốm ngày bé dường như đã khắc sâu trong lòng mỗi người những kỷ niệm khó quên.
“Lúc tôi còn nhỏ, y tế ở nông thôn ngày ấy chưa phát triển. Tôi và mấy chị em lại hay ốm. Tôi nhớ mỗi lần bị ốm, mẹ tôi phải đi mua thuốc rất xa. Lúc đó, tôi thấy viên thuốc “thần kỳ” lắm, không biết vì sao mình đang ốm như thế uống vào lại khỏi được”.
Sự “thần kỳ” của viên thuốc ngày ấy có lẽ đã giúp mỗi người nuôi dưỡng ước mơ trở thành dược sĩ, để tiếp tục mang lại những điều tuyệt vời cho người bệnh. Đó là những chia sẻ của TS. Vũ Duy Hồng, Trưởng khoa Dược, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, người đã 20 năm gắn bó với công việc tại khoa.
Có những công việc của người dược sĩ trong bệnh viện thường xuyên tiếp xúc với người bệnh như dược lâm sàng hay công việc tại nhà thuốc bệnh viện.
Bên cạnh đó là những nghiệp vụ thầm lặng phía sau như cung ứng thuốc, cấp phát và chia thuốc, pha chế hoá chất… để mỗi đơn thuốc đến tận tay người bệnh thật chính xác và kịp thời. Họ tự hào khi mang sứ mệnh của những người phục vụ cho người bệnh.
DSCKII. Nguyễn Duy Tân, Phó trưởng khoa Dược (đứng sau) theo dõi các công việc tại kho thuốc.
Khoa Dược phụ trách chia thuốc cho 100% người bệnh đang điều trị nội trú tại Viện.
Nhân viên khoa Dược đóng gói thuốc cho người bệnh
Nhân viên khoa Dược chuẩn bị để pha chế theo các y lệnh hoá trị.
Bộ phận pha chế bắt đầu công việc từ 6h30 sáng hàng ngày.
Mỗi ngày, khoa Dược nhận được từ 200 – 400 y lệnh hoá trị. Để thực hiện những y lệnh này, bộ phận pha chế hoá chất sẽ chuẩn bị từ chiều hôm trước. 6h30 sáng hôm sau, đơn thuốc hoá chất sẽ được pha chế và chuyển lên các khoa lâm sàng để kịp giờ truyền cho người bệnh.
Pha chế thuốc rất quan trọng trong công tác điều trị người bệnh của Viện Huyết học – Truyền máu TW. DSĐH. Phan Ngọc Luân, Kỹ thuật viên trưởng, Khoa Dược cho biết: “Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác tuyệt đối bởi một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị”.
Đứng sau hỗ trợ bác sĩ điều trị là một nhóm đa ngành, trong đó có dược sĩ. Đi thăm buồng bệnh, trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh liều lượng thuốc theo tình trạng người bệnh và kết quả xét nghiệm là những công việc của dược sĩ lâm sàng.
ThS. Phạm Minh Tuấn, Phó trưởng khoa Dược tâm sự về công việc: “Người ta ví viên thuốc như chiếc xe hơi. Chúng tôi không phải là người trực tiếp lái nhưng sẽ ngồi cùng, đóng vai trò định vị để cùng bác sĩ đi đúng hướng, vượt qua những ổ gà – những khó khăn như tương tác thuốc, tác dụng phụ của thuốc để người bệnh đến đích điều trị hợp lý, an toàn, hiệu quả”.
ThS. Phạm Minh Tuấn (đứng thứ ba từ trái qua) cùng bác sĩ khoa Ghép tế bào gốc thăm phòng bệnh.
Khi nhận được báo cáo phản ứng có hại của thuốc, người dược sĩ lại giống như những thám tử, tra cứu lại các kết quả xét nghiệm để tìm ra các vấn đề, hội chẩn với bác sĩ để có những điều chỉnh phù hợp cho người bệnh.
“Nhìn thấy người bệnh tươi cười, hồi phục sức khoẻ sau ca bệnh, đó là niềm vui của chúng tôi. Đôi khi niềm vui đó cứ âm ỉ suốt cả tuần”.
Dược sĩ lâm sàng hướng dẫn báo cáo phản ứng có hại của thuốc cho điều dưỡng viên.
Họ không chỉ hết mình làm tròn trách nhiệm công việc mà còn bằng cái tâm.
Đón tiếp hàng trăm lượt người ghé qua nhà thuốc bệnh viện mỗi ngày, DS. Trần Tiến Bằng nhớ mãi một bệnh nhi tan máu bẩm sinh. Cô bé 13 tuổi, bố của em cũng bị ốm, mẹ phải đi làm nên mỗi tháng em đều đi một mình từ Gia Lâm đến Viện.
Nét rưng rưng vẫn đọng lại trên khuôn mặt của DS. Trần Tiến Bằng mỗi khi nghĩ đến bệnh nhi đó.
“Hôm đấy em lại quên mất đường về. Tôi phải lên tra bản đồ để chỉ đường cho em. Tôi còn gọi một chuyến xe ôm cho em ấy vì lúc đấy trời đã chập tối lại đổ mưa”, anh Bằng kể lại. “Một cảm xúc gì đấy trào dâng trong tôi và tôi muốn chăm sóc bệnh nhi đó như em gái của mình”.
Với DS. Cù Thị Lan Trang, niềm vui trong công việc của chị đến từ những lời tâm sự chân thành của người bệnh. “Điều khiến mình thấy vui nhất là khi người bệnh đi khám lại và chia sẻ tình trạng bệnh đã thuyên giảm, số tiền mua thuốc tháng này ít hơn tháng trước”.
Thời điểm năm 2004, số lượng nhân viên của khoa Dược chỉ có 2 người. Đến nay, nhân sự của khoa là 34 cán bộ, nhân viên, đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng phát triển.
Dù ở vị trí nào, những dược sĩ tại Viện Huyết học – Truyền máu TW luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và lòng nhiệt huyết. Đó là những đóng góp âm thầm nhưng không thể thiếu để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Hải Yến – Clip: Lâm Tùng
Ảnh & thiết kế: Trần Chiến, Quang Hải
Bài viết liên quan
Hưởng ứng ngày An toàn người bệnh Thế giới 2024
17 Tháng Chín, 2024Ngày 17 tháng 9 hàng năm đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn là Ngày An toàn người bệnh Thế giới (World Patient Safety Day) nhằm nâng…
Tập huấn An toàn trong sử dụng thuốc cho người bệnh
12 Tháng Năm, 2023Chiều ngày 11/5, Viện Huyết học – Truyền máu TW tổ chức tập huấn An toàn trong sử dụng thuốc cho người bệnh. Chủ đề của buổi tập huấn là…
Cập nhật Bản tin thông tin thuốc số 02 – 2024
20 Tháng Tám, 2024Bản tin thông tin thuốc do Bộ phận Dược lâm sàng – Khoa Dược, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương biên soạn nhằm cập nhật thông tin cho…