Niềm hạnh phúc giản dị của người điều dưỡng
Điều dưỡng, kỹ thuật viên vẫn được ví như những “chiến sĩ thầm lặng”, như “ánh sao đêm” vẫn thức với người bệnh từng phút, từng giờ. Cùng với các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chính là điểm tựa của người bệnh, là những người trực tiếp chăm sóc, đồng hành và gắn bó với người bệnh nhiều nhất.
Tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, đây còn là đội ngũ cán bộ y tế đông đảo nhất giữ vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo chất lượng cho hàng triệu xét nghiệm, thực hiện công tác tiếp nhận, điều chế, sàng lọc và đưa những đơn vị máu chất lượng, an toàn tỏa đi muôn nơi, kịp thời cứu sống người bệnh.
Nhân ngày Quốc tế Điều dưỡng – 12/5/2023, những người chiến sĩ thầm lặng ấy đã có những chia sẻ đầy ý nghĩa về niềm hạnh phúc, lòng quyết tâm theo đuổi con đường mình đã chọn dẫu cho phía sau là rất nhiều áp lực.
ThS. Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Điều dưỡng trưởng Khoa Bệnh máu tổng hợp
Nghề y nói chung, điều dưỡng nói riêng luôn phải đối mặt với nhiều tình huống khác nhau, sẵn sàng với những ca trực thức trắng đêm theo sát tình hình người bệnh.
Chúng tôi mỗi người một nhiệm vụ, ai cũng xông xáo, tận tụy, làm việc không nề hà, tất cả đều một lòng hướng đến người bệnh.
Vất vả là vậy nhưng hạnh phúc là khi có thể cùng đồng nghiệp giành lại sự sống cho người bệnh từ tay tử thần. Hạnh phúc là khi nhận được cái vẫy tay chào cùng nụ cười, lời cảm ơn của người bệnh và người nhà người bệnh khi rời khoa. Nghề nào đi nữa cũng cần có chữ “Tâm”, nghề điều dưỡng thì lại càng cần hơn nữa khi hàng ngày phải chứng kiến bao cảnh đời bất hạnh, bao căn bệnh hiểm nghèo.
Chúng tôi luôn tự hào khi được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, luôn tận tâm trong công việc để xứng đáng với ba chữ “Điều dưỡng viên”.
Điều dưỡng Đỗ Thị Xuân – Trung tâm Hemophilia
Điều ý nghĩa nhất khi làm một điều dưỡng là được góp một phần nhỏ công sức của mình giúp người bệnh Hemophilia giảm bớt đau đớn, để người bệnh có một cuộc sống bình thường giống như bao người khác.
Vì thế, tôi luôn mong có thể giúp đỡ được nhiều người bệnh trên con đường mình đã chọn.
Điều dưỡng Vũ Thị Thành Tâm – Khoa Điều trị hóa chất
Hạnh phúc của người điều dưỡng, đối với tôi đơn giản là những cái bắt tay, là ánh mắt rạng rỡ của người bệnh khi được xuất viện, là những nụ cười của người bệnh mỗi khi tôi bước vào phòng bệnh.
Tôi không thể quên ánh mắt cầu cứu của một người bệnh trong lúc nguy kịch. Trong phút giây đó, mắt tôi đã cay cay nhưng lý trí vẫn phải vững vàng, tôi tự nhắc bản thân: phải thật cố gắng, hết sức cố gắng để cùng các bác sĩ cứu em. Nhưng phép màu đã không đến, em ấy đã ra đi mãi mãi…
Vẫn biết ngành y là trăm ngàn nỗi vất vả, khó khăn nhưng khi nhiệt huyết với nghề đã luôn chảy trong tim, tôi biết mình phải trở thành một điều dưỡng tận tâm để có thể giúp người bệnh vượt qua đau đớn về thể xác cũng như tinh thần.
ThS. Vũ Đức Quang – Khoa Đông máu
Là một kỹ thuật viên xét nghiệm, tôi nhận thức được điều quan trọng nhất trong công việc của mình là đảm bảo sự chính xác của kết quả xét nghiệm, góp phần vào thành công chung trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người bệnh.
Chính vì vậy, điều khiến một kỹ thuật viên như tôi cảm thấy hạnh phúc và có ý nghĩa nhất đó là có thể góp phần đem lại cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn cho người bệnh.
ThS. Vũ Đức Quang (đứng giữa) báo cáo tại Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế khu vực Hà Nội
Điều dưỡng Nguyễn Đức Minh – Khoa Tiếp nhận máu và các thành phần máu
Ngành điều dưỡng trong mắt của những người bạn, người thân sẽ nghĩ ngay đến việc chăm sóc và tiêm truyền cho người bệnh. Nhưng với một nam điều dưỡng như tôi đang làm việc tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương lại có một nhiệm vụ khác: Tôi được đi rất nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S này để tiếp nhận những đơn vị máu, mang về cho người bệnh.
Đối với người bệnh cần máu, máu là sự sống, nếu như không có máu, người bệnh có thể phải đối điện với cửa tử… Hình ảnh đó đã thôi thúc tôi cần phải hành động, cần phải giữ gìn sức khoẻ của bản thân để có thể đi nhiều nơi, nhiều tỉnh thành để cố gắng làm được những gì tốt đẹp nhất.
Nhân ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5, xin chúc những đồng nghiệp của tôi thật nhiều sức khoẻ bình an để có thể giúp ích cho đời! Cảm ơn “Ngôi nhà thứ 2” của tôi – Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã cho tôi được cống hiến tuổi thanh xuân của mình để giúp ích một phần nhỏ cho cộng đồng!
DSCĐ. Nguyễn Thị Minh Huệ – Khoa Lưu trữ và phân phối máu
Điều dưỡng, kỹ thuật viên của khoa Lưu trữ và phân phối máu chúng tôi tự hào vì được đóng góp một phần nhỏ vào hành trình vận chuyển từng đơn vị máu đến các bệnh viện tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Dù công việc có nhiều thử thách, nhưng mỗi khi các bệnh viện cần chế phẩm máu cho cấp cứu, bất kể ngày hay đêm, với tâm thế và tinh thần sẵn sàng phục vụ, chúng tôi đều cố gắng hết mình.
DSCĐ. Nguyễn Thị Minh Huệ trên hành trình đưa từng đơn vị máu đến khắp các tỉnh thành phía Bắc
Kỹ thuật viên Nguyễn Tuyết Nhung – Khoa Điều chế các thành phần máu
Nếu được chọn lại tôi vẫn sẽ chọn nghề Y. Nghề Y của tôi là một nghề đặc biệt. Khi chứng kiến người bệnh đang đứng ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, khi ấy bạn mới hiểu nghề Y đặc biệt và áp lực đến nhường nào.
Nghề Y của tôi áp lực có, mệt mỏi có, khó khăn có, gian nan có, sợ hãi có… nhưng sau tất cả, đó là niềm hạnh phúc vô bờ khi được chứng kiến bệnh nhân khỏi bệnh và chính mình cũng được góp sức vào hành trình chữa bệnh gian nan ấy.
Mỗi ca trực là những đêm thức trắng với bước chân vội vã, những bữa cơm vội vàng, những giọt mồ hôi rơi ướt đẫm chiếc áo blouse trắng… Áp lực với cường độ công việc khẩn trương và liên tục như vậy, mệt mỏi, vất vả đấy nhưng nghĩ đến người bệnh đang chờ đợi mình ở phía trước, chứng kiến những nỗi đau bệnh tật mà người bệnh của chúng tôi phải trải qua thì dù có áp lực, mệt mỏi hơn nữa chúng tôi cũng nhất định sẽ vượt qua.
Kỹ thuật viên Nguyễn Tuyết Nhung miệt mài điều chế những đơn vị máu, góp phần mang lại sự sống cho người bệnh
Và hơn ai hết, chúng tôi hiểu trách nhiệm của mình lớn đến nhường nào trên con đường khám chữa bệnh đầy gian nan vất vả ấy. Cán bộ y tế chúng tôi không chỉ giúp người bệnh xoá tan đau đớn bệnh tật mà còn là điểm tựa, chỗ dựa để bệnh nhân vượt qua áp lực tâm lý, khó khăn khi điều trị bệnh. Vâng, nghề Y, tài chưa đủ mà còn cần cái tâm với nghề.
Trương Hằng, ảnh: Trần Chiến, NVCC
Bài viết liên quan
Thư chúc mừng của Viện trưởng nhân Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5/2023
11 Tháng Năm, 2023Nhân Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã gửi thư chúc mừng đến hơn 600 điều…
Vai trò của xét nghiệm HLA trong ghép tế bào gốc
11 Tháng Năm, 2023Xét nghiệm HLA là một kỹ thuật cao thường được sử dụng để đánh giá mức độ phù hợp kháng nguyên bạch cầu giữa người hiến và người nhận trong…
Bác sĩ, điều dưỡng hiến máu cứu nam thanh niên gặp tai nạn giao thông thoát cửa tử
13 Tháng Năm, 2023Nhờ kích hoạt hệ thống báo động đỏ nội viện và sự hiến máu kịp thời của các bác sĩ, điều dưỡng, nam thanh niên bị đa chấn thương bụng…