“Tôi tự hào với những vinh quang của Viện và hạnh phúc với mỗi ngày đến Viện làm việc”
Tại buổi lễ chúc mừng chiều 23/6/2021 do Viện Huyết học – Truyền máu TW tổ chức, BSCKII. Phạm Tuấn Dương – Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia đã xúc động chia sẻ: “Ở Viện, tôi đã được trải nghiệm nhiều cung bậc tình cảm và cung bậc tình cảm lớn nhất, nhiều nhất là niềm tự hào với những vinh quang của Viện. Tôi hạnh phúc với việc mỗi ngày được đến Viện làm việc, thậm chí cả khi về nhà, tôi vẫn nghĩ đến công việc. Dù chỉ còn ít ngày nữa sẽ nghỉ hưu nhưng chắc chắn tâm hồn và tình cảm của tôi vẫn luôn hướng về Viện”.
Tốt nghiệp bác sĩ tại Đại học Y Hà Nội, BSCKII. Phạm Tuấn Dương bắt đầu công tác từ năm 1983 và gắn bó liên tục với chuyên khoa Huyết học – Truyền máu, với Viện Huyết học – Truyền máu TW trong gần 38 năm công tác.
BSCKII. Phạm Tuấn Dương đã được giao nhiều trọng trách khác nhau như: Phó trưởng phòng Truyền máu, Trưởng phòng Sản xuất chế phẩm máu, Phó trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia. Dù ở bất cứ vị trí công tác nào, BSCKII. Phạm Tuấn Dương đều cần mẫn, tận tâm, tận lực, mang hết sức lực, trí tuệ và trách nhiệm của mình để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Khẳng định những đóng góp của người thầy thuốc ưu tú, TS. Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương ghi nhận: “BSCKII. Phạm Tuấn Dương có tầm ảnh hưởng lớn trong chuyên khoa Huyết học – Truyền máu. Hơn 1/3 thế kỷ cống hiến cho Viện, cho ngành Truyền máu, BSCKII. Phạm Tuấn Dương đã có những cải tiến kỹ thuật, tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng, chuẩn hóa các quy trình kỹ thuật chuyên môn để tạo ra những chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn chất lượng trong điều trị các bệnh về máu. Bản thân tôi cũng như các anh chị và các bạn hết sức trân trọng và tự hào khi có được người lãnh đạo, người thầy, người anh, người đồng nghiệp đã cống hiến, nỗ lực hết mình cho Viện, cho chuyên ngành và cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
TS. Bạch Quốc Khánh trao bằng khen của Bộ Y tế cho những đóng góp của BSCKII. Phạm Tuấn Dương.
Tập thể Ban Lãnh đạo Viện chúc mừng và tri ân những đóng góp của BSCKII. Phạm Tuấn Dương trong cả sự nghiệp gắn bó với Viện.
Với bác sĩ Dương, niềm tự hào trong suốt chặng đường công tác của mình là được có cơ hội chứng kiến mọi sự đổi thay, chứng kiến từng giai đoạn phát triển của Viện. “Tôi từng được ở trong thời điểm mà cơ sở vật chất, trang thiết bị của Viện vẫn rất nghèo nàn, chỉ là nhà cấp 4, chính tôi cũng từng có lúc chán chường, nản chí. Nhưng chính trong khó khăn ấy, tôi mới dũng cảm để nghĩ ra việc, để bắt tay cùng các đồng nghiệp xây dựng những thứ đọc được trong sách. Tôi vô cùng biết ơn người thầy đầu tiên, rất nghiêm khắc với các thế hệ học trò là GS. Bạch Quốc Tuyên”, bác sĩ Dương bồi hồi nhớ lại.
BSCKII. Phạm Tuấn Dương cũng điểm lại những sự trưởng thành từng bước, cả những lúc tăng tốc vượt bậc của Viện: “Viện có những dấu mốc của chu kỳ 20 năm rất đặc biệt: năm 1963 (một khoa nhỏ thuộc Bệnh viện Bạch Mai), năm 1984 (thành lập Viện Huyết học – Truyền máu, thuộc Bệnh viện Bạch Mai) và 20 năm sau – năm 2004 trở thành Viện Huyết học – Truyền máu TW thuộc Bộ Y tế. Nhưng 10 – 15 năm đầu của chu kỳ 20 năm luôn thực sự gian khó, đắng cay và chúng ta chỉ thực sự hưởng quả ngọt ở 5 năm cuối của chu kỳ này. Tôi hi vọng với chu kỳ 20 năm này thì đến năm 2024, Viện sẽ có thêm những bước tiến vượt bậc hơn nữa”.
BSCKII. Phạm Tuấn Dương cũng là một trong những người có vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách về truyền máu, điển hình là sự ra đời Quy chế Truyền máu (năm 2007), Thông tư Hướng dẫn hoạt động Truyền máu (năm 2013) và nhiều thông tư, văn bản quy định về giá máu, chế phẩm máu, chế độ cho người hiến máu… Ông cũng là người tham gia đặt nền móng, tham mưu mô hình kiểm tra, giám sát, nâng cao hệ thống quản lý chất lượng Huyết học – Truyền máu trên toàn quốc, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Truyền máu, hướng dẫn an toàn truyền máu lâm sàng: sử dụng hợp lý máu và chế phẩm máu, lập kế hoạch nhu cầu máu của các bệnh viện, theo dõi và giám sát công tác truyền máu, cảnh báo nguy cơ truyền máu…
Đảng ủy Viện Huyết học – Truyền máu cảm ơn những nỗ lực không mệt mỏi của BSCKII. Phạm Tuấn Dương với sự phát triển của Viện.
Trung tâm Máu quốc gia tự hào khi được sự lãnh đạo, quan tâm, dìu dắt của BSCKII. Phạm Tuấn Dương.
Lãnh đạo Trung tâm Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai chúc mừng BSCKII. Phạm Tuấn Dương.
Bên cạnh đó, bác sĩ Dương cũng đóng góp rất lớn trong công tác vận động hiến máu trên phạm vi cả nước và trực tiếp tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu gần 70 lần.
BSCKII. Phạm Tuấn Dương trong một lần tham gia hiến máu cùng Phó Viện trưởng Lê Lâm.
Lặng thầm cống hiến với chuyên ngành Huyết học – Truyền máu TW, BSCKII. Phạm Tuấn Dương cũng luôn lặng lẽ hiến tiểu cầu mỗi khi kho máu cần.
Trong quá trình làm việc và cống hiến của mình, BSCKII. Phạm Tuấn Dương đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và nhà nước trao tặng: Huân chương lao động hạng Ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2 lần), danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, Giải thưởng Nhân tài đất Việt và nhiều bằng khen.
Gắn bó trọn sự nghiệp với công tác Truyền máu, BSCKII. Phạm Tuấn Dương vẫn luôn dành tất cả tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm và tình cảm cho sự phát triển của Viện nói riêng, của chuyên khoa Huyết học – Truyền máu nói chung.
Niềm ưu tư lớn nhất của bác sĩ Dương khi chuẩn bị được nghỉ ngơi sau chặng đường dài công tác đó là “sự phát triển của Truyền máu dù rất to lớn nhưng triển vọng vẫn còn rất nhiều, vẫn rất cần những người được bồi dưỡng về chuyên môn”. BSCKII. Phạm Tuấn Dương chia sẻ và mong muốn lãnh đạo Viện và Đại học Y Hà Nội quan tâm, động viên, định hướng các bác sĩ nội trú gắn bó với hoạt động Truyền máu.
Thảo Nguyên – Lâm Tùng – Công Thắng
Bài viết liên quan
Tâm sự của một bác sĩ 18 năm tuổi Đảng và hơn 30 năm gắn bó với ngành truyền máu
18 Tháng Năm, 2020Trong ngành y, có những chuyên khoa đặc biệt và có những bác sĩ làm những công việc thầm lặng, ít được biết đến. Truyền máu là một trong số…
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương: Sản xuất lô tiểu cầu pool lọc bạch cầu đầu tiên
25 Tháng Hai, 2016Ngày 25/2/2016, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã sản xuất lô tiểu cầu pool lọc bạch cầu đầu tiên. Đồng thời, Viện cũng là đơn vị đầu…
Các dịch vụ, các kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc máu tại Viện
22 Tháng Năm, 2020Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế quy định bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc một số tác nhân lây truyền bệnh (xét nghiệm…