Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Suy tuỷ xương và những câu hỏi thường gặp

Suy tuỷ xương là một bệnh lý phổ biến trong chuyên khoa huyết học đang nhận được sự quan tâm từ cộng đồng. Dưới đây là một số câu hỏi do quý độc giả gửi về, được giải đáp bởi TS.BS. Nguyễn Vũ Bảo Anh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Hoi dap benh suy tuy xuong BS Bao Anh (2)

XEM THÊM: Suy tuỷ xương: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

1. Bệnh suy tuỷ xương là gì?

Suy tuỷ xương là một bệnh lý của tế bào gốc sinh máu, gây ra bởi sự giảm sinh máu ở tuỷ xương, do tổn thương tế bào gốc và vi môi trường sinh máu của tuỷ xương. Hậu quả là giảm 3 dòng tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu).

2. Bệnh suy tuỷ xương thường gặp ở những độ tuổi nào?

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Theo các nghiên cứu trên thế giới, bệnh thường gặp ở hai nhóm tuổi: từ 15 đến dưới 30 tuổi và trên 60 tuổi. Bệnh gặp ở cả nam và nữ.

3. Triệu chứng lâm sàng của bệnh suy tuỷ xương

Suy tuỷ xương được gây nên do sự giảm sinh các tế bào máu, chính vì vậy dẫn đến các triệu chứng lâm sàng:

  • Thiếu máu là triệu chứng phổ biến nhất, thường là thiếu máu mạn tính. Biểu hiện của thiếu máu: hoa mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế, da xanh xao, nhợt nhạt, hồi hộp đánh trống ngực, mệt mỏi, khó thở đặc biệt khi hoạt động gắng sức như leo cầu thang.
  • Xuất huyết (chảy máu): Biểu hiện đa dạng như xuất huyết dưới da thành các chấm, nốt, mảng, đám; chảy máu niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, chảy máu niêm mạc miệng, chảy máu nội tạng, xuất huyết tiêu hoá, xuất huyết não (hiếm gặp).
  • Nhiễm trùng: thường là nhiễm trùng cơ hội do giảm nặng số lượng bạch cầu hạt trung tính, biểu hiện sốt, ho, viêm phổi, nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết.
  • Gan, lách, hạch không to.

4. Để chẩn đoán bệnh suy tuỷ xương thì cần làm thêm những xét nghiệm nào?

Có 3 xét nghiệm để chẩn đoán bệnh suy tuỷ xương:

  • Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi

Ý nghĩa: đánh giá số lượng các tế bào máu.

Ở người bệnh suy tuỷ xương, số lượng hồng cầu, huyết sắc tố, hematocrit, chỉ số hồng cầu lưới giảm. Số lượng tiểu cầu, bạch cầu giảm. Trong công thức bạch cầu, tỉ lệ bạch cầu trung tính giảm thấp và tăng tỉ lệ bạch cầu lympho.

  • Xét nghiệm tuỷ đồ (xét nghiệm chọc hút tuỷ xương)

Người bệnh suy tuỷ xương có số lượng tế bào tuỷ xương giảm, có sự giảm sinh của các tế bào sinh máu trong tuỷ xương (giảm sinh dòng hồng cầu, tiểu cầu, dòng bạch cầu hạt). Trong tuỷ thường chỉ gặp bạch cầu lympho trưởng thành.

  • Xét nghiệm sinh thiết tuỷ xương

Ý nghĩa: Đây là xét nghiệm quan trọng nhất giúp chẩn đoán xác định bệnh suy tuỷ xương và mức độ nặng của bệnh.

Đối với bệnh suy tuỷ xương, trên tiêu bản sinh thiết tuỷ xương thường gặp hình ảnh các khoang sinh máu bị mỡ hoá, xơ hoá, mật độ tế bào sinh máu còn sót lại rất ít, chủ yếu gặp các tế bào lympho trưởng thành

Trên tiêu bản sinh thiết tuỷ xương của người bệnh suy tuỷ xương sẽ không gặp tế bào ác tính. Đây cũng là tiêu chuẩn để loại trừ khả năng giảm các tế bào máu do các căn nguyên khác di căn vào tuỷ xương. 

5. Suy tủy xương có phải là căn bệnh nguy hiểm không?

Suy tuỷ xương là bệnh máu lành tính. Tuy nhiên, tuỳ theo mức độ bệnh mà bệnh nhân có thể gặp những biến chứng khác nhau.

Những biến chứng nặng có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân như: Nhiễm trùng cơ hội do bạch cầu hạt trung tính thấp; tình trạng xuất huyết nặng do tiểu cầu thấp; biến chứng suy tim do thiếu máu nặng.

Như vậy, suy tuỷ xương là bệnh lành tính nhưng có thể xảy ra những biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu như không được điều trị kịp thời.

6. Suy tủy xương có đau không? 

Triệu chứng điển hình của bệnh suy tuỷ xương liên quan đến giảm các tế bào máu. Hầu hết bệnh nhân sẽ gặp tình trạng thiếu máu, xuất huyết, nhiễm trùng.

Bản thân bệnh không có triệu chứng đau xương. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có bệnh lý khác kèm theo thì triệu chứng đau xương có thể là triệu chứng của bệnh lý đó chứ không phải triệu chứng của bệnh suy tuỷ xương.

7. “Chào bác sĩ, trong xét nghiệm tuỷ của tôi thấy có ghi “xơ ít”. Bác sĩ cho tôi hỏi, suy tủy xương xét nghiệm thấy xơ ít có nguy hiểm không?”

Một trong những đặc điểm mô học tuỷ xương ở bệnh nhân suy tuỷ xương là có hiện tượng mỡ hoá và xơ hoá tuỷ xương. Hiện tượng xơ hoá ở trên tiêu bản sinh thiết tuỷ xương là đặc điểm thường gặp trong bệnh lý suy tuỷ xương.

Trên kết quả xét nghiệm tuỷ xương của bệnh nhân có hình ảnh xơ hoá. Nếu không theo dõi và điều trị bệnh phù hợp thì theo thời gian tiến triển của bệnh thì mức độ xơ hoá trong tuỷ xương có thể tăng lên và gây ảnh hưởng đến việc sản sinh các tế bào máu. Như vậy, mức độ giảm các tế bào máu có thể nặng lên khi tình trạng xơ hoá tiến triển tăng thêm.

8. “Tôi bị suy tuỷ xương, thiếu máu nhưng lại thừa sắt. Vậy tôi nên ăn những loại thực phẩm gì để bổ máu mà không thừa sắt?”

Đối với bệnh nhân suy tuỷ xương, thiếu máu là triệu chứng phổ biến do tuỷ xương không sản sinh được tế bào máu. Vì vậy thường đi kèm với hiện tượng thừa sắt. Thừa sắt ở bệnh nhân mắc bệnh này do cơ thể không sử dụng được nguyên liệu để tổng hợp hồng cầu.

Bệnh nhân thiếu máu nhưng thừa sắt không nên bổ sung các thực phẩm giàu sắt như thịt bò hoặc các loại thịt đỏ. Bệnh nhân có thể lựa chọn cá, các loại thịt trắng, rau có màu đỏ, trắng hoặc vàng.

9. “Bố em sau điều trị hoá xạ trị ung thư sàn miệng thì bị thiếu máu nặng, giảm 3 dòng ngoại vi. Huyết sắc tố chỉ đạt 50, bạch cầu 2.9, tiểu cầu 135. Đã làm tủy đồ thấy tủy giảm sinh nhẹ (số lượng tế bào tủy xương 23). Vậy khả năng suy tủy có cao không ạ?”

Đây là trường hợp giảm các tế bào máu ngoại vi sau khi điều trị ung thư sàn miệng. Một trong những nguyên nhân gây nên suy tuỷ xương có nguyên nhân liên quan đến các thuốc điều trị ung thư và xạ trị. Vì vậy, khả năng thứ nhất là giảm sinh tuỷ liên quan đến điều trị ung thư sàn miệng bằng hoá chất, xạ trị. Thứ hai là trường hợp ung thư di căn và xâm lấn vào tuỷ xương cũng có thể gây ra tình trạng giảm các tế bào máu.

Đối với trường hợp này, người bệnh mới cung cấp xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi và xét nghiệm tuỷ đồ. Người bệnh cần làm thêm xét nghiệm sinh thiết tuỷ xương. Đây là xét nghiệm quan trọng để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ bệnh.

TS.BS. Nguyễn Vũ Bảo Anh

Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Huyết học – Truyền máu TW

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan