Tinh thần “thép” của những người thương bệnh nhi như con
Với những nhân viên y tế hàng ngày tiếp xúc với bệnh nhi, họ luôn phải giữ tinh thần “thép” để làm tốt công việc. Bởi lẽ nhìn những đứa trẻ hồn nhiên xinh xắn trên tay vẫn cắm kim truyền, người lớn thật khó thể cầm lòng.
Những bước chạy khẩn trương và không hỏi “tại sao”
Hàng ngày, các bác sĩ đều đến thăm khám tại phòng bệnh. Những hôm có bệnh nhi biểu hiện khác thường một chút là các bác sĩ thường xuyên có mặt, nhiều khi là vội vã. Mẹ bệnh nhi Đỗ Anh Vũ cho biết, 12 giờ trưa có một bệnh nhi lên cơn sốt, kíp trực cũng không kịp ăn trưa mà chạy vào ngay với các con.
Cảm nhận được sự thương xót, đồng cảm của đội ngũ y bác sĩ đối với người bệnh, bà nội bệnh nhi Nguyễn Anh Bảo Duy tỏ lòng cảm kích: “Có lúc các con bị tắc ven mà các cô vẫn quá nhiệt tình, không hề cằn nhằn hay cắu gắt. Cô vẫn nói một cách vui vẻ, điều trước tiên không phải là hỏi tại sao mà các cô làm lại ven cho bệnh nhi ngay lập tức”.
Coi nỗi đau của người bệnh như nỗi đau của người thân
Cán bộ nhân viên y tế, đặc biệt là nữ phải rèn luyện tinh thần “thép” mới có thể duy trì công việc. “Mình đã có con rồi, nên nhìn các cháu đến viện rất thương”, điều dưỡng Đoàn Thị Thu Huyền (Khoa Bệnh máu trẻ em) tâm sự. “Nhìn thấy các con ở trong viện, chúng tôi như nhìn thấy hình ảnh con cái của chính mình nên nhiều khi không cầm lòng được”.
Ước mơ ngày trước của chị Huyền là làm ngành y để điều trị cho người bệnh, trước khi ra viện, chị và họ có thể chào nhau bằng nụ cười.
Điều dưỡng Đoàn Thị Thu Huyền tự nhủ cố gắng đem hết tâm huyết, chuyên môn để chăm sóc bệnh nhân
Điều dưỡng Huyền nhớ lại hồi làm ở khoa điều trị bệnh nhân người lớn, khi ai đó không qua khỏi, chị cũng có lúc nản lòng vì thực tế không giống như ước mơ. Lúc đó, chị và đồng nghiệp lại động viên nhau đã chọn nghề thì cố gắng làm tốt nhiệm vụ.
Người bệnh đến đây, bao nhiêu tin tưởng họ gửi gắm nơi y bác sĩ. Chị Huyền tự nhủ cố gắng đem hết tâm huyết, chuyên môn để chăm sóc bệnh nhân. Như thế, họ và người nhà mới có tinh thần thoải mái nhất bất kể khó khăn khi phải ở viện dài ngày. Chị Huyền tiết lộ, đó cũng là lý do chị ít khi nói to với người bệnh.
Mẹ bệnh nhi Chu Hồng Nhung chia sẻ: “Các con chỉ muốn được cô Huyền lấy ven do bình thường cô rất tình cảm, quý mến lũ trẻ như con cháu trong nhà”.
Điều dưỡng Huyền kể lại, có những bạn nhỏ rất dũng cảm, lấy ven mà kêu không đau. “Điều trị lâu, ven của các con rất khó lấy nên chúng tôi càng phải cố gắng lấy chuẩn xác và chỉ cần lấy một lần vì lấy nhiều các con sẽ rất đau đớn”.
Những lúc các con đau, các chị thường nói chuyện, chơi đùa để các con quên đi nỗi mệt mỏi. Mỗi lần có bé ra viện, chị chào các con, hẹn gặp lại rồi dặn dò nhớ đến đúng hẹn. Lời chào mang theo niềm hy vọng rằng không có bạn nhỏ nào phải đi viện trước hẹn, nghĩa là sức khoẻ các con được ổn định và tận hưởng những ngày nghỉ ngơi ở nhà thật trọn vẹn.
“Hãy coi người bệnh như người nhà của mình, hãy coi nỗi đau của người bệnh như nỗi đau của chính người thân mình”, câu nói này như kim chỉ nam trong công việc của những người nhân viên y tế nơi đây.
Cảm xúc dồn nén trước những ca cấp cứu
Đứng trước cửa phòng cấp cứu, bên trong là một ca bệnh mà rất đông nhân viên y tế từ bác sĩ trưởng khoa, phó trưởng khoa, điều dưỡng trưởng đều có mặt. Họ khẩn trương cứu chữa người bệnh. Nét căng thẳng bao trùm bầu không khí. Người nhà lẫn bệnh nhi xung quanh đều giữ yên lặng để y bác sĩ tập trung cao độ. Những người chứng kiến thầm cầu mong cho cháu bé vượt qua cơn nguy hiểm. Các y bác sĩ vẫn giữ tinh thần “thép” để thực hiện thao tác chuyên môn.
Ngày hôm sau, điều dưỡng Cấn Trung Kiên (khoa Bệnh máu trẻ em) lại tất bật chăm sóc bệnh nhi. Điều dưỡng Kiên là người phụ trách phòng cấp cứu, nơi giành giật từng phút sự sống của người bệnh, đồng thời anh là người có mặt trong ekip đó.
Anh Kiên cho biết bản thân và các đồng nghiệp phải nén lại cảm xúc khi thực hiện những ca khó. Họ nâng cao tinh thần làm việc nhóm, hỗ trợ nhau để hoàn thành nhanh nhất, hiệu quả nhất y lệnh của bác sĩ. Bệnh nhi ngày hôm qua cấp cứu, tuy còn thở oxy nhưng hôm nay đã ngồi dậy và nói chuyện được. Sau mỗi ca như vậy, thấy bệnh nhi hồi phục dần, anh Kiên cảm thấy công sức của cả tập thể đã được ghi nhận.
Lời chúc của người bệnh gửi các y bác sĩ “Viện Máu”
Đôi lúc, mặc dù đã làm hết trách nhiệm mà người bệnh không qua khỏi, cảm xúc chung của những người làm nghề là buồn. Họ luôn muốn làm tốt hơn nữa để cứu sống được nhiều người bệnh.
Khi người bệnh có hoàn cảnh rất khó khăn, phải đi chuyến xe cuối cùng trở về nhà, nhân viên y tế lại lo lắng xin hỗ trợ. “Bên cạnh việc đề xuất với các nhà hảo tâm vẫn thường xuyên giúp đỡ, chúng tôi cũng trình bày hoàn cảnh của người bệnh với đơn vị vận chuyển để họ thấu hiểu và hỗ trợ phần nào chi phí chuyến xe cho người bệnh về nhà”, điều dưỡng Kiên chia sẻ.
Điều dưỡng Cấn Trung Kiên kiểm tra lại ven và dặn dò gia đình bệnh nhi
Ngoài chuyên môn, những lúc rảnh rỗi, anh Kiên và đồng nghiệp vẫn chuyện trò cùng gia đình người bệnh. Có khi là những câu chuyện vui để xua tan không khí căng thẳng, ngột ngạt trong bệnh viện, nhất là khi nhiều người ở bệnh viện dài ngày. Những câu chuyện, sự hỏi han đã gắn kết mối quan hệ, tạo niềm tin giữa nhân viên y tế và người bệnh.
Từng chứng kiến nhiều bệnh nhi lúc mới vào viện rất nặng, xanh xao và yếu ớt, khi ra viện đã khoẻ mạnh, bé gái hồng hào xinh xắn, bé trai mạnh mẽ, những nhân viên y tế như anh Kiên, chị Huyền rất vui mừng. Đó không phải thành quả của một cá nhân, mà của cả một tập thể. “Sự phối hợp của các bố mẹ bệnh nhi, niềm vui của người bệnh đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi rất nhiều”.
Hải Yến – Ảnh: Đức Thịnh – Thiết kế: Gia Thắng
Bài viết liên quan
Thư chúc mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2023
24 Tháng Hai, 2023Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương gửi thư chúc mừng tới toàn thể các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ…
Thầy thuốc tự hào hiến máu cho người bệnh
22 Tháng Hai, 2023“Chúng tôi rất tự hào vì là một thầy thuốc và đang làm hết sức mình để cứu sống người bệnh”, đó là những chia sẻ đầy chân thành và…