8 cách phòng bệnh sốt xuất huyết cho cư dân sống ở đô thị
Phòng bệnh sốt xuất huyết thực sự cần thiết trong bối cảnh mùa mưa quay trở lại và chưa có vắc xin lẫn thuốc điều trị đặc hiệu.
Ở thành phố, điển hình như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… không có nhiều không gian rộng, thoáng như ở vùng ven hay nông thôn. Việc sử dụng những biện pháp diệt muỗi như dùng thuốc xịt, đốt nhang gây nhiều tranh cãi. Điều này không chỉ gây độc cho hàng xóm xung quanh hít phải mà còn vô tình tiêu diệt các sinh vật ăn muỗi.
Nguy cơ bùng dịch “kép” COVID-19 và sốt xuất huyếtThời điểm giao mùa cuối tháng 9 cũng là lúc dịch sốt xuất huyết bùng phát trở lại, khiến chúng ta không thể chủ quan. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 8 tháng đầu năm 2021, cả nước ghi nhận 43.952 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc sốt xuất huyết giảm 9,35% nhưng số ca tử vong lại tăng 10 trường hợp. Riêng TP. Hà Nội ghi nhận hơn 724 ca mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 27/30 quận, huyện, thị xã. Do dịch COVID-19 nên nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết không được thăm khám và điều trị kịp thời dẫn đến nguy kịch và có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. |
Những cách phòng bệnh sốt xuất huyết dưới đây sẽ phù hợp cho người dân tại khu vực đô thị.
1. Sử dụng màn chống muỗi chất lượng cao
Ngủ màn là biện pháp tối ưu để phòng bệnh sốt xuất huyết. Đến nay, biện pháp đơn giản vẫn còn nguyên tác dụng. Đặc biệt, chi phí sử dụng không cao và phát huy tác dụng trong thời gian dài.
Các loại màn mỏng, nhẹ và có kiểu đan dày là sự lựa chọn hoàn hảo để muỗi không thể tiếp cận vào buổi tối.
Treo màn lên hoặc gấp gọn màn để tránh muỗi không thể xâm nhập hoặc dùng chúng để che cửa sổ, cửa ra vào.
Dành ra 2 phút kiểm tra màn thường xuyên để tránh trường hợp bị rách hoặc bị thủng.
Ngoài ra, chúng ta có thể mua màn có tẩm thuốc diệt muỗi permethrin nồng độ thấp để được bảo vệ tốt nhất.
Xem thêm: Sốt xuất huyết và những điều cần biết
2. Bôi thuốc chống muỗi
Phương pháp này tuy được nhiều người sử dụng nhưng có trường hợp bị dị ứng, mẩn ngứa, đặc biệt là trẻ em có làn da nhạy cảm.
Thuốc chống muỗi thường chứa các hoạt chất như: DEET, tinh dầu, nepetalactone… Trong đó, hoạt chất DEET từ lâu được coi như thành phần diệt côn trùng tốt nhất.
Để an toàn cho người sử dụng, nên thử dùng trước cho một vùng da nhỏ mặt trong cánh tay. Nếu không xuất hiện kích ứng, mẩn ngứa thì mới bôi lên vị trí khác.
Đối với trẻ nhỏ, trước khi đi ngủ trong màn, cha mẹ hãy lau sạch vị trí bôi thuốc chống muỗi cho sạch sẽ để loại bỏ tất cả hoạt chất thuốc chống muỗi.
3. Trồng cây đuổi muỗi
Đây là phương pháp tự nhiên giúp xua đuổi muỗi khỏi ra khỏi nhà.
Một số loại cây trồng trong nhà có đặc tính kỳ diệu là ngăn không cho muỗi sinh sản. Đặc biệt, cây hương thảo, cây đinh hương, hoa oải hương, ngũ bì gia… đều là những loại cây, hoa trang trí cho nhà cửa, vừa tỏa mùi hương làm cho muỗi sợ hãi.
Nếu bạn cảm thấy cây hoa tươi không phù hợp, có thể chuyển sang dùng hoa khô, bỏ vào các túi thơm, treo gần cửa, những nơi ẩm thấp ruồi, muỗi hay tập trung.
Để phát huy thêm hiệu quả của những loại cây này, bạn có thể giải phóng tinh dầu ở trong lá cây bằng cách:
- Chà xát để mùi hương lan nhanh trong không khí
- Dùng lá đun sôi với nước. Sau khi nguội, đổ vào bình xịt và sử dụng cho những góc nhà mà muỗi hay ẩn nấp.
Xem thêm: Xét nghiệm sốt xuất huyết như thế nào?
4. Lắp đặt lưới chống muỗi
Việc lắp đặt lưới chống muỗi được cho là cần thiết khi có trẻ nhỏ trong nhà. Có thể lắp đặt ở các ô thoáng, cửa sổ và cửa ra vào.
Biện pháp này có khả năng ngăn muỗi hiệu quả. Và có tác dụng tạo không khí thoáng mát trong phòng, ngăn cản ánh sáng.
Hiện tại, các khu vực chung cư lắp đặt phổ biến với tính thẩm mỹ rất cao.
5. Dùng điều hòa bật tính năng đuổi muỗi
Một số dòng máy lạnh hiện đại ngày nay đã được tích hợp công nghệ đuổi muỗi bằng sóng siêu âm giúp đẩy lùi sự tấn công của chúng, hiệu quả đến trên 80%. Sóng siêu âm cũng không hề ảnh hưởng đến sức khỏe con người, kể cả phụ nữ mang thai.
Thí nghiệm cho thấy với sóng siêu âm tần số 30-100kHz, muỗi không thể bắt được tín hiệu khí CO2 do con người thải ra khi hô hấp, từ đó không thể tấn công con người. Qua đó phòng tránh sốt xuất huyết cho gia đình. Sóng siêu âm ở tần số này có tác dụng làm cho tế bào cảm giác của muỗi bị tê liệt. Chúng sẽ mất khả năng dò mục tiêu săn mồi.
6. Dùng đèn bắt muỗi
Nếu bạn không đủ điều kiện trang bị điều hòa, hãy mua chiếc đèn bắt muỗi đặt tại căn phòng mình hoặc khu vực sinh hoạt chung trong nhà bạn như phòng khách, phòng bếp… – nơi mà bạn không thể che chắn bằng màn được.
Thiết bị có kích thước vừa phải, tiện lợi đặt trong không gian nhỏ. Đèn sẽ tạo tia sáng UVA phát ra hơi nóng giống hơi người để dẫn dụ muỗi, rồi dùng quạt hút vào trong và giật chết chúng bằng lưới điện.
Xem thêm: Giảm tiểu cầu do sốt xuất huyết ảnh hưởng gì đến cơ thể?
7. Đốt tinh dầu
Muỗi rất sợ mùi hương của tinh dầu. Đốt dầu long não hoặc nhỏ vài giọt vào nước lau sàn nhà, sau đó đóng kín tất cả các cửa ra vào và cửa sổ khoảng 15-20 phút. Mùi hương tinh dầu sẽ khiến muỗi trú ngụ trong phòng phải bay hết đi. Với cách này, bạn đã loại bỏ muỗi trong nhà một cách triệt để.
Tuy nhiên, việc đốt tinh dầu trong phòng kín rất nguy hiểm bởi nguy cơ hỏa hoạn luôn xảy ra bất cứ khi nào. Nếu có trẻ em vui đùa, tốt nhất hãy để lò đốt tinh dầu lên cao và khuất tránh xa tầm tay trẻ nhỏ.
Không nên lạm dụng phương pháp này mà chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn và để nơi thực sự an toàn.
8. Phát quang bụi rậm
Không chỉ ở nông thôn mà ở thành phố đều áp dụng được cách làm này. Và đây vẫn là một trong những phương pháp có hiệu quả tốt để phòng bệnh sốt xuất huyết.
Mục đích chủ yếu là làm giảm hoặc phá bỏ các ổ nước là nơi muỗi đẻ, do đó sẽ làm giảm mật độ muỗi. Đây là biện pháp đơn giản, rẻ tiền nhưng nhiều khi mang lại hiệu quả cao. Bạn có thể thực hiện các hình thức sau:
- Phá bỏ nơi sinh sản: thu dọn và phá hủy các dụng cụ như lốp xe ôtô, đồ sắt, các hộp kim loại, hộp nhựa… xung quanh nhà.
- Lấp đầy các ổ nước, ổ gà bằng đất, đá hoặc múc cạn nước để khô ráo.
- Phát quang cây cối xung quanh nhà: để làm giảm nơi sinh sản của các loài thích đẻ trứng trong các ổ nước có bóng râm. Đồng thời phá bỏ nơi trú ẩn của muỗi trưởng thành.
Người đã mắc sốt xuất huyết có nguy cơ bị mắc lạiBSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP cho biết 3 suy nghĩ sai lầm thường gặp khiến bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trở nặng là: – Chủ quan không đi khám bệnh – Hết sốt là khỏi bệnh. – Chỉ mắc bệnh một lần trong đời. Trên thực tế, sau sốt cao mới chính là giai đoạn nguy hiểm nhất, cần được bác sĩ theo dõi sát sao. Ngoài ra, sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 type ký hiệu: D1, D2, D3, D4. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng type riêng lẻ. Vì vậy, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 type virus khác nhau. (Theo báo Sức khỏe đời sống) |
Gia Thắng (Tổng hợp), ảnh: Trần Chiến
Bài viết liên quan
Cảnh giác với dịch sốt xuất huyết trong mùa mưa
25 Tháng Chín, 2021Sốt xuất huyết là bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát mạnh từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm do đây là thời điểm mùa mưa, cộng…
Truyền tiểu cầu khi nào?
24 Tháng Mười Hai, 2020Trước đây, chị Hoàng Thanh N. (công nhân ở Bắc Ninh) sức khỏe hoàn toàn bình thường. Đến tháng 7/2020, chị thường xuyên bị chảy máu chân răng và kinh…
Giảm tiểu cầu do sốt xuất huyết ảnh hưởng gì đến cơ thể?
25 Tháng Năm, 2021Khi cơ thể chúng ta bị mắc sốt xuất huyết sẽ dẫn đến nguy cơ giảm tiểu cầu, đây là một trong những biểu hiện nghiêm trọng của bệnh này. …
Xét nghiệm sốt xuất huyết như thế nào?
20 Tháng Chín, 2022Theo chu kỳ hàng năm, dịch sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng vào mùa mưa. Dịch sốt xuất huyết đạt đến đỉnh vào khoảng tháng 10 – tháng…
Hướng dẫn chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết
16 Tháng Bảy, 2020Sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, nhưng thường gia tăng…