Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Thông tin cần biết về Ghép Tế bào gốc tạo máu (phần 1)

Hiện nay, ghép tế bào gốc thực sự trở thành một “cuộc cách mạng” trong điều trị các bệnh lý về máu cũng như chăm sóc sức khỏe con người. Trong đó những tiến bộ của y học trong nước trong việc ghép tế bào gốc mà hàng trăm người tưởng tuyệt vọng đã tìm được cơ hội sống. 

01. Khái niệm về tế bào gốc và tế bào gốc tạo máu

Tế bào gốc là tế bào nguyên thủy nhất của cơ thể, có thể biến đổi thành nhiều tế bào của các cơ quan khác nhau.

Tế bào gốc tạo máu (HSC: Hematopoietic Stem Cell) là loại tế bào có thể biến đổi thành các tế bào máu mang chức năng khác nhau như:

  • Hồng cầu để vận chuyển oxy
  • Tiểu cầu để chống chảy máu
  • Bạch cầu để tạo miễn dịch bảo vệ cơ thể.

Ở người lớn, tế bào gốc tạo máu gặp chủ yếu ở tủy xương, ngoài ra có thể gặp ở máu ngoại vi với một số lượng rất ít. Ở trẻ sơ sinh, tế bào gốc tạo máu có thể gặp ở máu trong dây rốn của trẻ (gọi là máu dây rốn/máu cuống rốn).

Mẫu tế bào gốc được lấy từ máu dây rốn của trẻ sơ sinh.

Tế bào gốc tạo máu có thể sử dụng để ghép điều trị các bệnh về máu như ung thư máu, suy tủy xương, u lympho ác tính, tan máu bẩm sinh (thalassemia)….

Tế bào gốc tạo máu dùng cho ghép có thể thu được từ các nguồn: dịch chọc hút tủy xương, gạn tách từ máu ngoại vi, máu trong dây rốn,… Khi ghép, các tế bào gốc mới này sẽ thay thế các tế bào gốc tạo máu bệnh lý của cơ thể bệnh nhân và giúp cho bệnh nhân lui bệnh, thậm chí khỏi bệnh.

Ngoài ra, những lĩnh vực ứng dụng mới của tế bào gốc và tế bào gốc tạo máu còn đang được nghiên cứu như miễn dịch chống ung thư, điều trị các bệnh nội khoa mạn tính ngoài hệ tạo máu như đái tháo đường, tim mạch, xương khớp…

02. Lịch sử ghép tế bào gốc tạo máu

Ghép tế bào gốc tạo máu/ghép tủy là một trong những tiến bộ vượt bậc của nhân loại ngày nay. Nhờ có ghép tế bào gốc tạo máu, nhiều trường hợp bệnh nan y đã có khả năng chữa khỏi. Từ khi hiểu rõ vai trò của tế bào gốc tạo máu trong cơ thể cũng như cơ chế tổn thương tế bào gốc trong các bệnh về máu, người ta đã tìm cách thay thế những tế bào gốc bị bệnh bằng những tế bào gốc khỏe mạnh để giúp khắc phục những triệu chứng do bệnh gây ra.

Nhân viên Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đang kiểm tra các mẫu Tế bào gốc trong Ngân hàng Tế bào gốc.

Thời điểm ban đầu, người ta đã nỗ lực dùng tủy xương của người hiến đưa vào cơ thể người nhận là những bệnh nhân bị thiếu máu hay ung thư máu bằng đường uống, tiêm bắp hay truyền tĩnh mạch. Ghép tế bào gốc tạo máu trên thế giới thực sự phát triển bắt đầu sau sự bùng nổ của năng lượng và vũ khí hạt nhân năm 1945 vì vào thời điểm này xuất hiện rất nhiều những bệnh nhân bị các bệnh lý máu ác tính do phơi nhiễm phóng xạ iôn hóa.

Ca ghép đầu tiên được ghi nhận vào năm 1939, thực hiện trên một bệnh nhân bị xơ tủy do kim loại nặng, tủy xương ghép lấy từ người anh ruột của bệnh nhân. Tuy nhiên, ca ghép này không thành công, bệnh nhân tử vong sau 5 ngày. Cho đến năm 1965, ca ghép đầu tiên được ghi nhận thành công khi một bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp loại nguyên bào lymphô được điều trị bằng hóa trị và xạ trị, sau đó được truyền tế bào tủy xương từ 6 người hiến tế bào gốc khác nhau cùng huyết thống. Mặc dù vậy, bệnh nhân này tử vong sau 20 tháng vì bệnh tái phát.

Từ năm 1977 đến 1980 là giai đoạn có rất nhiều thành công trong nghiên cứu về ghép tế bào gốc đồng loài. Cũng từ năm 1978, ghép tế bào gốc trong bệnh u lymphô ác tính bắt đầu có những thành công nhất định. Năm 1990, E.D. Thomas đã được trao giải thưởng Nobel y học cho những nghiên cứu về ghép tế bào gốc.

Đến năm 2000, hơn 500.000 ca ghép đã được thực hiện trên toàn thế giới. Cho đến bây giờ, ghép tế bào gốc đã được nghiên cứu ứng dụng trong nhiều bệnh lý, cả ác tính lẫn lành tính. Một trong những nhóm bệnh lành tính có thể ứng dụng ghép tế bào gốc đồng loài khá hiệu quả là suy tủy xương, khi sử dụng người hiến có HLA (kháng nguyên bạch cầu người) phù hợp hoàn toàn với người nhận, nhất là từ anh chị em ruột.

03. Các phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu

– Ghép tự thân (tự ghép): tế bào gốc được lấy từ chính bản thân bệnh nhân sau khi bệnh ở giai đoạn ổn định. Tế bào gốc có thể lấy từ máu ngoại vi huy động hoặc dịch tủy xương, sau đó được bảo quản đông lạnh. Bệnh nhân sẽ được điều trị hóa chất/tia xạ để loại bỏ các tế bào ác tính còn sót lại trong cơ thể, sau đó truyền tế bào gốc đã bảo quản để phục hồi hệ thống tạo giúp rút ngắn giai đoạn suy tuỷ . Chỉ định ghép tủy tự thân chủ yếu trong các bệnh ác tính như: đa u tủy xương, u nguyên bào thần kinh, u lympho không Hodgkin, u lympho Hodgkin, lơxêmi cấp…), các bệnh lành tính như bệnh tự miễn…

Ghép tế bào gốc tạo máu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

– Ghép đồng loài (dị ghép): tế bào gốc lấy từ người hiến hòa hoàn toàn hay một phần kháng nguyên bạch cầu người (HLA) với bệnh nhân, gồm người hiến cùng huyết thống như anh, chị, em ruột, bố mẹ hoặc người hiến không cùng huyết thống. Vị trí lấy tế bào gốc bao gồm máu ngoại vi, dịch tủy xương hoặc từ máu dây rốn. Chỉ định ghép tế bào  đồng loài gồm các bệnh ác tính như lơxêmi cấp dòng tủy, lơxêmi cấp dòng lympho, u lympho không Hodgkin, u lympho Hodgkin, lơxêmi kinh dòng bạch cầu hạt, hội chứng rối loạn sinh tủy, tăng sinh tủy… và các bệnh lành tính như suy tủy xương, thalassemia mức độ nặng, đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm, thiếu máu Fanconi, thiếu máu Diamond-Blackfan, bệnh hồng cầu hình liềm…

04. Các phương pháp thu thập tế bào gốc tạo máu

– Thu thập từ máu ngoại vi: trong máu ngoại vi bình thường có rất ít tế bào gốc tạo máu. Khi cần thu thập, đối tượng gồm bệnh nhân lấy tế bào gốc hoặc người hiến sẽ được dùng thuốc để huy động làm tăng tỷ lệ tế bào gốc trong máu ngoại vi. Sau đó, bệnh nhân/người hiến sẽ tiến hành thu thập tế bào gốc thông qua hệ thống gạn tách tế bào tự động. Bệnh nhân/người hiến sẽ nằm trên giường, kết nối với hệ thống gạn tách qua đường tĩnh mạch. Máu đi ra khỏi cơ thể từ một đường vào máy, máy sẽ lọc tế bào gốc để cho vào túi riêng và trả các thành phần còn lại về cơ thể qua một đường khác. Kỹ thuật này rất ít ảnh hưởng đến sức khỏe của người được gạn tách, bao gồm đau mỏi do nằm lâu 3-5 giờ, hạ canxi máu, đau nhức xương do tiêm thuốc huy động…

– Thu thập từ tủy xương: tủy xương là nơi trú ẩn chính của các tế bào gốc tạo máu nên đây nguồn tế bào gốc rất dồi dào. Bệnh nhân/người hiến sẽ được đưa vào phòng phẫu thuật, được gây mê và chọc hút tế bào gốc tại tủy xương ở vùng xương chậu (thường phía trên vùng mông). Thể tích dịch tủy cần lấy có thể từ 500-1000ml tùy từng trường hợp. Nhiều trường hợp bệnh nhân/người hiến sẽ cần truyền bù máu để bù đắp lại lượng dịch đã lấy. Những ảnh hưởng chính của kỹ thuật này bao gồm đau tại vùng chọc tủy, ảnh hưởng của thuốc gây mê, giảm thể tích tuần hoàn…

– Thu thập máu dây rốn: máu dây rốn được lấy từ tĩnh mạch của dây rốn và rất dồi dào tế bào gốc. Thời điểm lấy được máu dây rốn tốt nhất là ở đoạn giữa của quá trình sinh nở, sau khi đứa trẻ đã ra đời và cắt, kẹp dây rốn nhưng bánh rau vẫn còn nằm trong cơ thể mẹ. Kỹ thuật viên sẽ dùng kim chọc vào tĩnh mạch của dây rốn để máu đi vào túi có chất chống đông và cố gắng lấy được toàn bộ số máu trong dây rốn. Trong trường hợp cần thiết có thể lấy thêm máu từ bánh rau sau khi đẻ rau. Kỹ thuật này không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ sơ sinh và người mẹ.

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương biên soạn

Đón xem phần 2 tại ĐÂY

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan