Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Truyền 10 đơn vị chế phẩm máu, giúp sản phụ vượt qua cửa tử

Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Sơn Tây, vừa qua, bệnh viện đã phẫu thuật, cấp cứu thành công một sản phụ mắc Hội chứng HELLP (hội chứng tan máu, tăng men gan và giảm tiểu cầu) rất nặng. Trong ca cấp cứu, các bác sĩ đã cần đến 10 đơn vị chế phẩm máu do Viện Huyết học – Truyền máu TW cung cấp, giúp sản phụ vượt qua cửa tử.

​Ngày 14/5/2021, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây tiếp nhận sản phụ Nguyễn Thị Nh., 37 tuổi ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Sản phụ mang thai lần 3, nhập viện trong tình trạng tăng huyết áp cấp cứu 200/120mmHg, phù toàn thân, đau bụng từng cơn, được chẩn đoán: Thai 37 tuần theo dõi rau bong non/ tiền sản giật nặng. Ngay lập tức, các y bác sĩ sử dụng thuốc hạ áp để kiểm soát huyết áp, dự phòng cơn sản giật và làm khẩn trương các xét nghiệm cần thiết.

​Dựa trên kết quả xét nghiệm, các bác sĩ xác định sản phụ mắc Hội chứng HELLP (hội chứng tan máu, tăng men gan và giảm tiểu cầu) rất nặng. Sản phụ được chuyển mổ cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền tiểu cầu, hạ huyết áp… Ekip phẫu thuật gồm bác sĩ Sản khoa, Gây mê hồi sức, Huyết học – Truyền máu, Sơ sinh… đã mổ lấy thai thành công, cứu sống bé gái có cân nặng 2.400 gram.

Sau mổ, do biến chứng của Hội chứng HELLP, sản phụ vẫn còn trong tình trạng suy thận cấp. Ban lãnh đạo bệnh viện và liên khoa đã hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Sau 6 ngày điều trị tích cực, sức khỏe sản phụ hồi phục, tình trạng suy thận cải thiện, huyết áp được kiểm soát tốt, các xét nghiệm dần ổn định, tử cung gò chắc, vết mổ khô.

Trong và sau khi diễn ra ca mổ, sản phụ đã được truyền 10 đơn vị chế phẩm máu (bao gồm khối tiểu cầu, khối hồng cầu và huyết tương). Nhờ được truyền chế phẩm máu kịp thời, sản phụ đã tránh được nguy cơ xuất huyết có thể đe dọa đến tính mạng.

​Hội chứng HELLP là một biến chứng sản khoa nguy hiểm của bệnh lý tiền sản giật, thường diễn biến rất nhanh với tỷ lệ tử vong cả mẹ lẫn con khá cao. Vì vậy, việc khám thai định kỳ là vô cùng cần thiết, trong 3 tháng đầu thai kỳ với tuổi thai từ 11-13 tuần, sản phụ cần được làm xét nghiệm tầm soát nguy cơ tiền sản giật để điều trị dự phòng kịp thời.

Hằng ngày, những chuyến xe của Viện Huyết học – Truyền máu TW thường xuyên vận chuyển chế phẩm máu đến các bệnh viện trong Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc để phục vụ công tác điều trị

Không chỉ có chị Nguyễn Thị Nh., hàng ngày trên khắp đất nước vẫn còn có hàng ngàn người bệnh đang cần máu. Đặc biệt là những trường hợp bị tai nạn, người bệnh cấp cứu, sản phụ bị mất máu sau sinh, trong đó có cả những người bệnh Covid-19… có thể mất đi cơ hội sống nếu không được truyền chế phẩm máu kịp thời.

Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng máu dự trữ đang sụt giảm nghiêm trọng. Chỉ riêng tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, trong tháng 5, lượng máu tiếp nhận chỉ bằng 30% so với kế hoạch. Đã có gần 70 lịch hiến máu với dự kiến tiếp nhận 25.000 đơn vị máu bị hoãn, hủy. Trong khi Viện là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp máu cho 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc với diện bao phủ là 40 triệu dân.

Viện Huyết học – Truyền máu TW tha thiết kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe, không có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tích cực đến hiến máu, hiến tiểu cầu để chung sức giữ nhịp đập trái tim của những người bệnh đang cần máu.

Như Hoa – Trương Hằng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan