Tư vấn về bệnh tan máu bẩm sinh cho học sinh phổ thông
Ngày 9/5/2022, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với Trung tâm y tế Quận Ba Đình tổ chức chương trình Tư vấn về bệnh thalassemia tại trường Phổ thông trung học Phan Đình Phùng. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Thalassemia Thế giới – 08/5/2022 được tổ chức nhằm vận động cộng đồng cùng nỗ lực tham gia vào cuộc chiến đẩy lùi bệnh thalassemia.
Bệnh thalassemia – tan máu bẩm sinh là căn bệnh di truyền phổ biến nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Với khoảng 14 triệu người mang gen bệnh, mỗi năm, ước tính cả nước có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng phải truyền máu suốt cuộc đời.
Bệnh tan máu bẩm sinh nguy hiểm đến như vậy nhưng cho đến nay, công tác phòng bệnh vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Phương pháp phòng bệnh tan máu bẩm sinh hiệu quả, tiết kiệm nhất chính là tầm soát gen bệnh ngay từ giai đoạn tiền hôn nhân, đồng thời tư vấn cho người mang gen bệnh các biện pháp sinh con khỏe mạnh.
Hơn 1.000 học sinh trường PTTH Phan Đình Phùng chăm chú lắng nghe BSCKII. Vũ Hải Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Thalassemia chia sẻ kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh
Nhằm vận động ngày càng nhiều hơn thanh thiếu niên xét nghiệm sàng lọc gen bệnh tan máu bẩm sinh, trong hơn 10 năm qua, các bác sĩ Trung tâm Thalassemia và Viện Huyết học – Truyền máu TW đã đến rất nhiều trường học để tư vấn, tuyên truyền về bệnh.
Tại trường PTTH Phan Đình Phùng, BSCKII. Vũ Hải Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã chia sẻ những kiến thức quan trọng về triệu chứng, hậu quả của bệnh tan máu bẩm sinh, cơ chế di truyền và các biện pháp phòng bệnh…
Tham dự chương trình còn có người bệnh và người nhà người bệnh. Họ đã sẵn sàng chia sẻ câu chuyện về những nỗi đau mà mình phải trải qua trên hành trình chiến đấu với căn bệnh và nỗi hối tiếc khi sinh con bị bệnh chỉ vì thiếu thông tin. Chị Phạm Kim Anh, một người mẹ có con bị tan máu bẩm sinh đã nhắn nhủ đến các bạn học sinh: Hãy trân trọng cơ hội được tìm hiểu về bệnh thalassemia từ khi còn trên ghế nhà trường và chúc các con sẽ làm chủ tương lai, không sinh ra em bé bị bệnh chỉ vì không được cung cấp thông tin trước khi kết hôn giống như bản thân chị 18 năm về trước.
Chị Phạm Kim Anh, một người mẹ có con bị tan máu bẩm sinh kể về giây phút lần đầu tiên biết con bị bệnh và hành trình đưa con đi viện hàng tháng.
Bạn Nguyễn Thế Thái Sơn chia sẻ về chặng đường mình đã trải qua trên hành trình chiến đấu với căn bệnh để giúp các bạn học sinh hiểu rõ tầm quan trọng của việc tầm soát gen bệnh thalassemia
Những câu chuyện chân thực và xúc động do chính những người trong cuộc kể lại đã giúp các em học sinh và các thầy cô giáo hiểu hơn về những hậu quả và nỗi đau mà căn bệnh này để lại.
Bên cạnh đó, chương trình còn tổ chức cho các bạn học sinh tham gia thi, trả lời các câu hỏi về bệnh tan máu bẩm sinh để các kiến thức phòng bệnh được truyền tải đến các em một cách sinh động, dễ nhớ nhất.
Các em học sinh hào hứng tham gia phần thi trả lời các câu hỏi về bệnh tan máu bẩm sinh
Tin: Trương Hằng, ảnh: Lâm Tùng
Bài viết liên quan
Tan máu bẩm sinh (thalassemia) là gì và điều trị như thế nào?
28 Tháng Tư, 2021Bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) được thế giới phát hiện và nghiên cứu từ năm 1925. Tại Việt Nam, bệnh được các nhà khoa học nghiên cứu từ năm…
Hướng dẫn xét nghiệm gen tan máu bẩm sinh (thalassemia)
26 Tháng Chín, 2022Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mang gen bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) cao trên thế giới với khoảng 12 triệu người mang gen…
Chi phí các gói xét nghiệm máu tại điểm hiến máu cố định
30 Tháng Ba, 2022Nhịp sống bận rộn và dịch Covid-19 đã khiến rất nhiều người trong chúng ta không duy trì được lịch khám sức khỏe định kỳ. Đã có nhiều người chỉ…
Gần 150.000 lượt người đã chọn gói xét nghiệm khi hiến máu
08 Tháng Mười, 2021Từ tháng 11/2018, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã triển khai gói xét nghiệm quà tặng cho người hiến máu tại Hà Nội. Đến nay, đã có gần…