Những thầy, cô giáo ươm mầm tốt đẹp từ hiến máu tình nguyện
Những thầy, cô giáo không chỉ là tấm gương sáng rèn đức, luyện tài để học trò noi theo. Họ còn trở thành những người lan toả tích cực phong trào hiến máu tình nguyện.
Hành động ý nghĩa nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, vợ chồng cô giáo Ngô Thị Bích Huệ “trốn” con lúc 6h sáng đi từ Mỹ Đức đến Viện Huyết học – Truyền máu TW để hiến tiểu cầu.
Bận rộn với công việc giáo viên mầm non nhưng cứ khi nào có chương trình hiến máu tại địa phương, chị Huệ cùng những đồng nghiệp trong trường lại tích cực tham gia. Không những thế, chị Huệ còn chủ động đi hiến máu nhắc lại khi đủ ngày. Nhưng mỗi lần phải chờ đến 3 tháng mới khiến cô giáo cảm thấy vô cùng “sốt ruột”. Chị quyết định chuyển sang hiến tiểu cầu vì mong muốn được hiến liên tục để giúp đỡ bệnh nhân.
Thật hạnh phúc khi cả 2 vợ chồng chị Huệ đều có chung niềm mong mỏi ấy. Họ đã thường xuyên đồng hành với nhau trao đi giọt máu và tiểu cầu. Mỗi người đã sở hữu cho mình 15 cuốn “sổ đỏ” (giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện) và luôn động viên nhau cố gắng giữ gìn sức khoẻ để cống hiến nhiều hơn nữa.
Lý do chị Huệ hiến tiểu cầu khi sắp đến ngày 20/11 cũng được bật mí: “Năm nào đến ngày kỷ niệm của ngành, tôi đều muốn làm một việc ý nghĩa. Hai năm nay tôi đã chọn đi hiến tiểu cầu. Đơn giản là mình muốn cho đi”.
Hai vợ chồng cô giáo Ngô Thị Bích Huệ cùng nhau hiến tiểu cầu nhân dịp 20/11.
Thầy giáo có “thâm niên” 20 năm hiến máu
Thầy giáo Lê Quyết Thắng (Thanh Xuân, Hà Nội) là người có “thâm niên” 20 năm trong việc hiến máu, hiến tiểu cầu. Được trưởng thành trong gia đình có truyền thống hiến máu tình nguyện nên anh Thắng đã sớm bén duyên với nghĩa cử cao đẹp này từ khi bắt đầu lên đại học. Đến nay con số này đã chạm mốc 97 lần.
“Hiến máu đem lại cho mình sức khoẻ tốt, mọi hoạt động, trạng thái đều thoải mái. Chính vì hiến máu là việc ý nghĩa cho cuộc sống nên mình đã tham gia và duy trì đều đặn”, anh Thắng chia sẻ lý do cứ đủ 21 ngày là sắp xếp thời gian đi hiến tiểu cầu.
“Nếu đến ngày mà chưa đi thì cảm thấy còn điều gì đó chưa trọn vẹn trong tuần đó, tháng đó. Vì vậy mình sẽ cố gắng thời gian gần nhất để đi hiến tiểu cầu”.
Là giảng viên của Học viện Phòng không – Không quân, hành động của người thầy đã góp phần bồi đắp phẩm chất cao đẹp của tuổi trẻ Việt Nam đến nhiều thế hệ sinh viên, biết đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn trong cuộc sống, từ đó sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội”.
Thầy giáo Lê Quyết Thắng tâm nguyện sẽ cố gắng đảm bảo sức khoẻ thật tốt để thường xuyên tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu để giúp đỡ cho người bệnh.
Anh Thắng bày tỏ niềm trân quý và hạnh phúc khi nhận được giấy mời tham dự chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2023 của Viện. Chúng tôi cũng được gặp anh Thắng hiến tiểu cầu ngay trước thềm buổi lễ.
“Bản thân mình không xác định hiến máu vì 1 điều gì đó. Mình chỉ nghĩ cứ cho đi, mang lại sức khoẻ và dòng máu khoẻ mạnh cho người bệnh”.
Tranh thủ hiến máu trong lúc đưa con đi học
Cách đây 6 năm, vợ chồng chị Hồ Thị Hồng Gấm lặn lội đưa con từ TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc đến Hà Nội đi học. Những ngày cuối tuần như thế, khi thì họ đến hiệu sách, khi lại đi đâu đó ngồi chờ con suốt 3-4 tiếng đồng hồ. Có một lần trong lúc chờ con, hai vợ chồng chị Gấm chợt nghĩ đến một việc làm có ích. Họ đã ghé thăm Viện Huyết học – Truyền máu TW và trao tặng những giọt máu. Từ đó trở đi, họ bền bỉ gắn bó với hoạt động hiến máu tình nguyện.
Đặc biệt trong giai đoạn sốt xuất huyết cần huy động nhiều người hiến tiểu cầu, vợ chồng chị cứ đăng ký qua app “Hiến máu” và đi hiến theo lịch hẹn.
Thỉnh thoảng, anh chị vẫn nói đùa với nhau: “Chúng mình có gần 100 cuốn “sổ đỏ”. Chúng mình giàu lắm mình ạ”.
Hai vợ chồng cô giáo Hồ Thị Hồng Gấm tại chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2023
Chị Hồ Thị Hồng Gấm hiện nay là giáo viên trường THCS Xuân Hoà, TP. Phúc Yên. Chị cũng là một trong 9 cá nhân được trao tặng bằng khen của TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu của tỉnh. Xúc động trước sự ghi nhận đáng trân trọng này, chị Gấm mong muốn có thể nối dài hành động hiến máu.
Được biết, con trai của chị Gấm cũng nối tiếp hành động đẹp của cha mẹ và trở thành tình nguyện viên của Hành trình Đỏ trong 2 năm liên tiếp 2022 – 2023 (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Câu chuyện về “niềm đam mê” hiến máu tình nguyện của các thầy, cô giáo mang đến nguồn cảm hứng tuyệt vời. Họ không chỉ trao truyền tri thức mà đang ngày ngày ươm những hạt mầm tốt đẹp cho xã hội.
Hải Yến – Ảnh: Trần Chiến
Bài viết liên quan
Thầy giáo 3h sáng chạy vào bệnh viện hiến tiểu cầu cứu thai phụ
20 Tháng Mười Một, 2023Một thai phụ ở vùng núi Quảng Nam nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Nghe cuộc gọi từ bệnh viện, thầy giáo tức tốc đến bệnh viện lúc 3h…
Cao Bằng: Hai cán bộ công an hiến máu cứu sản phụ
19 Tháng Mười Một, 2023Trong quá trình sinh nở, chị N. bị mất nhiều máu, bệnh viện không đủ số máu dự trữ. Nhận được tin báo, 2 cán bộ Công an tỉnh Cao…
Chia sẻ thời gian, công sức và những “giọt máu vàng”
18 Tháng Mười Một, 2023Ngày 18/11, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương ương tổ chức chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2023. Đây là lần thứ 4…