Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Khát khao làm mẹ thành hiện thực sau hơn 10 năm bị ung thư máu mạn tính

Sự ra đời của các loại thuốc điều trị nhắm đích là bước phát triển có tính chất đột phá trong điều trị ung thư. Người bệnh đã chia sẻ: “Thuốc nhắm đích đã mở ra cho tôi một cuộc sống mới”, “ngoài việc cần uống thuốc hàng ngày thì không ai nghĩ tôi là người bệnh”. Nhờ được điều trị nhắm đích, người bệnh vẫn có thể học tập, làm việc và không ngừng vươn tới những điều tốt đẹp như bao người bình thường khác.

Mời các bạn theo dõi tuyến bài viết “Liệu pháp nhắm đích – Bước đột phá trong điều trị ung thư máu” để cảm nhận rõ hơn về điều kỳ diệu mà liệu pháp này mang lại cho người bệnh trên hành trình theo đuổi ước mơ, kiếm tìm hạnh phúc.

Câu chuyện số 1

Khát khao làm mẹ thành hiện thực sau hơn 10 năm bị ung thư máu mạn tính

13 năm trước, chị Lê Thị M. cảm thấy mệt mỏi kéo dài, da xanh xao, sút cân, cảm giác hụt hơi khó thở và đôi lúc lại nôn nao, tức ách vùng bụng trái. Chị đi khám mới biết mình bệnh ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt (bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt).

Mình sẽ sống được bao lâu?

Kết quả chẩn đoán ấy tựa như một cú sốc, khiến cả gia đình chị bất an, lo lắng. Mẹ chị không cầm được nước mắt mỗi khi nghĩ về cô con gái mới 22 tuổi, vừa ra trường, còn chưa kịp đi làm, chưa kịp lập gia đình đã phải đối mặt với bệnh ung thư.

Ở tuổi còn quá trẻ, chị M. cũng có những phút giây yếu đuối, nhiều lúc chị tự hỏi: “Tại sao lại là mình?”, “Vì sao mình phải chịu đựng căn bệnh này?”, “Mình sẽ sống được bao lâu?”… Nhưng với bản tính mạnh mẽ, lạc quan, chị cố gắng vượt qua những khoảnh khắc đó và tự nhủ “có bệnh thì chữa thôi!”.

  

Sau 5 tháng phát hiện bệnh, chị bắt đầu được điều trị bằng phương pháp nhắm đích tại Viện Huyết học – Truyền máu TW.

ThS.BS. Nguyễn Quốc Nhật, Phó trưởng khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết: “Liệu pháp nhắm đích được áp dụng với những trường hợp ung thư máu có gen đột biến và đã có thuốc đích vào gen đó.

Trong bệnh ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt, thuốc nhắm đích tập trung tác động vào protein tổng hợp BCR-ABL, là kết quả của bất thường di truyền chuyển đoạn giữa nhiễm sắc thể số 9 và nhiễm sắc thể số 22 (nhiễm sắc thể Philadelphia). Đây là protein tổng hợp thúc đẩy sự phát triển tế bào không kiểm soát được ở bệnh ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt.

Nếu như truyền hóa chất tác động vào cả tế bào lành và tế bào ung thư, gây ra nhiều tác dụng phụ toàn thân thì điều trị nhắm đích sẽ chỉ tác động vào đích phân tử chuyên biệt liên quan đến sự hình thành và phát triển tế bào ung thư, giúp người bệnh không phải truyền hóa chất và có cuộc sống gần như người bình thường”.

 

Chị M. chia sẻ: “Phương pháp nhắm đích như mở ra cho em một cơ hội mới, một cuộc sống mới. Thuốc nhắm đích đem lại lợi ích không ngờ, ngoài việc uống thuốc hàng ngày thì không ai nghĩ em là một người bệnh”.

Khát khao làm mẹ thành hiện thực

Từ chỗ mất hết hy vọng vào tương lai, chị M. tự tin hòa nhập với cuộc sống, đi làm và gặp gỡ bạn bè như bao cô gái trẻ khác.

Trải qua hơn 10 năm điều trị, chị không dám nghĩ tới việc có một tổ ấm nhỏ của riêng mình, càng không dám ước mơ sẽ được làm mẹ. Đến năm 2011, chị gặp anh Trần Văn T. (chồng chị) và không hề giấu anh về bệnh của mình. Khi biết chị bị bệnh mà vẫn luôn lạc quan, mạnh mẽ, anh lại càng thương chị hơn và muốn gắn bó với chị suốt cuộc đời.

Chị M. cũng biết có những người bệnh như chị đã sinh con bình an, khát khao làm mẹ trong chị ngày càng cháy bỏng.

Đầu năm 2022, khi thấy sức khỏe ổn định, xét nghiệm đạt lui bệnh tốt chị quyết định tạm dừng thuốc nhắm đích để mang thai. Là một người uống nhắm đích có “thâm niên”, được bác sĩ tư vấn rất kỹ về những nguy cơ khi dừng thuốc, chị hiểu rõ lựa chọn này có thể khiến bệnh của chị nặng hơn, thậm chí là chuyển sang giai đoạn ung thư máu cấp tính.

Nhưng khi mỗi ngày cảm nhận thấy sinh linh bé bỏng dần lớn lên, chị nguyện đánh đổi tất cả và sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ để được nhìn thấy con.

Mang thai và sinh con với một người phụ nữ bình thường vốn đã là một hành trình không dễ dàng, riêng chị Lê Thị M. còn mang thêm bao nỗi lo âu, thấp thỏm. Từ tuần thai thứ 20, chỉ số bạch cầu của chị tăng lên nhưng may mắn mức tăng không quá cao. Sau đó, chị còn bị nhiễm Covid khiến cả gia đình vô cùng lo lắng.

Mỗi lần đi khám và nhận kết quả xét nghiệm, được các bác sĩ bác sĩ của Viện Huyết học – Truyền máu TW tư vấn, chị lại yên tâm thêm phần nào. Sau 39 tuần, chị hạnh phúc rơi nước mắt khi lần đầu tiên được làm mẹ ở tuổi 34 và sau 13 năm chung sống với bệnh ung thư máu mạn tính.

 

Chị M. tâm sự: “Em nghĩ rằng khi đặt vào từng hoàn cảnh cụ thể sẽ thấy được giá trị của mỗi nghề, mỗi người. Như bản thân em bị bệnh này, em cảm nhận được y học ngày càng phát triển, em biết ơn các bác sĩ và các nhà nghiên cứu nhiều lắm.

Sau 13 năm bị bệnh thì điều may mắn nhất chính là: thuốc nhắm đích đã giúp em trở lại cuộc sống bình thường. Với ý thức trong người có bệnh nền, em lại càng trân trọng cuộc sống hơn, luôn bảo vệ sức khỏe bản thân và mong muốn sống thật lâu bên những người yêu thương”.

Căn bệnh ung thư máu mạn tính đã đến vào những năm tháng tuổi trẻ, khiến chị Lê Thị M. từng trải qua những phút giây tuyệt vọng nhưng điều kỳ diệu của liệu pháp điều trị nhắm đích đã giúp chị không chỉ có sức khỏe mà còn tìm thấy niềm hạnh phúc như bao người phụ nữ khác.

Lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt (Chronic Myeloid Leukemia – CML) là một bệnh ác tính hệ tạo máu, chiếm 5% tổng số các bệnh tạo máu, 20-25% các bệnh máu ác tính.

Nguyên nhân gây bệnh Lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt là do bất thường di truyền chuyển đoạn giữa nhiễm sắc thể số 9 và nhiễm sắc thể số 22. Chính vì vậy, các nhà khoa học trên thế giới đã lấy ngày 22/9 là Ngày Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt Thế giới.

Tiến trình tự nhiên của Lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt bao gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn mãn tính; giai đoạn tăng tốc và giai đoạn chuyển lơ-xê-mi cấp (ung thư máu cấp tính).

Trước đây, giai đoạn mạn tính của bệnh thường kéo dài 3-5 năm, rồi chuyển thành Lơ-xê-mi cấp (ung thư máu cấp tính), tiên lượng xấu, thời gian sống thêm thường không quá 1 năm. Hiện nay, với việc điều trị nhắm đích bằng các thuốc TKIs và ứng dụng ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài, tiên lượng người bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt được cải thiện mạnh mẽ.

Trương Hằng; Thiết kế: Hạnh Toàn

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan