Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Vẫn khỏe mạnh và nuôi 2 con học Đại học sau 15 năm bị ung thư máu

Sự ra đời của các loại thuốc điều trị nhắm đích là bước phát triển có tính chất đột phá trong điều trị ung thư. Người bệnh đã chia sẻ: “Thuốc nhắm đích đã mở ra cho tôi một cuộc sống mới”, “ngoài việc cần uống thuốc hàng ngày thì không ai nghĩ tôi là người bệnh”. Nhờ được điều trị nhắm đích, người bệnh vẫn có thể học tập, làm việc và không ngừng vươn tới những điều tốt đẹp như bao người bình thường khác.

Mời các bạn theo dõi tuyến bài viết “Liệu pháp nhắm đích – Bước đột phá trong điều trị ung thư máu” để cảm nhận rõ hơn về điều kỳ diệu mà liệu pháp này mang lại cho người bệnh trên hành trình theo đuổi ước mơ, kiếm tìm hạnh phúc.

CÂU CHUYỆN SỐ 3

Vẫn khỏe mạnh và nuôi 2 con học Đại học sau 15 năm bị ung thư máu

15 năm trước, căn bệnh ung thư máu ập đến khiến gia đình anh Phạm Văn Thuấn (quê ở Ứng Hòa, Hà Nội) kiệt quệ tới mức phải bán nhà để theo đuổi hành trình điều trị. Nhưng dù trong những ngày tháng đen tối nhất, anh Thuấn vẫn luôn lạc quan, kiên cường chiến đấu để chiến thắng thử thách của số phận và trở thành “nhân chứng hy vọng” của nhiều người bệnh ung thư.

Năm 2009, vợ chồng anh Phạm Văn Thuấn đã làm chủ một quán vịt nướng rất đông khách và mua được một căn nhà ở Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội).

Nhưng rồi căn bệnh ung thư máu như một tai họa giáng xuống khiến anh Thuấn đang từ một người đàn ông khỏe mạnh, là trụ cột gia đình chỉ có thể nằm mê man trên giường bệnh. Khi nhập viện, anh bị thiếu máu nặng, đi không vững, tiểu cầu giảm xuống gần bằng không và nguy cơ xuất huyết não do rối loạn đông máu luôn rình rập.

Với gia đình anh, quãng thời gian đó như một cơn ác mộng với bao khó khăn chồng chất. Chồng nằm viện, 2 con còn nhỏ, vợ anh vừa bán hàng và lo cho 2 con, vừa tranh thủ vào viện để chăm sóc chồng khi truyền hóa chất. Quán vịt nướng thiếu đi người chèo chống nên cũng không thể duy trì như trước.

Trong nỗi lo không biết chồng có đủ sức vượt qua những đợt điều trị hay không, vợ anh còn phải chắt chiu từng đồng để mua thuốc cho chồng, đóng học cho con. Sau khi gắng gượng được một vài năm thì kinh tế gia đình không trụ vững được nữa, vợ chồng anh buộc phải bán căn nhà ở phố Triều Khúc để trả nợ và quay trở về với 2 bàn tay trắng. Cũng từ đây, cả gia đình anh lại bắt đầu cuộc sống ở trọ, nay đây mai đó.

Nhưng may mắn rằng ở cuối đường hầm vẫn có tia hy vọng, thể bệnh ung thư máu của anh (bệnh bạch cầu cấp dòng tủy thể tiền tủy bào – AML M3) có thể điều trị phối hợp bằng thuốc nhắm đích. ThS. BS. Nguyễn Quốc Nhật, Phó trưởng khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học – Truyền máu TW, nơi anh Phạm Văn Thuấn điều trị cho biết: “Ung thư máu cấp tính thể tiền tủy bào – AML M3 là một thể ung thư máu cấp tính dòng tủy đặc biệt, lúc phát bệnh thường rất nặng và kèm theo là rối loạn đông máu rầm rộ nên nguy cơ tử vong rất cao. Điều trị hóa chất sớm, kết hợp với uống thuốc nhắm đích và điều trị rối loạn đông máu kịp thời là phương pháp duy nhất có khả năng cứu sống người bệnh. Với các trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao, hoặc bệnh tái phát thì ghép tế bào gốc tạo máu cũng là một phương án thường được áp dụng để điều trị.

Ung thư máu cấp tính thể tiền tủy bào – AML M3 là một thể ung thư máu cấp tính nên tiên lượng chung là nặng, đặc biệt là ở giai đoạn đầu lúc mới chẩn đoán. Tuy nhiên vì đã có thuốc điều trị nhắm đích phối hợp với hóa chất nên hiệu quả điều trị đã được cải thiện rất lớn, thời gian ổn định sau điều trị cũng tốt hơn rất nhiều”.

Sau một thời gian điều trị, sức khỏe của anh Phạm Văn Thuấn dần hồi phục và chỉ cần đi khám, uống thuốc hàng tháng. Năm 2011, vợ chồng anh quyết định thuê quán ở gần Viện Huyết học – Truyền máu TW để tiếp tục bán vịt nướng và thuận tiện cho việc anh đi khám ở viện.

Từ đó đến nay, quán vịt nướng của anh nhiều lần phải đổi địa điểm, từ cổng chính, lại chuyển về cổng phụ của Viện nhưng lúc nào anh chị cũng chọn gắn bó với Viện Huyết học – Truyền máu TW, nơi mà anh chị coi như “ngôi nhà thứ 2” của mình.

Trải qua hơn 10 năm, người đàn ông đã từng phải chiến đấu với bệnh ung thư máu ấy vẫn chăm chỉ, nỗ lực làm việc như bao người khỏe mạnh khác để lo cho vợ con. Không chỉ bán các món vịt đặc sản của Vân Đình, vợ chồng anh chị còn bán thêm bún riêu, bún chả buổi sáng. Ngày ngày, anh vẫn thường dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị hàng, bán hàng và dọn dẹp cho tới tận đêm khuya.

Trong nhiều năm, từ Viện Huyết học – Truyền máu TW (ở Cầu Giấy) anh vẫn cần mẫn đưa đón 2 con đi học tại khu nhà cũ ở quận Thanh Xuân. Nhờ sự cố gắng của anh chị mà 2 con luôn được học hành đầy đủ và đều thi đỗ Đại học. Hiện giờ con trai lớn của anh chị đã tốt nghiệp Đại học và đi làm, còn con út đang là sinh viên năm thứ 2.

Nhớ lại thời gian 15 năm về trước, anh chị vẫn không khỏi rùng mình nhưng nhìn lại, anh chị vẫn cảm thấy mình vô cùng may mắn. Dù mắc phải căn bệnh hiểm nghèo có thể khiến bao người gục ngã nhưng nhờ có phương pháp điều trị nhắm đích, nhờ sự chăm sóc của các y bác sĩ và ý chí kiên cường, anh không chỉ chiến thắng số phận mà còn có thể nuôi 2 con khôn lớn, trưởng thành.

Cách cổng phụ của Viện Huyết học – Truyền máu TW khoảng hơn 200 m, quán vịt nướng của vợ chồng anh Thuấn nằm khiêm tốn sau hàng rào tôn nhưng luôn tấp nập khách ra vào. Nhiều người bệnh vẫn tìm đến quán của anh, như để tìm thấy hy vọng, để tận mắt nhìn thấy “nhân chứng” cho sức sống mãnh liệt của con người trước bệnh ung thư. Mỗi khi gặp người đồng bệnh, anh đều hồ hởi, nhiệt tình động viên, truyền cho họ niềm tin mạnh mẽ như cách anh đã lựa chọn để đương đầu với bao thử thách của cuộc đời.

Trương Hằng; Ảnh: Gia Thắng

Thiết kế: Hạnh Toàn

Mời xem thêm:

Câu chuyện số 1: Khát khao làm mẹ thành hiện thực sau hơn 10 năm bị ung thư máu mạn tính

Câu chuyện số 2: Sau 20 năm bị ung thư máu mạn tính, vẫn quyết tâm học Đại học ở tuổi 43

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan