Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Sau 20 năm bị ung thư máu mạn tính, vẫn quyết tâm học Đại học ở tuổi 43


Sự ra đời của các loại thuốc điều trị nhắm đích là bước phát triển có tính chất đột phá trong điều trị ung thư. Người bệnh đã chia sẻ: “Thuốc nhắm đích đã mở ra cho tôi một cuộc sống mới”, “ngoài việc cần uống thuốc hàng ngày thì không ai nghĩ tôi là người bệnh”. Nhờ được điều trị nhắm đích, người bệnh vẫn có thể học tập, làm việc và không ngừng vươn tới những điều tốt đẹp như bao người bình thường khác.

Mời các bạn theo dõi tuyến bài viết “Liệu pháp nhắm đích – Bước đột phá trong điều trị ung thư máu để cảm nhận rõ hơn về điều kỳ diệu mà liệu pháp này mang lại cho người bệnh trên hành trình theo đuổi ước mơ, kiếm tìm hạnh phúc.

 Câu chuyện số 2

Sau 20 năm bị ung thư máu mạn tính, vẫn quyết tâm học Đại học ở tuổi 43

Năm 2003, cánh cửa tương lai của chị Hoàng Thị Kiều (sống tại Thái Nguyên) tưởng chừng như khép lại bởi căn bệnh ung thư máu mạn tính. Nhưng sau gần 20 năm, nhờ được điều trị nhắm đích, chị không những sống khỏe mạnh mà còn có thể theo đuổi ước mơ khởi nghiệp và chuẩn bị tốt nghiệp Đại học ở độ tuổi ngoài 40.

Giấu bố mẹ, âm thầm vào viện điều trị ung thư máu

Trở lại thời điểm gần 20 năm về trước, chị Hoàng Thị Kiều đang là một cô gái 25 tuổi tràn đầy sức sống và khát vọng. Nhưng rồi chị cảm thấy cơ thể dần thay đổi, cảm giác đau đầu và mệt mỏi ngày càng nhiều hơn. Chị đi khám và nhận kết quả xét nghiệm: hồng cầu giảm, bạch cầu và tiểu cầu tăng cao, siêu âm phát hiện lách to. Cô gái trẻ sững sờ khi biết mình bị bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt, một thể bệnh ung thư máu mạn tính mà nhiều người vẫn hay gọi là bệnh “máu trắng”.

Khi ấy, chị đang là sinh viên năm cuối trường Văn thư lưu trữ và kỳ thi tốt nghiệp cũng gần kề. Trước những khó khăn, bệnh tật đột ngột ập đến, cô gái ấy vẫn kiên cường, mạnh mẽ đương đầu với tất cả.

Tuy rất hoang mang nhưng vì không muốn bố mẹ phải lo nghĩ, chị âm thầm giấu bố mẹ vào điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu. Chị chỉ dám thông báo cho em gái và bạn thân biết. Sau gần 1 tháng nằm viện, các chỉ số xét nghiệm ổn hơn, hai chị em chị lại tự xoay sở, vay mượn bạn bè để chi trả tiền viện phí.

Ngày chị ra viện cũng là ngày trường tổ chức thi tốt nghiệp. Dù sức khỏe còn yếu nhưng chị vẫn cố gắng đi thi để kịp tra trường đúng thời hạn.

Theo thời gian, chị chủ động tìm hiểu kỹ về bệnh của mình, luôn đi khám theo đúng lịch hẹn và tuân thủ mọi tư vấn của bác sĩ. Năm 2009, chị bắt đầu được điều trị bằng thuốc nhắm đích (Glivec) và từ năm 2016, chị chuyển sang uống thuốc nhắm đích thế hệ 2 (Tasigna).

Chị chia sẻ: “Khi uống thuốc nhắm đích, mình thấy yên tâm hơn, khỏe mạnh hơn vì thuốc ít tác dụng phụ, các chỉ số như bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu đều ổn định. Phương pháp nhắm đích giống như điều kỳ diệu với những người bệnh như mình. Năm 2020, chỉ số xét nghiệm gen bệnh BCR-ABL của mình về “âm tính”, mình hạnh phúc đến vỡ òa. Sau bao khó khăn, mình cảm thấy những cố gắng của mình như được đền đáp”.

Gần 20 năm qua, chị Kiều đã gắn bó với Viện Huyết học – Truyền máu TW, được các y bác sĩ theo dõi sức khỏe và điều chỉnh thuốc kịp thời. Nhờ uống thuốc nhắm đích và tuân thủ điều trị, chị có thể làm việc như một người bình thường và có đủ sức khỏe để theo đuổi những điều chị hằng mơ ước.

Quyết tâm khởi nghiệp

Từ khi bị bệnh, chị Hoàng Thị Kiều đã suy nghĩ rất nhiều về bệnh của mình. Sau 6 năm điều trị, chị quyết định theo học ngành Dược để có thêm kiến thức, hiểu biết, để chăm sóc sức khỏe cho chính mình và những người người xung quanh.

Trải qua quá trình vừa đi học, vừa điều trị không thiếu những vất vả, gian nan, chị đã tốt nghiệp Trung cấp Dược và đi làm tại một công ty Dược.

Không muốn dừng lại ở đó, cô gái đầy ước mơ, hoài bão ấy còn nung nấu ý định khởi nghiệp. Với kiến thức được trau dồi trên ghế nhà trường và kinh nghiệm học hỏi từ thực tế, chị dồn tâm huyết mở một nhà thuốc kinh doanh độc lập vào năm 2011.

Nhờ luôn năng động và cố gắng, nhà thuốc của chị ngày một ổn định, phát triển. Chị còn kinh doanh thêm mỹ phẩm và nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe khác.

Với suy nghĩ phải không ngừng nâng cấp bản thân mình, năm 2021, người phụ nữ đầy nghị lực ấy lại tiếp tục theo đuổi con đường học vấn. Ở tuổi 43, chị bước chân vào giảng đường Đại học với quyết tâm có được tấm bằng Dược sỹ đại học.

Vừa quản lý nhà thuốc ở Thái Nguyên, cuối tuần chị lại về Hà Nội đi học. Bên cạnh chi phí chữa bệnh, mua thuốc nhắm đích hàng tháng gần 6 triệu đồng còn tiền học phí cũng khá tốn kém, nhưng chị vẫn đủ khả năng tự lo liệu cho mình. Chị hạnh phúc vì: “Mình vẫn tự cân bằng được cuộc sống, không phải phụ thuộc vào ai cả”.

Chị tâm sự: “Cuộc sống là thế, có vui, có buồn, có sung sướng và đau khổ, nên mình luôn bằng lòng với cuộc sống và tin rằng: con đường ở phía trước vẫn có rất nhiều ánh bình minh. Mình vẫn luôn nỗ lực trong mọi tình huống xảy ra.

Mình cứ đam mê với công việc chăm sóc sức khỏe cho mọi người và quên rằng mình cũng là bệnh nhân!

Mong cho các cô chú, anh chị em bạn bè trong gia đình CML (viết tắt của bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt – Chronic Myeloid Leukemia) luôn vui vẻ, lạc quan, tự tin hơn trong cuộc sống và tin tưởng vào công nghệ hiện đại, tiến bộ của y học.

Xin cảm ơn Ban lãnh đạo cùng toàn thể y bác sĩ Viện Huyết học – Truyền máu TW luôn tận tâm và đồng hành cùng gia đình CML”.

Bệnh ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt có khả năng điều trị hiệu quả

Viện Huyết học – Truyền máu TW hiện đang quản lý, theo dõi và điều trị ngoại trú cho khoảng gần 1.500 người bệnh ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt (Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt). Mỗi năm, Viện tiếp nhận thêm khoảng 100 bệnh nhân mới chẩn đoán.

PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết: “Bệnh ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt là một trong những bệnh ung thư có khả năng điều trị rất hiệu quả.

Trước đây, giai đoạn mạn tính của bệnh thường kéo dài 3-5 năm, rồi chuyển thành Lơ-xê-mi cấp (ung thư máu cấp tính), tiên lượng xấu, thời gian sống thêm thường không quá 1 năm. Hiện nay, với việc ứng dụng ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài và điều trị nhắm đích bằng các thuốc TKI, tiên lượng người bệnh ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt được cải thiện mạnh mẽ.

Điều trị nhắm đích có thể coi là bước đột phát trong điều trị một số thể bệnh ung thư máu, thuốc nhắm đích sẽ tấn công trực tiếp và sửa chữa các đột biến di truyền nhiễm sắc thể gây bệnh, giúp người bệnh không phải truyền hóa chất và có cuộc sống gần như người bình thường”.

Viện Huyết học – Truyền máu TW là một trong những cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam áp dụng thuốc nhắm đích điều trị cho người bệnh ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt từ những năm 2006.

Trong gần 20 năm triển khai, Viện đã rất nỗ lực để xây dựng các chương trình, dự án, phối hợp với Bảo hiểm y tế thanh toán một phần chi phí cho người bệnh điều trị thuốc nhắm đích thế hệ 1 và cả thế hệ 2.

Bên cạnh đó, Viện thường xuyên tổ chức các hoạt động tập huấn, cập nhật điều trị cho các bác sĩ của Viện và các cơ sở y tế trong cả nước để nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị. Các chương trình sinh hoạt, gặp mặt câu lạc bộ bệnh nhân cũng được duy trì hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của người bệnh về tầm quan trọng của tuân thủ điều trị và theo dõi diễn biến bệnh.

Trương Hằng; Ảnh & thiết kế: Gia Thắng

Mời xem thêm:

Câu chuyện số 1: Khát khao làm mẹ thành hiện thực sau hơn 10 năm bị ung thư máu mạn tính

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan