Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Chàng trai trẻ chinh phục đường chạy Marathon sau gần 1 năm chữa ung thư máu

Kể từ ca ghép tế bào gốc đầu tiên vào năm 2006, đến nay, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã thực hiện được trên 560 ca ghép tế bào gốc, hồi sinh sự sống cho rất nhiều người bệnh máu hiểm nghèo. Mời các bạn dõi theo hành trình tìm lại sự sống và hy vọng của người bệnh qua loạt bài “Ghép tế bào gốc – Hồi sinh những cuộc đời”.

Gặp anh Vũ Việt Thành (32 tuổi, sống tại Hưng Yên) trên đường chạy Marathon, chắc hẳn ai cũng sẽ rất bất ngờ khi biết rằng: chưa đầy một năm trước, anh còn đang ở trong phòng ghép tế bào gốc để giành lại sự sống từ tay tử thần.

Chỉ cần buông xuôi là sự sống đã rẽ qua ngã khác…

Cũng như bao người khác, anh Thành đã có cảm giác “cả tương lai như đóng sập lại” khi nhận tin mình bị bệnh Lơ-xê-mi cấp dòng tủy (ung thư máu). Không cho phép mình bị nhấn chìm trong nỗi hoang mang, lo sợ, anh bắt đầu tìm hiểu kĩ lưỡng thông tin về bệnh theo nhiều nguồn chính thống trong và ngoài nước. Gia đình anh đã xin tư vấn của các bác sĩ và quyết định điều trị bệnh theo hướng ghép tế bào gốc ngay từ đầu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Sau khi trải qua những đợt hóa trị và đạt lui bệnh hoàn toàn, anh được ghép tế bào gốc nửa hòa hợp từ em trai ruột.

Anh kể lại: “52 ngày trong phòng cách ly là một trải nghiệm nhiều đau đớn mà ngay cả những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó hình dung được. Chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là trong thời kỳ hệ miễn dịch bị suy giảm mạnh. Có những giờ phút, chỉ cần buông xuôi, phó mặc là sự sống đã rẽ qua ngã khác.

Khi đó, dù chỉ gặp mọi người qua video call giữa những lúc nửa tỉnh, nửa mê, mình vẫn luôn có một niềm tin không bao giờ lay chuyển được, đó là gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp… luôn bên cạnh. Mình tin là chỉ cần luôn cố gắng hết sức, dù còn một tia hy vọng mong manh, ông bà, tổ tiên vẫn sẽ độ”.

Điều khiến chúng ta cảm phục nhất ở anh Vũ Việt Thành là anh luôn có một ý chí vững vàng không gì khuất phục được. Vốn yêu thể thao, anh Thành coi đường chạy như một phần không thể thiếu trong cuộc sống để nâng cao thể chất, tăng cường độ dẻo dai của cơ thể, tăng sức đề kháng… Việc vận động còn giúp anh có suy nghĩ tích cực và thư giãn đầu óc để vượt qua những đợt truyền hóa chất.

Buổi sáng trước khi vào phòng ghép, anh vẫn dậy sớm chạy một vòng công viên Thống Nhất rồi mới nhập Viện. Ở trong phòng cách ly, chỉ cần có một chút sức lực là anh vùng dậy tập thể dục. Ngày duy nhất anh không vận động là ngày thứ 3 sau khi truyền tế bào gốc. Ngay hôm sau, anh lại cố bước đi, dù chỉ được 16 bước là hoa mắt.

Trân trọng từng phút giây trong cuộc đời tươi đẹp

Khi chuỗi ngày gian nan ấy kết thúc, anh được trở về nhà. Mặc dù còn nhiều nỗi bất an, lo lắng trong giai đoạn sau ghép nhưng anh vẫn ấp ủ ý định quay trở lại đường chạy. Sau khi đi khám về huyết học và tim mạch cho thấy sức khỏe đảm bảo, anh bắt đầu chạy từng chặng ngắn. Những ngày đầu, dù chỉ mới chạy 300m – 500m đã thấm mệt, nhưng anh vẫn kiên trì điều chỉnh dinh dưỡng và tăng dần cường độ luyện tập.

Anh “kỉ niệm” 6 tháng sau ngày ghép tế bào gốc bằng việc chinh phục 21 km (Half Marathon) tại giải Long Bien Marathon – một trong những giải chạy có số lượng vận động viên tham gia đông nhất tại Việt Nam. Kết quả về đích sau 2 giờ 14 phút 06 giây, xếp thứ 847/3032 không khỏi khiến anh xúc động và vui mừng.

Chưa dừng lại ở đó, anh còn tiếp tục tham gia chạy Full Marathon 42km. Anh chia sẻ: “Chặng đường chạy 5 tiếng liền vào ban đêm nghĩ lại cũng giống như hồi trong phòng ghép vậy. Có những thời điểm rã rời, cực kỳ khó khăn, mệt mỏi, có những điểm nút phải cố gắng để không bỏ cuộc, dùng ý chí để vượt qua”.

Từ những ngày cố hết sức cũng chỉ đi được vài bước ngắn, giờ đây anh Vũ Việt Thành đã chinh phục được quãng đường 42 km. Đó là một hành trình chẳng hề dễ dàng nhưng với nghị lực phi thường và tinh thần không đầu hàng trước mọi thử thách, người chiến binh ấy đã làm được điều mà ngay cả những người bình thường cũng khó thực hiện.

Anh Thành tâm sự: “Mình có thể hồi phục từ ca ghép cho đến nay là nhờ công sức rất lớn từ đội ngũ các y bác sĩ của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, từ gia đình, từ những người thân yêu của mình. Điều quan trọng vẫn là cuộc chiến với chính bản thân mình.

Mình phải cảm ơn những sóng gió vừa qua và thêm trân trọng từng phút, từng giây được sống trong cuộc đời tươi đẹp này.

Khi quay trở lại với cuộc sống thường nhật, có lẽ sẽ còn nhiều khó khăn, trắc trở nhưng mình tin chắc chắn rằng: chúng ta có thể làm được những điều đặc biệt.

Cuối cùng, mình cũng muốn chia sẻ: cuộc sống đầy những bất trắc, vô thường, được mất, tồn vong là chuyện tất nhiên. Chúng ta đa phần vẫn là những người may mắn và hạnh phúc. Hãy trân trọng điều đó!”.

Trương Hằng; Ảnh & thiết kế: Gia Thắng

Viện Huyết học – Truyền máu TW đã nghiên cứu và triển khai được nhiều kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau như: Ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống), ghép nửa hoà hợp (ghép haplotype), ghép nửa hoà hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn… Kỹ thuật ghép tế bào gốc được ứng dụng điều trị cho nhiều bệnh lý hơn và độ tuổi ghép ngày càng được mở rộng.

Năm 2014, Viện là đơn vị đầu tiên thực hiện thành công ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng, đem lại cơ hội hồi sinh cho cả những người bệnh không tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp từ người thân.

Ngân hàng Tế bào gốc của Viện hiện đang lưu trữ gần 6.000 mẫu tế bào gốc máu dây rốn có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhiều mẫu đã được sử dụng để ghép tế bào gốc tạo máu, cứu chữa và mang đến hy vọng cho nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo.

ĐỊA CHỈ LƯU TRỮ TẾ BÀO GỐC MÁU DÂY RỐN

Ngân hàng Tế bào gốc (tầng 5 – nhà T), Viện Huyết học – Truyền máu TW

Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Điện thoại: (024) 3782 4267, 0963 892 551

Email: nihbtscc@gmail.com

Mời xem thêm:

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan