Từng phải nghỉ học, người bệnh thalassemia vươn lên làm chủ công ty
Từng gặp tai nạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, anh Đặng Huy Dũng (quê Thanh Hóa, bệnh nhân tan máu bẩm sinh) nhận ra việc điều trị bệnh thường xuyên giúp anh có sức khoẻ ổn định, từng bước xây dựng lại doanh nghiệp của mình.
Ca phẫu thuật chấn thương sọ não
Buổi sáng cách đây 3 năm, anh Đặng Huy Dũng thi công đường dây mạng. Khi đang trèo thang thì cơn hoa mắt, chóng mặt bất ngờ ập đến. Anh Dũng ngã nhào xuống đất.
Lúc đó chỉ có một mình anh tại nơi làm việc. Sau khi bất tỉnh khoảng 1 giờ đồng hồ, anh tỉnh dậy thấy toàn thân đau đớn. Trong khi đầu óc quay cuồng, một dòng suy nghĩ chạy qua: “Nếu cứ nằm thế này chỉ có chờ chết”. Anh lấy hết sức nhoài người dậy để tri hô những người xung quanh.
Bị vỡ hộp sọ và phải phẫu thuật chấn thương sọ não, anh Dũng nằm điều trị suốt 4 tháng tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Anh Dũng nghĩ đến nguyên nhân của cơn hoa mắt, chóng mặt ngày hôm ấy có thể do bản thân bị thiếu máu.
Đây không phải là lần đầu tiên anh Dũng có biểu hiện hoa mắt chóng mặt. Đã từng có nhiều lần anh thiếu máu phải nhập viện cấp cứu.
Từng thiếu máu đến mức không thể đứng dậy
Lên 1 tuổi, Đặng Huy Dũng trải qua một trận sốt rét. Cũng chính từ lần đó, Dũng được phát hiện thiếu máu. Thế nhưng đến khi truyền máu lần đầu tiên ở tuổi lên 5, gia đình cũng không rõ nguyên nhân là gì.
Từ trận ốm nặng năm 13 tuổi, bố mẹ mới bàng hoàng khi biết Dũng bị bệnh tan máu bẩm sinh, một bệnh huyết sắc tố gây thiếu máu, tan máu di truyền. Tình trạng thiếu máu là một trong những biểu hiện của căn bệnh này. Vì điều kiện gia đình khó khăn nên Dũng đã không thể tiếp tục theo đuổi điều trị. Thiếu máu, sức khoẻ của Dũng ngày một giảm sút, đến mức phải nằm dài ngày, không thể đi lại được bởi cứ đứng dậy là choáng và chân yếu. Cậu học trò lớp 7 khi đó chỉ nặng vỏn vẹn 14 cân.
Từng phải nghỉ học đến làm chủ công ty
Sau biến cố sức khoẻ năm lớp 7, gia đình thấy Dũng không đủ sức khoẻ nên không cho tiếp tục đi học. Tuy nhiên, hoàn cảnh trớ trêu đó cũng không làm mai một đi tinh thần hiếu học của người thiếu niên. Cậu học trộm, rồi tranh thủ lấy sách của em trai để tự học. Cơ thể nhỏ bé nhưng Dũng nhanh nhẹn, sáng dạ. Trong nhà có đồ điện tử bị hỏng, Dũng đều mày mò tìm cách tự sửa.
Đó cũng là cơ duyên để anh Dũng tìm thấy niềm đam mê của mình. Bằng lòng quyết tâm, anh xin mẹ đi học lớp công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật của tỉnh.
“Nhiều người bị khiếm khuyết trên cơ thể, thậm chí cả khiếm thị mà họ vẫn cố gắng để tạo ra giá trị cho xã hội. Mình còn lành lặn chân tay và có một khối óc, chẳng nhẽ mình phải ăn bám hay trở thành gánh nặng của gia đình và của xã hội?”, anh Dũng giãi bày.
Lăn lội học tập và chật vật tìm chỗ làm tích luỹ kinh nghiệm vài năm, anh Dũng trở về quê mở công ty cung cấp thiết bị mạng, máy vi tính, camera. Dần dần, lượng khách hàng tìm đến anh đã ổn định. Doanh nghiệp nhỏ của anh còn tạo công ăn việc làm cho 6 nhân lực.
Anh Đặng Huy Dũng đang vệ sinh thiết bị tại cửa hàng của mình (ảnh nhân vật cung cấp)
Anh mải mê với công việc, cộng thêm thông tin về bệnh còn hạn chế, nên dù đã biết bệnh, việc điều trị của anh vẫn bị ngắt quãng. Năm 2009, thấy đau lồng ngực nên anh ra Bệnh viện Bạch Mai khám và được truyền máu. Sau đó, một vài lần anh phải nhập viện truyền máu cấp cứu tại Thanh Hoá do hồng cầu và huyết sắc tố giảm trầm trọng.
Nhớ lại khoảng thời gian đó, anh Dũng biết nhiều lần mình mệt do thiếu máu, nhưng tự thấy tình trạng không quá nghiêm trọng nên lại bỏ qua.
“Mình chủ quan đến mức độ yếu không đi lại được nữa thì mới nhập viện”, anh Dũng kể. Việc không đi điều trị kịp thời cũng là điều khiến anh Dũng tiếc nuối. Anh tự hỏi phải làm gì để tránh những điều nguy hiểm tương tự có thể xảy ra.
Không để thế hệ sau phải gánh chịu nỗi khổ do căn bệnh
Năm 2022, anh Dũng bắt đầu điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu TW. Từ đó đến nay, cứ 2 tháng anh Dũng lại bắt xe ra Hà Nội nhập viện để truyền máu và thải sắt.
Từ khi tuân thủ điều trị theo lịch hẹn của bác sĩ, anh thấy mình khoẻ hơn nhiều. Sức khoẻ là nền tảng để những người bệnh như anh xây dựng ước mơ.
TS.BS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết: “Khi cơ thể thiếu hồng cầu quá nhiều và thường xuyên, không được bổ sung đầy đủ, kịp thời sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ sự phát triển của cơ thể như trẻ chậm phát triển thể chất; cơ thể phản ứng bằng tăng sinh hồng cầu dẫn đến thay đổi cấu trúc xương dẹt, biểu hiện rõ nhất là các xương ở hộp sọ, làm biến dạng khuôn mặt, trán dô, mũi tẹt, gò má cao. Tình trạng thiếu máu mạn tính sẽ ảnh hưởng đến tim, có thể gây ra suy tim…” Vì vậy, người bệnh tan máu bẩm sinh cần điều trị thường xuyên để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Cũng từ vụ tai nạn phải phẫu thuật, công việc của anh Dũng bị gián đoạn, đội ngũ nhân lực dần thu hẹp quy mô. Thế nhưng, anh lạc quan cho rằng dù doanh nghiệp trước đây đã tan rã song những nền tảng anh gây dựng vẫn còn đó. Giờ là lúc người đàn ông với nhiều hoài bão xây dựng lại từ đầu.
“Mình còn sống, còn thở là phải cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn, đứng dậy hiên ngang kiên cường như cây cau”, anh Dũng khẳng định.
Anh Đặng Huy Dũng tham gia các hội nghị khách hàng (ảnh nhân vật cung cấp)
Động lực sống của anh Dũng là theo đuổi sự nghiệp, bên cạnh đó là gia đình và người thân. Khi xác định kết hôn, anh sẽ cùng người bạn đời đi khám sàng lọc tiền hôn nhân. “Mình bị bệnh và quá thấu hiểu nỗi khổ do căn bệnh gây ra. Mình không thể để thế hệ sau cũng phải gánh chịu như mình”, anh Dũng quả quyết.
Thalassemia là bệnh lý di truyền phổ biến nhất trên thế giới, ước tính 7% dân số toàn cầu mang gen và bị ảnh hưởng bởi bệnh lý này. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể. Người bệnh thalassemia phải định kỳ truyền máu (khối hồng cầu), thải sắt và điều trị biến chứng tại các bệnh viện. Bệnh đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng dân số và giống nòi, gây ra nhiều gánh nặng cho gia đình, xã hội. Ở Việt Nam, người mang gen bệnh có mặt ở tất cả các dân tộc, ở tất cả các tỉnh/thành phố, ước tính trên 14 triệu người mang gen bệnh. Mỗi năm ước tính nước ta có trên 8.000 trẻ sinh ra bị bệnh, trong đó khoảng trên 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai. Phòng bệnh tan máu bẩm sinh là phòng để không sinh ra trẻ bị bệnh, giảm dần tỷ lệ di truyền gen bệnh trong cộng đồng. Biện pháp then chốt, hiệu quả để phòng bệnh là xét nghiệm máu, ngay từ giai đoạn tiền hôn nhân và sàng lọc trước sinh với những người mang gen bệnh để sinh con khỏe mạnh. |
Hải Yến – Thiết kế: Hạnh Toàn
Bài viết liên quan
Trăn trở của những bác sĩ ở nơi truyền cho bệnh nhân sự sống
07 Tháng Năm, 2024Ở lĩnh vực điều trị bệnh máu, các bác sĩ phải học cách đối diện với nỗi buồn và những đêm thức trắng vì thương người bệnh. Niềm trăn trở…
1.300 học sinh dân tộc của tỉnh Hà Giang được xét nghiệm sàng lọc tan máu bẩm sinh
12 Tháng Mười Một, 2023Từ ngày 07/11 đến 10/11/2023, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục – Đào tạo và các trường Phổ…
Chàng trai tí hon đỗ Đại học Y Hà Nội
15 Tháng Chín, 2023Mắc bệnh tan máu bẩm sinh, phải cắt một phần phổi và chỉ cao 1,5 m, nhưng Minh Hiếu vẫn quyết theo đuổi giấc mơ làm bác sĩ. Những ngày…