Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Nữ sinh dân tộc Nùng quyết tâm ghép tế bào gốc vì ước mơ đến trường

Gia đình bệnh nhi mắc suy tuỷ xương từng không dám nghĩ đến chuyện ghép tế bào gốc cho con. Nhờ sự tư vấn và điều trị tận tình của bác sĩ, những chia sẻ từ người nhà bệnh nhân khác và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, cô bé người dân tộc Nùng đã hoàn thành ca ghép và giờ đây trở lại trường học.

Nữ sinh lớp 6 gia đình hộ nghèo phải nghỉ học đi chữa bệnh

Gia đình nữ sinh người dân tộc Nùng Vi Thị Vân trước đây thuộc diện hộ nghèo. Kinh tế gia đình trông vào công việc đồng áng của bố và việc làm công nhân của mẹ. Là chị cả trong gia đình có 3 chị em, Vân thường bảo ban các em học hành chăm ngoan để đỡ phần nào nỗi vất vả cho bố mẹ.

Thế nhưng, học kỳ II năm lớp 6, Vân đã phải xin nghỉ học. Em được phát hiện mắc căn bệnh suy tuỷ xương.

Thời điểm mới nhập viện năm 2021, tiểu cầu của Vân giảm sâu. Trên người em xuất hiện những nốt bầm tím dưới da. Một nữ sinh trước kia vốn nhanh nhẹn hoạt bát thì nay mệt lả trên giường bệnh. Thậm chí lúc tiểu cầu giảm rất sâu, mọi sinh hoạt hàng ngày của Vân phải có người dìu đỡ. Tiếp theo đó là những ngày triền miên Vân truyền tiểu cầu. Bố mẹ thay nhau nghỉ làm đưa em đi viện.

Tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, gia đình Vân được sự tư vấn của bác sĩ về phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài. Điều may mắn đã đến, tế bào gốc của em trai có HLA hoà hợp hoàn toàn đã dấy lên hy vọng về ca ghép cứu sống cả tương lai cho cô bé.

Lòng quyết tâm vững vàng để thực hiện ca ghép tế bào gốc

Ghép tế bào gốc (TBG) như một chiếc phao cứu sinh dành cho bé Vân. Nhưng để quyết định theo đuổi với phương pháp này, gia đình em đã phải đắn đo cân nhắc rất nhiều.

Người sẽ hiến tế bào gốc là em trai của Vân khi đó mới 9 tuổi. Mới đầu, khi nghe đến việc lấy tế bào gốc từ cậu con trai còn nhỏ, bậc làm cha mẹ vô cùng lo lắng. Chắc hẳn ai trong hoàn cảnh này cũng sẽ suy nghĩ liệu có điều gì ảnh hưởng đến sức khoẻ của con.

Sau khi được BSCKII. Võ Thị Thanh Bình – Trưởng khoa Ghép tế bào gốc tư vấn, gia đình Vân đã có những thông tin đầy đủ và chính xác về phác đồ điều trị. Đồng thời, sự động viên và chia sẻ kinh nghiệm từ những người đi trước như gia đình em Nguyễn Thị Quỳnh Như, một bệnh nhi suy tuỷ xương đã ghép tế bào gốc thành công đã giúp bố mẹ của Vân thêm an tâm về chặng hành trình phía trước.

Nỗi lo về ca ghép đã được tháo gỡ. Thế nhưng khoản tiền tích luỹ của gia đình còn thiếu rất nhiều so với chi phí dự kiến của ca ghép (khoảng 500 triệu đồng). “Gia đình khó khăn về kinh tế nhưng không vì thế mà chúng tôi từ bỏ cơ hội cứu sống con”, mẹ của em Vi Thị Vân tâm sự. Lúc ấy, anh em họ hàng, bạn bè, làng xóm mỗi người một góp một tay. Ai cũng mong cô gái ngoan hiền được sớm trở khoẻ mạnh. Ngoài ra, thông qua sự kết nối của phòng Công tác xã hội, Viện Huyết học – Truyền máu TW, em Vân đã được hỗ trợ một phần chi phí ghép tế bào gốc.

“Con không sợ đâu, chữa rồi sẽ khỏi!”, niềm lạc quan của con gái khiến bố mẹ Vân càng có thêm quyết tâm.

Tỷ lệ ghép tế bào gốc thành công ở bệnh nhân suy tủy xương đạt trên 84%

Viện Huyết học – Truyền máu TW triển khai ghép tế bào gốc đồng loài cho nhóm bệnh suy tuỷ xương từ năm 2010. Theo BSCKII. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu TW, sau 12 năm thực hiện, ghép tế bào gốc với nhóm bệnh này đã đạt được kết quả cao. Đây có thể xem như một trong những nhóm thế mạnh của Viện.

Nghiên cứu kết quả ghép tế bào gốc đồng loài máu ngoại vi từ người hiến phù hợp hoàn toàn HLA điều trị bệnh suy tuỷ xương tại Viện Huyết học – Truyền máu TW (2010 – 2022) cho thấy: Tỉ lệ mọc mảnh ghép ngày thứ 30 sau ghép đạt 100%. Ước tính tỷ lệ sống thêm toàn bộ và sống thêm không bệnh 5 năm sau ghép lần lượt là 84,8% và 91%.

Nghiên cứu cũng đi đến kết luận ghép TBG đồng loài máu ngoại từ anh, chị, em ruột phù hợp HLA cho người bệnh suy tuỷ xương là phương pháp có hiệu quả và an toàn.

Đã 2 năm kể từ ngày bước ra khỏi phòng ghép. Sức khoẻ của em Vi Thị Vân đã dần ổn định. Ngày ấy, căn bệnh suy tuỷ xương từng làm đảo lộn cuộc sống của một nữ sinh cấp II đầy ước mơ. Nhưng ghép tế bào gốc đã đưa cuộc sống của em trở lại quỹ đạo bình thường. 10 tháng sau ghép tế bào gốc, Vân đã đi học trở lại. Hiện tại, em tiếp tục thăm khám theo định kỳ để theo dõi sức khoẻ sau ca ghép.

“Hãy yên tâm khi ghép tế bào gốc, nó sẽ làm thay đổi cuộc đời của một người bệnh”, mẹ cháu Vi Thị Vân nhắn nhủ đến những người bệnh đang chuẩn bị ghép tế bào gốc. “Đừng bỏ lỡ khi mình còn cơ hội!”

Hải Yến – Thiết kế: Hạnh Toàn

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan