Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Truyền 12 đơn vị chế phẩm máu, cứu bệnh nhân bị vỡ gan phức tạp

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa cứu sống một bệnh nhân bị vỡ gan phức tạp nhờ phương pháp can thiệp nút mạch, mà không cần phải phẫu thuật, chỉ trong thời gian 30 phút. Trong quá trình cấp cứu, can thiệp, bệnh nhân đã được truyền tổng cộng 12 đơn vị máu và chế phẩm máu (6 đơn vị hồng cầu, 2 đơn vị tiểu cầu, 4 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh).

Các bác sĩ can thiệp, cấp cứu cho bệnh nhân (ảnh: TTX).

Trước đó, chị N.N.G (43 tuổi, trú tại Hậu Giang), khi di chuyển bằng thuyền máy thì va chạm với phương tiện giao thông đường thủy khác, bị chấn thương nặng, rơi xuống sông và được người dân đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu.

Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng nguy kịch: da xanh, niêm nhợt, huyết áp thấp, mạch nhanh nhẹ, đau ở nhiều vị trí… Bệnh nhân được hồi sức tích cực truyền máu, bù dịch, giảm đau..

Bệnh nhân được chẩn đoán đa chấn thương nặng, sốc mất máu, vỡ gan phức tạp, tràn máu ổ bụng lượng nhiều, gãy nhiều xương sườn (xương sườn 5 đến 10), dập phổi. Bệnh nhân có chỉ định can thiệp chụp và nút mạch, cấp cứu cầm máu gan bị vỡ.

BSCKI. Trần Công Khánh – Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã tiến hành chụp xác định vị trí thoát mạch (bệnh nhân chỉ phải gây tê) và bơm tắc bằng keo, thủ thuật diễn ra trong 30 phút. Sau can thiệp, tình trạng của người bệnh dần cải thiện.

Hiện tại, sức khỏe người bệnh đã tiến triển tốt, mạch, huyết áp ổn định, tình trạng chảy máu không còn, ăn uống được.

Trong quá trình cấp cứu, can thiệp, bệnh nhân đã được truyền tổng cộng 12 đơn vị chế phẩm máu (6 đơn vị hồng cầu, 2 đơn vị tiểu cầu, 4 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh); được cung cấp kịp thời từ Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ.

Theo BSCKII. Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ, gan là tạng đặc có thể tích lớn trong cơ thể, là bộ phận dễ bị tổn thương nhất trong chấn thương bụng kín. Khi gan bị vỡ, bệnh nhân sẽ gặp phải nguy cơ mất máu, kéo theo một loạt các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn hoạt động các chức năng sống của cơ thể, rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng và dẫn đến tử vong…

Với can thiệp nút mạch cầm máu, bệnh nhân sẽ không phải trải qua những cuộc đại phẫu cắt gan nặng nề kéo dài hàng giờ, tiềm ẩn biến chứng trong và sau phẫu thuật nguy hiểm như sốc mất máu, nhiễm trùng vết mổ. Can thiệp thành công cũng giúp giảm lượng máu cần truyền, giảm tỉ lệ tử vong và giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân.

Thảo Nguyên (tổng hợp)

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan