Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Tâm sự của một bác sĩ 18 năm tuổi Đảng và hơn 30 năm gắn bó với ngành truyền máu

Trong ngành y, có những chuyên khoa đặc biệt và có những bác sĩ làm những công việc thầm lặng, ít được biết đến. Truyền máu là một trong số đó. Đây vừa là một chuyên khoa thuộc ngành y, lại vừa có tính chất như ngành dược. Các bác sĩ không khám bệnh, họ chỉ cung cấp thuốc cho bệnh nhân – một loại thuốc đặc biệt được điều chế từ máu.

Trên 30 năm gắn bó với lĩnh vực Huyết học – Truyền máu, BSCKII. Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chia sẻ, công việc mà ông và các đồng nghiệp đang theo đuổi được ví như những việc thầm lặng ở hậu trường.

BSCKII. Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã gắn bó với lĩnh vực truyền máu trên 30 năm và cũng đã hiến máu khoảng 40 lần

Thông thường, mọi người chỉ biết tới hoạt động truyền máu qua công tác vận động tuyên truyền hiến máu từ người khỏe mạnh. Nhưng đằng sau đó là một quá trình phức tạp. Một đơn vị máu hiến có thể được điều chế ra nhiều chế phẩm giúp cứu sống nhiều người bệnh khác nhau. Và để chuyển máu tới khoa lâm sàng thì từng đơn vị máu đã trải qua quy trình xét nghiệm, bảo quản nghiêm ngặt, giúp người bệnh giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh như HIV, giang mai, sốt rét, viêm gan B, viêm gan C…

Bác sĩ Phạm Tuấn Dương nói: “Một điểm khác so với những bác sĩ ở chuyên khoa khác, đó là chúng tôi không đứng trực tiếp tham gia cấp cứu, điều trị cũng như hưởng trực tiếp niềm vui của bệnh nhân. Chúng tôi chỉ đứng trong hậu trường, nhìn những thành quả của mình và đồng nghiệp ở lâm sàng khi người bệnh được điều trị thành công”.

Kỳ tích chuyện “ngựa non háu đá”

Trên thực tế, chuyên khoa Huyết học – Truyền máu tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong thời gian qua, song nếu quay trở về hơn 30 năm về trước vẫn ở giai đoạn đầu phát triển nếu so với các nước trên thế giới. Đó cũng là lý do chuyên khoa này “kén” sinh viên y khoa.

Tâm sự về kỷ niệm nhớ đời ngày chập chững vào nghề, bác sĩ Phạm Tuấn Dương kể, đầu những năm 1980, khi còn là bác sĩ nội trú tại bệnh viện Bạch Mai, ông được phân công vào Khoa Truyền máu. Lúc đầu, ông rất thất vọng vì không được trực tiếp khám chữa bệnh mà chủ yếu làm công tác xét nghiệm, điều chế máu. Nhưng một biến cố đã thay đổi cách suy nghĩ của ông.

Đêm đầu tiên trực tại bệnh viện, bác sĩ Dương đã gặp một ca bệnh cân não – nữ bệnh nhân chuyển dạ. Bệnh nhân này từng sinh một lần trước đó nhưng do bất đồng nhóm máu mẹ-con nên cháu bé không thể giữ được. Ở lần sinh thứ hai này, cháu bé sau khi ra đời sức khỏe chuyển biến xấu rất nhanh. Dù chưa trải nghiệm thực tế về ca sản nào, lại không có bác sĩ hỗ trợ (thời đó, không có phương tiện liên lạc di động như ngày nay), song với trực giác mách bảo, bác sĩ Dương đã quyết định tự tay điều chế máu và tiến hành thay máu toàn bộ cho bé. Sau gần 6 giờ đồng hồ, với 3 lần thay máu, cháu bé vượt qua 4 thời khắc thập tử nhất sinh và cuối cùng được cứu sống.

Sau ca thay máu kỳ tích đó, bác sĩ Dương bị trưởng khoa mắng như tát nước và còn dọa đuổi việc. Bản thân bác sĩ cũng thừa nhận, khi đó ông quá mạo hiểm và có thể coi là “ngựa non háu đá”. Song cái được lớn nhất với ông lại là niềm tin, động lực vào công tác truyền máu.

Bác sĩ Phạm Tuấn Dương và các đồng nghiệp đã liên tục vượt qua những khó khăn trong “Buổi bình minh” của lĩnh vực truyền máu Việt Nam từ việc đơn giản như cải tiến những chiếc bình thủy tinh điều chế máu bằng lực ly tâm, mày mò cách phân tách thành phần máu đến đề tài phức tạp như điều chế tủa lạnh yếu tố VIII điều trị bệnh nhân mắc bệnh ưa chảy máu (Hemophilia).

Người truyền cảm hứng

Tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, các y bác sĩ thường kể với nhau câu chuyện: Viện trưởng phải cắt cử riêng một nhân viên chuyên nhắc giờ cơm trưa cho bác sĩ Dương vì lo sợ ông mải làm… quên ăn.

Anh Phan Hữu Quang – Phó trưởng phòng Quản  lý Chất lượng cho biết: “Bác sĩ Dương là một người rất tận tuy, làm việc hết sức mình đến mức nhiều khi quên ăn, quên giờ đi về. Cảm giác chúng tôi còn trẻ nhưng nhiều khi cũng không theo kịp”.

Nói về người thầy đầu tiên dìu dắt chuyên môn, chị Đỗ Thị Hiền – Phó trưởng Khoa Điều chế các thành phần máu chia sẻ: “Thời đầu chưa có nhiều máy móc như hiện nay, dụng cụ vẫn còn thô sơ. Tôi được đi theo giúp việc bác sĩ Dương làm nhiều ca 3-4 tiếng liên tục. Với tinh thần chăm sóc bệnh nhân chu đáo, bác sĩ đã gây ấn tượng sâu sắc cho tôi về lòng yêu nghề. Tôi vẫn kể cho các bác sĩ trẻ mới vào nghề về tấm gương của thầy mình”.

Hiện nay, ở cương vị quản lý, bác sĩ Phạm Tuấn Dương không còn tham gia trực tiếp các công đoạn xét nghiệm, phân tách chế phẩm máu. Ông chuyên tâm hơn với những vấn đề của ngành như đào tạo nhân lực, vấn đề tổ chức, vận hành với mục đích sau cùng – người bệnh được hưởng những chế phẩm máu tốt nhất, nhanh nhất với chi phí rẻ nhất.

Là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, Bí thư Chi bộ Truyền máu I, BSCKII. Phạm Tuấn Dương là tấm gương vì sự tận tụy trong công việc và luôn dìu dắt thế hệ trẻ

Những nỗ lực, cống hiến của bác sĩ Dương trong công tác truyền máu đã được ghi nhận với danh hiệu Đảng viên xuất sắc nhiều năm liền, Thầy thuốc ưu tú, nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, TW Hội Chữ thập Đỏ…

Bác sĩ Dương luôn tâm niệm rằng, là một bác sĩ, một người Đảng viên mình sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ và ngành nghề nào cũng cần cái tâm cống hiến: “Cần phải có người định hướng tiêu chuẩn, yêu cầu, cần bố trí những người có năng lực, chuyên vào lĩnh vực này. Chứ nếu điều một bác sĩ làm việc chế phẩm máu thì sẽ có người chán và có người vượt qua được cái chán ấy hoặc không. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu có thiện ý, biết cách làm tốt việc của mình thì cũng sẽ thu được không nhiều thì ít những thành công”.

Theo VOV Giao thông

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan